Sáng 25/9, bà Trần Thị Bê - Phó giám đốc khách sạn ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng), nơi có ba khách lưu trú tử vong, hai người được cứu chữa kịp thời nghi do nhiễm độc, cho biết đã cung cấp cho cơ quan chức năng các thông tin cần thiết để phục vụ điều tra.
"Cảnh sát đã đến lấy mẫu từ khách sạn, nên bây giờ chúng tôi cũng nóng lòng chờ kết quả", bà Bê nói.
Khách sạn trên đường Hồ Nghinh do bà Bê quản lý có 17 phòng (không phải 40 phòng như thông tin của một nhân chứng trước đó). Thời điểm đoàn khách gặp nạn nêu trên vào ở, khách sạn có khoảng 12 phòng đang mở cho thuê và chỉ niêm phong một số phòng vì mới xịt thuốc diệt côn trùng.
Anh Đỗ Ngọc Vạn, người duy nhất trong gia đình sống sót sau vụ nghi nhiễm độc, được xuất viện hôm thứ hai (24/9). Ảnh: Nguyễn Đông. |
Bà Bê nói, hôm 15/9 đã thuê một công ty đến xịt côn trùng theo định kỳ mỗi tháng hai lần tại khách sạn. Các phòng cho khách đặt trước thì xịt trước, còn các phòng vắng xịt sau rồi dán niêm phong.
Ngoài kinh doanh khách sạn trên, bà Bê cho biết mình còn quản lý nhiều khách sạn khác. "Ít ngày trước chúng tôi cũng thuê công ty xịt côn trùng tại một số khách sạn và không có chuyện gì xảy ra với khách", bà Bê nói và cho hay đã kinh doanh khách sạn được 5 năm, tháng nào cũng cho xịt côn trùng tại các phòng ở để đảm bảo không có ruồi, muỗi bên trong.
"Đây là lần đầu tiên việc kinh doanh của tôi gặp sự cố. Nếu từng bị trước đây thì tôi đã không làm khách sạn nữa", bà nói.
Khách sạn trên đường Hồ Nghinh do bà Trần Thị Bê quản lý. Ảnh: Nguyễn Đông |
Trước ý kiến cho rằng, khách sạn liệu có nóng vội mở cửa các phòng mới xịt côn trùng cho khách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bà Bê giải thích "bình thường khi khách đến lưu trú thì khách sạn vẫn có thể xịt côn trùng ở những phòng không có khách ở".
"Việc xịt côn trùng là bình thường, các khách sạn lớn vẫn làm nên tôi không cho đây là vấn đề. Người ta có quyền nghi ngờ nhưng kết luận phải chờ công an", bà Bê nêu quan điểm.
Lý giải việc khách sạn của mình dừng hoạt động, bà Bê cho biết ban đầu cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngưng để ký cam kết và đã cho hoạt động lại, tuy nhiên "mình thấy không an tâm nên tiếp tục ngưng để sửa chữa, vì sự an toàn của khách".
Khách sạn đang cử nhân viên trực điện thoại, liên lạc với khách đã đặt phòng trước để báo huỷ.
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng, cho biết khi xịt côn trùng trong phòng, các khách sạn không phải thông báo cho cơ quan chức năng. "Việc này do khách sạn chủ động hợp đồng với các công ty đã được cấp phép", ông Thạnh nói.
8h ngày 16/9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ba người vào Khoa cấp cứu. Bé trai bốn tuổi được xác định tử vong từ trước. Người mẹ 27 tuổi có biểu hiện mệt, choáng, tím tái, hạ huyết áp... Việc hồi sức cấp cứu không hiệu quả do sức khoẻ không đảm bảo nên nạn nhân này sau đó tử vong. Chồng nạn nhân, anh Đỗ Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An) ban đầu biểu hiện bị nhẹ, nhưng bệnh chuyển biến rất nhanh, cho thấy người bệnh bị ngộ độc cấp. Bệnh viện Hoàn Mỹ đã chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để cứu chữa. Ngày 24/9, anh Vạn đã được các bác sĩ cho xuất viện. Anh cho biết, khi vào nhận phòng tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, nhiều phòng đang dán niêm phong thông báo xịt côn trùng. Ngoài trường hợp vợ con anh Đỗ Ngọc Vạn, còn có một bé trai ba tuổi ở cùng khách sạn cũng đã có vấn đề về sức khỏe và không qua khỏi khi nhập viện. |
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress