Trong nước

Chủ tịch tỉnh có bị kỷ luật nếu không thi hành án cho Lê Ân?

Theo luật sư, nếu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không thi hành hai bản án hành chính cho đại gia Lê Ân thì Thủ tướng Chính phủ có thể kỷ luật người đứng đầu địa phương này.

Triệu tập chủ tịch tỉnh để thi hành án cho đại gia Lê Ân

Những ngày qua, dư luận quan tâm đến việc ông Lê Ân gửi đơn kêu cứu vì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thua kiện đại gia 79 tuổi nhưng chưa chịu thi hành án.

Theo quy định của pháp luật, công tác thi hành án hành chính ở Việt Nam được thực hiện theo cơ chế tự thi hành án. Điều này nhằm đề cao tinh thần tự nguyện, tự giác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án và không quy định về cưỡng chế thi hành án hành chính.

Do đó, Cục Thi hành án Bà Rịa - Vũng Tàu không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với UBND tỉnh trong vụ việc này.


Vợ chồng đại gia Lê Ân. Ảnh: V.T.

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM), dù không có quy định làm cơ sở để cơ quan thi hành án được quyền cưỡng chế thi hành án đối với UBND tỉnh, không có nghĩa pháp luật bỏ ngỏ việc này.

Luật sư Thi cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2016, trong đó quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án như một biện pháp "cưỡng chế" đối với người phải thi hành án.

Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà các cá nhân (cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm trong thi hành án) vi phạm về thi hành án hành chính có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp gây thiệt hại còn phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết theo Điều 314 Luật Tố tụng hành chính thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án, quyết định buộc thi hành án của tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Thời hạn tự nguyện thi hành án đối với trường hợp của ông Lê Ân là 30 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận được bản án, quyết định của tòa án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính.

Hết thời hạn trên mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì người được thi hành có quyền đề nghị tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định buộc thi hành bản án hành chính.

Khi nhận được quyết định buộc thi hành án, người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành ngay bản án, quyết định của tòa án.

Với trường hợp của ông Lê Ân, cơ quan cấp trên trực tiếp của UBND tỉnh là Chính phủ. Nếu UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chịu thi hành án thì Thủ tướng Chính phủ có thể sẽ có văn bản chỉ đạo về việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Cơ quan thi hành án dân sự là nơi có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý trách nhiệm đối với người chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án của tòa án. Người thi hành án trong trường hợp này là Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu", luật sư Thi nói.

Tác giả bài viết: Việt Tường

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP