Sáng 7/7, tổ Đại biểu Quốc hội số 1 tiếp xúc cử tri 3 quận 1, 3, 4 (TPHCM) để thông tin kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV |
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa - Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM, ông Lâm Đình Thắng - Phó Bí thư thường trực Thành đoàn TPHCM và ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM.
Tại đây, cử tri Dương Xuân Biển (quận 4) đề nghị sắp xếp bộ máy Nhà nước tinh gọn từ cấp Bộ trở xuống đến cấp phường, xã; xem xét lại chế độ lương cho cán bộ, công chức tương xứng với vị trí công việc. Theo ông, việc này sẽ góp phần quan trọng trong phòng chống tham nhũng.
“Trước hết, cần thí điểm từ cấp tỉnh trở xuống, đồng thời xem hiệu quả việc luân chuyển cán bộ. Nên biệt phái cán bộ ở vị trí lãnh đạo khi cần thiết và không nên chuyển cán bộ chuyên môn theo diện rộng để tránh xáo trộn công việc vì cán bộ quen với địa bàn”, ông Biển đề nghị.
Đồng quan điểm, cử tri Hoàng Thị Lợi (quận 1) cho rằng ở nước ngoài, lương công chức đủ nuôi sống người thân, ai tham nhũng không được làm nữa. Còn ở nước ta, luật thì có nhiều mà tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra.
“Đề nghị Quốc hội xem lại thu nhập của công chức. Bộ máy của chúng ta cồng kềnh nên lương công chức thấp. Vì vậy, cần xem lại công chức đầu vào phải chất lượng và tinh giản biên chế để nâng cao thu nhập công chức, chấm dứt vòng luẩn quẩn này”, bà Lợi nói.
Theo cử tri Lợi, cán bộ, công chức kê khai tài sản thì phải công khai cho người dân biết. Đối với các trường hợp tham nhũng thì phải xử lý nghiêm để tạo tính răn đe.
Cử tri Hoàng Thị Lợi đề nghị tinh gọn bộ máy Nhà nước để nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức |
“Những hành vi rõ ràng là tham nhũng nhưng khi truy tố thì quy thành tội cố ý làm trái, để rồi tất cả tham ô trốn vào đây”, cử tri Lợi bức xúc.
Bà Hoàng Thị Lợi cũng đề nghị Quốc hội nên thay đổi cách làm luật chứ như hiện nay là không ổn. Việc giao cho các bộ làm luật dẫn đến tình trạng các điều luật có lợi cho các bộ. Bà cho rằng nên giao cho công ty chuyên trách nào đó. Đơn vị này soạn thảo xong cho các bộ phản biện rồi dân góp ý trước khi trình Quốc hội thông qua.
“Mỗi kỳ họp Quốc hội thông qua rất nhiều luật nhưng thực chất luật chưa đi vào cuộc sống. Hiệu lực của luật với cuộc sống hơi yếu”, bà Lợi băn khoăn.
Cử tri Lê Viết Hải đề nghị xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng |
Trong khi đó, cử tri Lê Viết Hải (quận 4) kiến nghị cơ quan Trung ương vào cuộc xử lý tham nhũng, dù là cán bộ cấp cao đi nữa cũng phải xử lý nghiêm minh để tạo tính răn đe. Việc này giúp làm trong sạch bộ máy Nhà nước, tạo niềm tin cho nhân dân.
Cũng theo ông Hải, dư luận xôn xao trước quần thể biệt thự của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái. Ông Hải cho rằng việc chuyển đổi đất rừng, đất trồng cây lâu năm... sang tài sản cho ông giám đốc sở này đã “vượt qua suy nghĩ và sự tưởng tượng của người dân”. Ông mong Quốc hội quan tâm kiến nghị các cơ quan vào cuộc làm rõ để tạo niềm tin cho nhân dân.
Đánh giá cao sự tâm huyết của cử tri đối với vấn đề tham nhũng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng bộ máy trong sạch vững mạnh, phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng người đứng đầu phải nói không với tham nhũng |
“Thời gian qua chúng ta đã làm quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu. Chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa vì tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và gây bức xúc cho nhân dân”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp thường xuyên và chỉ đạo các đoàn đi kiểm tra, các cơ quan chuyên trách và chính quyền địa phương cũng vào cuộc quyết liệt.
Theo Chủ tịch nước, đấu tranh chống tham nhũng phải được thực hiện kiên quyết, kiên trì bằng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn dân, phát huy vai trò của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
“Đây là cuộc đấu tranh rất cam go, quyết liệt nên phải triển khai đồng bộ các biện pháp. Hơn ai hết, người lãnh đạo, người chỉ huy phải nói không với tham nhũng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh rằng đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến cam go |
Chủ tịch nước cho rằng đấu tranh chống tham nhũng cần phải được bổ sung nhiều giải pháp, gắn với đấu tranh chống tự chuyển biến, tự chuyển hóa, gắn chặt với thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của cử tri là phải xử lý nghiêm minh tham nhũng để tạo sức răn đe, nâng cao hiệu quả chống tham nhũng. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các vụ liên quan đến tham nhũng mà báo chí nêu. Các vụ việc phải được điều tra, xử lý.
“Chúng ta cũng đưa ra nhiều vụ lớn ra xét xử. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng nhưng phải thận trọng, khách quan”, Chủ tịch nước nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng việc thu hồi tài sản, niêm phong tài sản tham nhũng phải được tiến hành ngay từ lúc khởi tố vụ án là rất quan trọng. Sau quá trình điều tra xác minh, củng cố chứng cứ để xử lý thì có điều kiện thu hồi tài sản tham nhũng.
Tác giả: Quốc Anh - Nguyễn Quang
Nguồn tin: Báo Dân trí