Kinh tế

Cho vay tiền dựa trên thời lượng pin điện thoại

Nhiều ngân hàng châu Á đang sử dụng hành vi trên smartphone của khách hàng để quyết định liệu có nên cho vay hay không.

Việc này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng Lenddo (Singapore) cho rằng nó sẽ giúp những người không có lịch sử vay mượn hay tài khoản ngân hàng có cơ hội tiếp cận vốn. Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Lenddo - Jeff Stewart cho biết họ đã giúp hàng chục ngân hàng phân tích số liệu từ hàng triệu smartphone trên toàn cầu.

Hãng phần mềm này sử dụng hàng nghìn loại dữ liệu, từ hoạt động nhắn tin và lướt web của người dùng, đến các ứng dụng và mạng wifi họ sử dụng. Các yếu tố như trạm thu phát sóng của điện thoại đó cũng được phân tích.

Thói quen sử dụng smartphone cũng là một tiêu chí đánh giá cho vay. Ảnh: Digital Trends

"Tất cả hoạt động trên mạng xã hội và điện thoại đều có tính dự báo", Stewart cho biết. Ví dụ, khi nhắn tin, loại ngôn ngữ được sử dụng và độ dài tin nhắn sẽ hé lộ phần nào hành vi của người dùng. Lượng pin còn lại dù không có mấy tác dụng trong thực tế, nó lại có thể cho thấy khả năng thống nhất và lên kế hoạch trước của người đó.

Lenddo sử dụng một thuật toán phức tạp để tổng hợp tất cả dữ liệu này. Từ đó, máy tính sẽ tính ra khả năng vỡ nợ của một người. Các ngân hàng sẽ dựa vào đây để quyết định khoản vay.

Các nhà băng có thể mua phần mềm của Lenddo, hoặc đặt hàng họ viết phần mềm riêng. Kết quả tính toán qua phần mềm này sẽ có trong chưa đầy 3 phút.

Công nghệ của Lenddo đã giúp các ngân hàng cho vay hàng triệu USD từ khi ra mắt toàn cầu tháng 1 năm ngoái. Tuy nhiên, chương trình của họ được sử dụng chủ yếu tại các nước mới nổi, như ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Phần lớn người dân các khu vực này không có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng, nhưng lại ngày càng dùng nhiều smartphone.

Giá trị trung bình một khoản vay là một tháng lương. Ví dụ, ở Philippines, con số này là 400 USD, Stewart cho biết. Thời hạn hoàn trả thường là 9 tháng. Mục tiêu của Lenddo là giúp một tỷ người tiếp cận dịch vụ tài chính, cho đến năm 2020.

Dù Lenddo không được sử dụng tại Mỹ, các hãng bảo hiểm như Liberty Mutual hay State Farm cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ tương tự để tính bảo hiểm ôtô. Ví dụ, họ yêu cầu khách hàng nộp các thông tin liên quan đến điện thoại, thu thập từ GPS (hệ thống định vị toàn cầu), máy đo tốc độ hay vài thiết bị cảm biến khác để biết người đó lái xe, phanh và rẽ thế nào.

Việc sử dụng số liệu smartphone trong ngành tài chính cũng đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Lenddo đã giúp các công ty viễn thông như Globe (Philipines) và Indosat (Indonesia) thành tổ chức cho vay.

Tác giả bài viết: Hà Thu

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP