Đẹp

Chuyện chị em: Phiền toái với ngực 'khủng'

Bộ ngực nặng 3-4kg hoặc chảy dài lủng lẳng là biểu hiện của chứng phì đại tuyến vú, khiến phụ nữ gù lưng, mỏi vai gáy và thường bị chế giễu, chọc ghẹo.

Khổ vì khủng

Trong khi nhiều người phải chi hàng trăm triệu đồng để có bộ ngực lớn thì T.B.H (20 tuổi, Hải Dương) phải chịu nỗi khổ ngực “khủng” trong nhiều năm. H cho biết, từ năm 14 tuổi, ngực của em bỗng dưng “lớn như thổi”, to như hai cái giành tích treo ở phía trước. Ngực lớn khiến em chịu ánh mắt cười cợt, tò mò của mọi người. Rất nhiều nam giới buông lời cợt nhả sỗ sàng khi H đi qua. Vì vậy, em rất ngại giao tiếp.

GS Trần Thiết Sơn đang thực hiện 1 ca tái tạo ngực. Ảnh: Diệu Linh


GS.TS Trần Thiết Sơn- Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội) cho biết, bệnh nhân H nhập viện với bộ ngực phì đại. Kết quả đo đạc cho thấy, H có bộ ngực quá lớn, mỗi bên nặng 1,5kg, có thể tích từ 1.000 - 1.100 cc, gấp 4 lần người có bộ ngực tầm trung. Với bộ ngực nặng hơn 1,5kg, vai của H luôn phải dúm lại để chịu đựng, ảnh hưởng đến dây thần kinh vai gáy nên luôn nhức mỏi.

Tuần qua, GS Sơn đã tiến hành phẫu thuật thu nhỏ ngực cho bệnh nhân H, giúp em giải phóng khỏi nỗi khốn khổ vì bộ ngực vĩ đại “đè nặng”. Hiện bộ ngực của H chỉ còn 300cc, các sẹo mổ sẽ mờ đi, sau này, H vẫn có thể cho con bú bình thường.

Theo GS. Sơn, đây là bệnh phì đại tuyến vú, không hiếm gặp ở phụ nữ. Bệnh không có nguyên nhân, quy luật gì mà “rơi vào ai, người nấy chịu”. Cũng có cô gái ngực phì đại từ lúc dậy thì, nhưng cũng có người bị phì đại sau khi sinh con thứ nhất, thứ hai. Bệnh cũng có yếu tố di truyền, người bị phì đại tuyến vú thường có bà, mẹ hoặc dì cũng lớn. “Tôi đã từng phẫu thuật cho 4 mẹ con cùng bị phì đại tuyến vú. Một cô con gái “chịu không thấu” bộ ngực nặng nề nên đã đi thu nhỏ. Sau khi về nhà, thấy cô quá sung sướng nên 3 chị gái, thậm chí cả bà mẹ đã hơn 50 tuổi đều rủ nhau đi thu nhỏ ngực” - GS. Sơn cung cấp.

Không nên chịu đựng

Theo GS. Sơn, có người bị phì đại theo chiều ngang, nhưng cũng có người bị chảy dài, đặc biệt là những người sau 1 - 2 lần sinh nở. Ca ngực dài nhất mà bệnh viện đã thực hiện dài tới 55cm, kéo từ ngực tới tận… đùi. “Cô gái bước vào phòng khám với thân hình nặng nề, phồng to, tôi lại tưởng cô ấy có bầu. Đến khi cô ấy vừa khóc vừa ngượng ngùng dở áo ra mới biết ngực cô ấy dài qua cả thắt lưng, cô ấy chỉ có thể tự sáng tạo một “quang gánh” để đỡ bộ ngực chảy dài chứ không có cách nào kéo lên cả” - GS.Sơn cho biết.

Theo GS. Sơn, ngày càng nhiều các ca phì đại tuyến vú tìm đến bệnh viện để được giúp đỡ, đặc biệt có đến 4/5 ca phì đại tuyến vú đến từ vùng nông thôn. Từ năm 2008 đến nay, bác sĩ Sơn đã phẫu thuật cho khoảng 250 ca phì đại tuyến vú. ¾ số ca là người sau sinh nở, có em mới chỉ 16-17 tuổi, nhưng cũng có bà 58 tuổi. “Nhiều người khốn khổ với bộ ngực lớn, chảy xệ, thậm chí lệch cả cột sống, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng vài chục năm. Một số người không biết đó là bệnh lý nên đành chịu đựng, một số người xấu hổ, ngại ngần. Thậm chí, có người muốn đi phẫu thuật thì người nhà lại can ngăn, cho rằng “già rồi còn làm đẹp”. Tuy nhiên, đối với bệnh lý này, chị em không nên chịu đựng khiến sức khoẻ và tâm lý bị ảnh hưởng. Chi phí cho mỗi ca bệnh cũng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng” - GS Sơn cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Việt Nam - Cu ba) cũng cho biết, phì đại tuyến vú là bệnh không hiếm gặp, nhưng không có thuốc chữa mà chỉ có thể phẫu thuật cắt gọn, thu nhỏ. Tuy nhiên, các bệnh nhân cần tìm đến các bệnh viện đã thực hiện tốt các ca phẫu thuật này. Vì nếu cắt ghép quầng vú không đảm bảo có thể khiến cho núm vú bị hoại tử phải cắt bỏ, chị em không thể nuôi con bằng sữa mẹ được nữa.


"Thông thường phẫu thuật vú dạng khổng lồ sẽ cắt toàn bộ ngực và ghép lại núm vú, tuy nhiên với kỹ thuật này, chức năng cho con bú của vú sẽ không còn, cảm giác cũng mất. Còn với kỹ thuật mới, chúng tôi đã hoàn thiện kỹ thuật thu gọn ngực mà vẫn bảo tồn núm vú tự nhiên, với 3 đường rạch nhỏ, giấu sẹo, tạo thẩm mỹ tốt. Bệnh nhân vẫn giữ nguyên cảm giác và khi có con vẫn cho bú bình thường” (GS Trần Thiết Sơn).

Tác giả bài viết: Diệu Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP