Du lịch

Chính thức đóng cửa thiên đường Boracay do ô nhiễm trầm trọng

Boracay – thiên đường biển đảo của Philippines phục vụ gần 2 triệu khách, thu về 1 tỷ USD mỗi năm, đã chính thức đóng cửa trong vòng 6 tháng sắp tới do những nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Một trong những hòn đảo nổi tiếng nhất Philippines chính thức đóng cửa với khách du lịch trong vòng 6 tháng tới đây vì những vấn đề liên quan tới môi trường.

Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây đã đưa ra tuyên bố chính thức đóng cửa Boracay kể từ ngày 26/4 sau những lo ngại về ô nhiễm. Quyết định này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống mưu sinh của hàng ngàn lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, cùng hoạt động du lịch vẫn đang diễn ra nhộn nhịp trên đảo. Mỗi năm, Boracay phục vụ gần 2 triệu khách, bơm khoảng 1 tỷ USD vào doanh thu cho kinh tế Philippines.

Phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte cũng khẳng định: “Boracay là thiên đường của Philippines. Chúng tôi cần đóng cửa tạm thời nơi này để đảm bảo các thế hệ sau vẫn tiếp tục được thừa hưởng trải nghiệm tuyệt vời trên hòn đảo này”.

Trước đó, lệnh đóng cửa Boracay xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm nay, khi tổng thống Philippines yêu cầu đóng cửa 500 khách sạn, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác liên quan tới du lịch, kho họ bị buộc tội đổ thẳng chất thải xuống biển.

Các nhà chức trách địa phương nói thêm, một số doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống thoát nước của Boracay để đưa nước thải không xử lý vào vùng nước sạch. Những sai phạm liên tiếp làm tăng mức độ vi khuẩn coliform, tác nhân gây hại trong hệ tiêu hóa dẫn tới tiêu chảy, mất nước trong nguồn nước ở Boracay.

Theo các nhà hoạch định kinh tế, việc Boracay tạm đóng cửa không ảnh hưởng tới tăng trưởng du lịch của quốc gia này. Theo ông Reynaldo Cancio, giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia, doanh thu từ hòn đảo này chỉ chiếm khoảng 0.1 % GDP. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều hộ kinh doanh trên đảo lại lao đao.

Ông Manuel Raagas, chủ một chuỗi các nhà nghỉ giá rẻ ở Boracay lộ rõ sự lo lắng: “Tôi đang trong tình thế khó xử không biết ra sao trong vòng 6 tháng tới. Suốt nửa năm không có nguồn thu, nhưng vẫn có các hóa đơn cần thanh toán, và chúng tôi sẽ sống sao đây?”

Được biết, Tổ chức Boracay Foundation, một hiệp hội doanh nghiệp trên đảo, đã yêu cầu chính phủ chỉ cấp phép ngừng hoạt động với những doanh nghiệp, đơn vị vi phạm luật môi trường. “Thật không công bằng khi những doanh nghiệp chấp hành vệ sinh an toàn môi trường nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa”, Pia Miraflores, giám đốc một doanh nghiệp lên tiếng.

Ông Miraflores cũng cho biết, ngay cả trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực, việc thông tin liên quan Bocaray bị đóng cửa đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu du lịch. Nhiều hướng dẫn viên du lịch than phiền họ không còn khách. “Xuất hiện một hiệu ứng rất lớn khiến tôi chẳng có mấy khách. Nhiều bến cảng và cầu tàu không còn đông đúc như trước”, một hướng dẫn viên du lịch địa phương lên tiếng.

Cũng liên quan tới vấn đề này, các hãng hàng không nội địa thông báo sẽ hoàn tiền cho khách, hoặc giúp họ đặt chỗ, đổi tuyến bay. Một số hãng vẫn vận hành số lượng hạn chế các chuyến tới cửa ngõ của cảng Boracay, Caticlan và Kalibo để phục vụ người dân.

Các hãng hàng không Cebu Pacific, Philippine Airlines và AirAsia Philippines cho biết họ sẽ giảm các tuyến đến hai sân bay từ ngày 26/ 4 đến ngày 25/10 và bổ sung thêm cho các điểm đến bãi biển nổi tiếng khác như Cebu, Palawan và Bohol.

Tác giả: Quốc Việt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP