Xã hội

Chủ tàu kêu trời vì thuyền viên ứng tiền rồi... biến mất

Biết chủ tàu cá cần lao động đi biển, nhiều ngư dân liên hệ xin ứng tiền với lời hứa ra khơi cùng chủ tàu. Sau khi nhận được tiền, những ngư dân này lại "lặn" mất khiến chủ tàu vừa mất tiền, vừa thiệt hại kinh tế khi tàu cá phải nằm bờ vì thiếu lao động.

Cuối tháng 3/2018, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện và giải cứu 4 ngư dân tỉnh Bình Thuận bị chủ tàu cá trói bằng xích sắt. Khai nhận với cơ quan chức năng, chủ tàu cho biết đã ứng trước cho 4 lao động số tiền 28 triệu đồng nhưng họ không làm được việc nên đành đưa về đất liền. Trên đường về, chủ tàu đã trói 4 ngư dân để tránh tình trạng trốn nợ.

Hành vi này của chủ tàu đã bị lên án, tuy nhiên đây là "giọt nước tràn ly" sau khi hàng loạt chủ tàu mất tiền oan vì tin lời hứa của thuyền viên.

Một thuyền viên bị chủ tàu trói vì sợ trốn nợ

Xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) là nơi có nhiều tàu cá làm nghề lặn và đây cũng là nơi có nhiều chủ tàu mất tiền vì tin lời hứa của thuyền viên.

Trong khai thác hải sản ở những vùng biển xa thì lặn là nghề cực nhọc, nguy hiểm nhất. Vì vậy, nguồn lao động lặn biển luôn trở nên "khan hiếm" với chủ tàu.

"Để có lao động lặn biển chúng tôi phải ứng trước cho 4 lao động ở Bình Định, Khánh Hòa 60 triệu đồng. Vậy mà đến ngày ra khơi thì họ "lặn" luôn không liên lạc được", bà Võ Thị Sen - chủ tàu cá ở xã Bình Châu than thở.

Như để giải tỏa bức xúc, bà Sen cho biết thêm: mỗi chuyến ra khơi nghề lặn kéo dài vài ba tháng, vì vậy ngay trước Tết Nguyên đán gia đình bà phải tìm lao động lành nghề để sẵn sàng ra khơi.

Vào thời điểm đó, 4 ngư dân Bình Định, Khánh Hòa biết tin nên đã liên lạc xin làm công trên tàu với điều kiện phải được ứng trước tiền. Đang thiếu lao động, lại tin tưởng vào lời hứa của 4 ngư dân nên bà Sen ứng trước cho họ 60 triệu đồng.

Sau khi tìm được lao động, bà Sen bỏ ra 100 triệu đồng mua thêm trang thiết bị lặn cho chuyến biển dài ngày. Đến ngày hẹn ra khơi, bà Sen liên lạc thông báo với 4 người đã ứng tiền trước đó nhưng tất cả đều tắt điện thoại.

"Tìm mọi cách liên lạc không được nên đành chịu mất tiền, rồi phải lỡ chuyến biển. Thiếu lao động nên chồng con tôi sau đó buộc phải ra khơi hành nghề câu, đồ lặn cả trăm triệu phải bỏ", bà Sen bức xúc.

Cùng tình cảnh bị nhiều ngư dân "lặn" mất tiền, bà Võ Thị Năng ôm một xấp giấy chuyển tiền bày tỏ bức xúc với phóng viên.

Sau nhiều năm tích góp, gia đình bà Năng đóng được một chiếc tàu công suất lớn đánh bắt ở ngư trường xa bờ. Tàu lớn cần nhiều lao động nên trước Tết Nguyên đán vừa qua, bà Năng phải ứng tiền để giữ chân 10 lao động ở tỉnh Nha Trang.

"Khi nhận tiền họ hứa chắc chắn lắm, trong khi mình thì cần lao động nên phải ứng trước cho họ 180 triệu đồng. Vậy mà sau Tết liên lạc lại thì tất cả đều tắt máy. Tìm mọi cách hỏi thông tin thì được biết số lao động này đã đi biển với tàu khác", bà Năng cho biết.

Bà Năng đã chuyển 180 triệu đồng để giữ chân 10 lao động nhưng rồi tiền và lao động đều lặn mất

Thiếu lao động nên tàu cá của gia đình bà Năng buộc phải nằm bờ một thời gian dài. Sau đó, dù chưa tìm đủ lao động cần thiết nhưng chồng bà Năng phải cho tàu ra khơi để hạn chế bớt thiệt hại.

"Nhiều lần mất tiền vì ứng trước cho ngư dân nhưng không ứng không được. Mình cần lao động nên phải ứng tiền để giữ chân nếu không họ theo tàu khác. Từ năm 2009 đến nay nhà tôi mất mấy trăm triệu kiểu này rồi mà không có cách gì đòi được", bà Năng cho biết thêm.

Không chỉ bà Năng, bà Sen mà còn nhiều chủ tàu khác vừa mất tiền, vừa thiệt hại về kinh tế do thiếu lao động đi biển nhưng đành im lặng. Trong khi đó, nhiều ngư dân nắm được "điểm yếu" của chủ tàu nên vẫn tiếp tục nhận tiền rồi "lặn" mất.

Nắm được "điểm yếu" cần lao động của chủ tàu nên có trường hợp một lao động nhận tiền của 4 - 5 chủ tàu sau đó bỏ trốn

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết: tình trạng ngư dân ứng tiền của chủ tàu rồi trốn đã kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể giải quyết do chủ tàu và ngư dân chỉ thỏa thuận miệng mà không có giấy tờ, hợp đồng. Vì vậy, khi ngư dân không thực hiện lời hứa thì chủ tàu đành im lặng chịu mất tiền.

“Nắm được "điểm yếu" của chủ tàu là thiếu lao động nên có trường hợp một lao động ứng tiền của 4 - 5 chủ tàu sau đó trốn biệt tăm khiến chủ tàu thiệt đơn, thiệt kép. Để hạn chế tình trạng này chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân phải cẩn thận khi tìm lao động nhằm tránh thiệt hại”, ông Hùng nói.

Tác giả: Quốc Triều

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP