Du lịch

Chùm ảnh muôn kiểu “bức tử” tháp cổ Pô Klong Garai

Trong không khí lễ hội Katê rộn ràng, nhiều người vẫn không khỏi xót xa trước muôn kiểu "bức tử" quần thể tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) bất chấp những biển cấm hay cảnh báo.

Người già lẫn người trẻ cùng leo trèo lên tháp cổng để chụp hình lưu niệm - Ảnh: Tiến Thành


Những ngày này, quần thể tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) nhộn nhịp những dòng người và du khách hành hương về dự lễ Katê của đồng bào Chăm. Dưới chân tháp cổ, người già lẫn trẻ diện trang phục sặc sỡ cùng ngồi kể về truyền thuyết vị vua Pô Klong Garai, cùng cúng tế và cầu nguyện cho mùa màng no đủ…

Song vẫn có những hình ảnh thật đáng buồn: nhiều người leo trèo chụp ảnh, thậm chí vẽ bậy trên thân tháp dù có bảng cấm.

Theo các bậc chức sắc ở các làng Chăm, quần thể tháp Pô Klong Garai được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để thờ vua Pô Klong Garai, vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước.

Trải qua bao thăng thầm của lịch sử, nơi đây được xem là cụm tháp hùng vĩ và đẹp nhất trong những đền tháp của người Chăm còn tồn tại ở nước ta hiện nay.

Không chỉ là di tích độc đáo về kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Champa, nhiều thế kỷ qua, quần thể tháp Pô Klong Garai còn là nơi hành hương, tụ hội của đồng bào Chăm trong dịp lễ hội như lễ Katê để cầu tế thần linh cho cuộc sống no đủ và mùa màng bội thu.

Năm nay, lễ Katê của người Chăm trùng với lễ hội nho và vang nên UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lồng ghép để du khách trong và ngoài nước có thêm những trải nghiệm, khám phá về lịch sử, văn hóa vùng đất nắng gió này.

Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Ninh Thuận, cụm tháp Pô Klong Garai đang được Bộ VH-TT&DL thẩm định để công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng chính là yếu tố mang tính điều kiện để UBND tỉnh này tiếp tục kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận lễ Katê là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại trong thời gian tới.

Với ý nghĩa ấy, quần thể tháp Pô Klong Garai đương nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ gìn hiện trạng cảnh quan, song thực tế những ngày này, tháp đang bị “bức tử” đủ kiểu như người dân leo trèo, chụp ảnh, vẽ bậy bất chấp những biển cấm cảnh báo về ngọn tháp đang xuống cấp, khiến du khách tham quan không khỏi chạnh lòng.

Chùm ảnh muôn kiểu “bức tử” tháp cổ:

Đông đảo người dân và du khách tới cúng tế, tham quan quần thể tháp Pô Klong Garai trong ngày khai hội Katê - Ảnh: Tiến Thành

Người ngồi, người đứng chật kín thân tháp Lửa, một trong ba ngọn tháp thuộc quần thể tháp Pô Klong Garai - Ảnh: Tiến Thành

Một tấm bảng khuyến cáo du khách không đi qua khu vực di tích đã xuống cấp nhưng dòng người vẫn đi qua, thậm chí có thanh niên trèo lên thân tháp để đi cho tiện - Ảnh: Tiến Thành

Đôi nam nữ dìu nhau xuống thân tháp cổng sau khi chụp ảnh xong, bất chấp biển cấm leo trèo - Ảnh: Tiến Thành

Đôi bạn trẻ ngó lơ bảng nội quy tại tháp cổ để leo lên tháp chụp hình - Ảnh: Tiến Thành

Các thiếu nữ trèo lên thân tháp Lửa để chụp hình lưu niệm - Ảnh: Tiến Thành

Một dòng chữ do các bạn trẻ khắc lên thân tháp Lửa - Ảnh: Tiến Thành

Một người đàn ông vô tư dúi điếu thuốc hút dở khi đang ngồi bên trong tháp Lửa - Ảnh: Tiến Thành

Phần chân tháp Lửa được cảnh báo đã xuống cấp nhưng nhiều người vẫn vô tư ngồi tràn lên chân tháp - Ảnh: Tiến Thành

Một bạn trẻ viết, vẽ bậy bên trong tháp - Ảnh: TIẾN THÀNH

Vẻ đẹp cổ kính của quần thể tháp Pô Klong Garai - Ảnh: Tiến Thành

Tác giả bài viết: Tiến Thành

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP