Anh chia sẻ, để có được kết quả như ngày hôm nay, anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhân kể: “Lúc mới sinh ra, tôi cũng lành lặn, khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhưng khi một tuổi, sau một cơn sốt bại liệt, hai chân tôi không thể phát triển và từ đó không đi lại được nữa”.
Lên 7 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa được vui vẻ cắp sách đến trường, còn anh thì lủi thủi ngồi một chỗ trong nhà, sợ con buồn, bố mẹ đã xin cho anh vào học ở Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật Đức Ninh.
Ở đây, thấy nhiều bạn cũng có chung hoàn cảnh như mình, nên anh hòa nhập rất nhanh và cảm thấy rất vui khi được cùng học, cùng chơi với bạn bè, các thầy cô giáo. Thế nhưng, càng lớn, Nhân càng cảm thấy mình quá khác biệt với những người bạn bình thường khác trong xóm. Nhân cảm thấy tự ti, mặc cảm với mọi người khi không thể tự mình đi lại được.
Nhiều lúc quá buồn và chán nản, anh chỉ biết ngồi khóc một mình, tính tình của anh vì thế cũng ngày một trầm hẳn đi. Sợ Nhân bị tự kỷ, bố mẹ đã thay nhau cõng anh đi chơi ở bãi sân đầu làng, xem các bạn đá bóng, thả diều.
Anh Phạm Văn Nhân đang sửa chữa điện thoại ở cửa hàng của mình trên đường Lê Lợi (TP. Đồng Hới). |
12 tuổi, Nhân được ba mẹ xin cho học ở Trường trung học cơ sở Đức Ninh 2. Ngày mưa cũng như ngày nắng, ba mẹ Nhân vẫn chịu khó cõng anh đến lớp để anh không bỏ một buổi học nào. Anh tâm sự: “Mặc dù ở lớp, cô giáo rất quan tâm và thương tôi. Nhưng, thấy tôi chỉ ngồi một chỗ, một số bạn bè hay chạy vào trêu chọc, tôi buồn lắm”.
Thấy Nhân thường xuyên bị các bạn trong lớp trêu chọc, bắt nạt, cô bạn lớp trưởng đã đứng ra bảo vệ anh. Cũng từ đó, tình bạn giữa anh và cô bạn lớp trưởng ngày càng thân thiết hơn. Học hết cấp hai và cấp ba, cô bạn lớp trưởng tên Hạnh này luôn sát cánh, bảo vệ và đưa đón anh đến trường.
Với anh, Hạnh không chỉ là một người bạn mà còn giống như người thân trong gia đình lúc nào cũng động viên, giúp đỡ, bảo vệ anh trước những sự chế giễu, cười chê, kỳ thị của đám bạn.
Học xong cấp ba, Hạnh thi đỗ và theo học một trường đại học, còn anh thì vì sức khỏe yếu nên quyết định không thi đại học mà ở nhà. Anh cho biết, quãng thời gian này, anh chỉ biết ở nhà và đọc những cuốn sách về tin học.
Thấy xã hội ngày càng phát triển, nên ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại. Tuy nhiên, lúc đó có rất ít các tiệm sửa chữa điện thoại. Thế là năm 2008, anh quyết định xin gia đình cho ra Hà Nội để học nghề sửa chữa điện thoại. Lúc mới xin vào học, các thầy cô ở Trung tâm Vocational Training tỏ ra khá ái ngại không dám nhận anh vào học vì sợ Nhân không thể theo học nổi khi bị khuyết tật cả hai chân.
Thế nhưng, với quyết tâm của mình, suốt thời gian học ở đây, Nhân luôn tích cực đi học trước các bạn hai tiếng đồng hồ để tự mình bò từng bậc cầu thang để lên tầng ba học. Thấy Nhân chịu khó và ham học, nhiều bạn bè đã thay nhau cõng anh lên lớp.
Sau quãng thời gian tự mình sinh sống và học tập ở Hà Nội, Nhân trở về quê hương và quyết định mở một tiệm sửa chữa điện thoại di động nhỏ gần nhà để có thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ.
Tự mình vươn lên dù hoàn cảnh không được may mắn và có thể nuôi sống bản thân, Nhân cảm thấy vui vẻ và hòa đồng hơn với mọi người. Tuy nhiên, nhận thấy những người khuyết tật xung quanh mình vẫn còn khá mặc cảm, tự ti, Phạm Văn Nhân đã nảy ra ý tưởng thành lập một câu lạc bộ khuyết tật của TP. Đồng Hới.
Anh và một số người bạn khuyết tật khác đã tập hợp nhau lại và đến từng nhà vận động những thanh niên khuyết tật khác cùng tham gia vào câu lạc bộ. Với sự giúp đỡ của Hội vì sự phát triển người khuyết tật tỉnh và Thành đoàn TP. Đồng Hới, câu lạc bộ do anh làm chủ nhiệm đã ra đời.
Anh cho hay, câu lạc bộ hiện tại có 30 thành viên. Câu lạc bộ với mục đích giúp các thanh niên khuyết tật chia sẻ với nhau những khó khăn, thành công trong cuộc sống, vượt qua mặc cảm, hòa nhập cuộc sống.
Tác giả: Đ.Nguyệt
Nguồn tin: baoquangbinh.vn