Kỳ 2 (kỳ cuối): Cụ sưa trăm tỷ... cụt đầu
Chúng tôi về làng Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội), được các cụ già trong thôn dẫn đi xem hai “cụ” sưa, một cụ được định giá 100 tỷ đồng, một cụ 50 tỷ. Tôi không khỏi sửng sốt, khi một “cục vàng ròng” nằm chềnh ềnh sân chùa, ngay ven đường như thế, mà bảo vệ là các cụ già mắt mờ chân yếu.
Cách cây sưa cổ thụ chỉ độ 10 mét, phía góc phải sân chùa, là một cây sưa nữa, cũng tỏa bóng rợp mát. Các cụ làng Phụ Chính cũng định giá cây sưa này khoảng 50 tỷ đồng.
Trước cửa ngôi chùa dột nát, với tường đổ nghiêng ngả, chẳng có cổng rả kia, có tới 2 “cây vàng” trị giá khoảng 150 tỷ đồng đứng sừng sững. Quả là một chuyện khiến bọn sưa tặc thèm khát đến điên đảo!
Cây sưa được định giá 100 tỷ
Sự bảo vệ 2 “cây vàng” này quá đơn sơ, không có gì ngoài nhiệt huyết của các cụ. Sợi kẽm gai mỏng manh nhỏ hơn đũa ăn cơm với vài vòng quấn ở gốc kia, hay cái khung sắt bằng ngón tay, đâu thể ngăn được lòng tham con người và sức mạnh của những chiếc cưa máy hiện đại?
Để bảo vệ được 2 cây sưa, các cụ trong thôn Phụ Chính phải chia nhau canh gác, tuần tra suốt ngày đêm. Đã có lần, nửa đêm về sáng, bọn sưa tặc kéo đến định hạ cây, nhưng các cụ phát hiện ra ngay, tri hô cả làng ra đuổi. Bọn trộm chạy bán sống bán chết, không thấy quay lại lần nào nữa.
Nhưng bọn trộm đâu có nhanh nản như vậy. Làm sao các cụ bảo vệ cây sưa 24/24, với 360 ngày trong năm được? Cũng phải có sơ hở chứ? Đến con chó, con mèo, chúng còn ra tay bắt trộm, bất chấp việc bị dân làng tri hô đánh chết, đốt xác, thì cây sưa trị giá khổng lồ kia đáng để chúng đánh đổi tính mạng lắm.
Cây sưa bên cạnh nhỏ hơn được định giá 50 tỷ đồng
Và rồi, cái gì đến đã đến. Đúng trong những ngày mưa bão, sấm chớp đùng đùng, khi người dân Phụ Chính còn đang mải chống chọi với bão, gió, thì bọn trộm đã ra tay hành động. Cơ hội này chúng đã đợi từ lâu. Có lẽ, khi dự báo thời tiết bão tố sắp về, chúng đã lên kế hoạch tỉ mỉ.
Theo các cụ, trước khi bão Sơn Tinh về vài hôm, thi thoảng có đám người lạ về làng, cưỡi xe máy, ô tô, lúc đi chậm, lúc đi nhanh, dáng vẻ mắt la mày lét. Tuy nhiên, thời điểm đó dân làng đang thu hoạch lúa khẩn cấp để tránh bão, ai cũng bận rộn, nên thiếu cảnh giác. Không ngờ, đó chính là thời điểm thuận lợi để chúng thám thính địa hình.
Bọn trộm đã tính toán thời gian kỹ lưỡng để ra tay hành động. Chúng nhằm lúc 2-3 giờ sáng tiến hành đốn sưa.
Thời điểm đó cả làng đang say giấc nồng. Các cuộc tuần tra của các cụ, lực lượng bảo vệ thường kết thúc lúc 12 giờ đêm. Đến chừng 4 giờ sáng người dân mới dậy chở hàng hóa ra Hà Nội buôn bán.
Bọn trộm đã cưa cụt đầu 'cụ' sưa
Bọn trộm hành động đúng thời điểm nửa đêm về sáng, lại đúng hôm xảy ra cơn bão Sơn Tinh, nên đã qua mặt được cả làng Phụ Chính cũng như tổ bảo vệ hai cụ sưa.
Cụ Đinh Công Thường (Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Phụ Chính) kể rằng, phải đến 5 giờ 30 sáng, dân làng mới phát hiện cụ sưa 500 tuổi đã bị đốn cụt ngọn. Nghe tin báo, cụ tức tốc chạy ra chùa. Cụ sưa vươn mình cao chót vót, tỏa bóng mát sân chùa chỉ còn là đoạn thân cụt lủn, như một dũng sĩ cụt tay, cụt đầu.
Sân chùa cành lá vương vãi. Bọn trộm đã cắt ngang thân cụ sưa. Chúng còn bình tĩnh xẻ từng đoạn ngay tại sân chùa, rồi chất lên xe chở đi mất dạng.
Đối với các cụ trong làng Phụ Chính, cây sưa không chỉ là báu vật, mà còn là vật thiêng của làng. Cây sưa đã mang lại bao nhiêu buồn, vui, tủi hổ cho dân làng cũng như các cụ.
Ngay cả chuyện dân làng thống nhất 100% bỏ phiếu, cho phép đốn hạ cành mục, bán lấy 20,5 tỷ đồng để tu sửa chùa, xây xướng tường rào bảo vệ 2 cụ sưa còn lại, mà đến bây giờ rắc rối vẫn chưa buông tha. Dân làng ai cũng tôn trọng, không nghi ngờ gì các cụ, song miệng đời ác nghiệt thì đây đó gọi các cụ là… “sưa tặc”.
Cây sưa lúc chưa bị trộm cưa cụt đầu
Giờ đây, để bảo vệ phần gốc cụ sưa, các cụ trong làng Phụ Chính phải làm một việc cực chẳng đã. Các cụ mua sắt xoắn cỡ lớn, rồi thuê thợ hàn làm áo giáp cho cụ sưa.
Nhìn cảnh cụ sưa như một dũng tướng cụt đầu, bị quấn chằng chịt sắt thép như đóng cũi thật thảm hại. Chốn Phật môn cũng chẳng được bình yên.
Video: Đánh nhau chảu máu đầu trong cuộc họp bàn bán cây sưa
Thế nhưng, liệu những sợi thép đó có ngăn được lòng tham của bọn sưa tặc, khi mà chúng vừa bán mấy đoạn cành bỏ túi cả chục tỷ đồng? Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong những năm tiếp theo.
Để an tâm, các cụ trong làng Phụ Chính mang chiếu, mang trà ra ngồi dưới gốc cây trông nom cả ngày. Đêm các cụ thay nhau thức giấc canh sưa.
Không chỉ lo cho sự tồn tại của cụ sưa, mà tôi còn thấy lo cho tính mạng của các cụ. Các cụ có thừa lòng nhiệt huyết, thừa tinh thần trách nhiệm, nhưng các cụ đâu còn tinh anh, khỏe mạnh để đối phó được với bọn trộm ranh ma, quỷ quyệt, sẵn sàng dùng dao, súng.
'Cụ' sưa được nhốt trong cũi sắt
Cách đây mấy năm, tôi đã được cụ Thường dẫn vào chùa thăm cụ sưa. Tôi và cụ đã giang hết cỡ sải tay, nhưng vẫn không hết chu vi thân cây.
Theo cụ Thường, đường kính thân phía dưới gốc cây sưa này cỡ 1m. Các cụ chẳng có ý định hạ cây để bán, nhưng giới buôn gỗ sưa ngắm nghía qua, cũng tính được lượng gỗ của nó, kể cả cành, rễ chừng 10 mét khối, tức khoảng 12 tấn gỗ sưa.
Chỉ cần tính theo giá mua bán 2 cành sưa vào năm 2010, là 11 triệu đồng/kg, thì cây sưa này phải có giá hơn 100 tỷ đồng!
Người dân Phụ Chính nói vui, nếu đốn cây sưa này đem bán, thì mua được một vạn con trâu bò, thả ra đồng nhung nhúc như muỗi, đủ chia cho mỗi hộ vài chục con. Nếu đem tiền chia cho các hộ gia đình, thì làng Phụ Chính nhà nào cũng có tiền tỷ. Quả là một nguồn lợi lớn không thể tưởng tượng được.
Đấy là chưa kể cây sưa ở phía trong, cách cây sưa khổng lồ này hơn 10m. Cây sưa này tuy không già cỗi, vằn vện bằng cây sưa trước cửa chùa, song cũng phải 1,5 người ôm mới xuể. Giới buôn bán sưa cũng định giá nó tới 50 tỷ đồng.
Hỏi về tuổi “cụ sưa”, cụ Thường trầm ngâm bảo: “Dân làng chúng tôi đều không biết rõ cây sưa có từ khi nào, nhưng đều thống nhất tin rằng nó đã 500 tuổi. Tôi đã sống gần 80 năm ở làng này, từ khi còn bé, đã thấy cây sưa to như thế, già như thế, chẳng khác bây giờ tý nào”.
Ông cụ Vũ Văn Quyển, hơn 90 tuổi, già nhất làng cũng bảo: “Lúc bé ông xem nó vẫn thế này, chẳng thấy lớn thêm tí nào. Bố mẹ ông cũng bảo chả biết đời nào trồng cây sưa này, nhưng từ thời nhà Nguyễn nó cũng đã xum xuê như bây giờ”.
Tác giả bài viết: Lâm Bình
Nguồn tin: