Kinh tế

Chủ tịch Quốc hội: Nợ công sẽ không đi vào 'vết xe đổ'

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng, đảm bảo tính an toàn, chứ không chỉ đưa ra khung trần như hiện nay.

"Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định khi trả lời câu hỏi tại cuộc gặp các cơ quan thông tấn, báo chí sáng 23/7.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ cho biết tới cuối năm 2015, nợ công tương đương 62,2%GDP, áp sát trần cho phép trong khi nợ Chính phủ đã vượt trần 0,3% (50,3%).

Trước con số nợ công đang tăng cao và có thể vượt mức 65% GDP cho phép, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm bởi là cơ quan quyết định trần nợ công và bội chi, quyết định mức phát hành trái phiếu Chính phủ…

Bày tỏ và nhận trách nhiệm khi Quốc hội khoá XIII chưa làm tròn vai trong kiểm soát nợ công, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “Quốc hội khoá XIV sẽ kiểm soát nợ công, không xảy ra “vết xe đổ” như những quốc gia đi trước ở châu Âu, châu Mỹ”.


Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội sẽ kiểm soát chặt nợ công và yêu cầu Chính phủ tính toán lại cách xác định nợ công để đảm bảo an toàn. Ảnh: Giang Huy

Quyết tâm kiểm soát chặt chẽ nợ công, song Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cơ quan lập pháp sẽ yêu cầu Chính phủ tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng. “Người ta cứ 100%, 200%GDP không sao nhưng với chúng ta thì 65%GDP có an toàn nợ công hay không?”, bà nói.

An toàn nợ công theo phân tích của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, không phải là con số nợ “đụng” hay vượt trần 65%GDP, mà tiền vay về rồi phải được sử dụng hiệu quả và đến hạn phải trả được.

“Đã xảy ra tình trạng tới hạn trả nợ thì chúng ta khó khăn, chưa đủ nguồn lực để cân đối trả nợ đúng hạn. Nên có tình trạng vay nợ cũ để trả nợ mới, vay để đáo hạn nợ… Việc đi vay để phát triển là cần thiết nhưng phải đảm bảo nền tài chính của đất nước có thể chịu đựng được, không vỡ nợ và khi vay đến hạn có tiền trả nợ mới là an toàn”, bà Kim Ngân dứt khoát.

Lúc này, tất cả các khoản vay của Chính phủ đều được điều chỉnh bằng các Nghị quyết của Quốc hội. Cơ cấu nợ vay đã được thay đổi, chuyển từ vay ngắn hạn sang trung và dài hạn, thay đổi cơ cấu nợ vay trong nước và nước ngoài… để giảm áp lực trả nợ.

Tuy nhiên, trong bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mới nhất vừa được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này, qua đánh giá của Chính phủ cho thấy khá rõ nỗi lo nợ công vượt trần. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chậm lại, chỉ đạt 5,52%, đang là nguy cơ làm tăng bội chi và tác động khiến nợ công, nợ Chính phủ có thể vượt trần cho phép.

Một lần nữa thể hiện tinh thần quyết tâm của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, "Quốc hội và Chính phủ sẽ bàn để đưa ra giải pháp, nhất định không để tỷ lệ bội chi tăng lên mà phải dần kéo xuống và đảm bảo an toàn nợ công".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài - Võ Hải

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP