Giáo dục

“Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời"

Không ít giáo viên đã bị “thân bại danh liệt” chỉ vì trót “vạ miệng” đó sao, mặc dù đó là những lời nói thật về Ban giám hiệu.

Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán?
Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"

LTS: Ngày 24/6, Báo điện tử giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong tay nhưng sao giáo viên còn ca thán?” của tác giả Đỗ Tấn Ngọc xoay quanh chủ đề Ban giám hiệu “không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền mà chả xấu hổ”.

Với tư cách là một giáo viên, hôm nay, cô giáo Đỗ Quyên thẳng thắn trao đổi thêm với thầy Ngọc một số ý kiến.

Để rộng đường dư luận và tôn trọng tranh luận đa chiều, khoa học, khách quan, Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của cô.


Đọc bài viết “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong tay nhưng sao giáo viên còn ca thán?” của Tác giả Đỗ Tấn Ngọc đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Là đồng nghiệp của thầy, tôi xin được thẳng thắn trao đổi với thầy một số ý kiến như sau:

BGH
Chỉ khi lãnh đạo công tâm phân minh thì giáo viên mới dám nói thật (Ảnh: giaoducthoidai.vn)

Trước hết, tôi đồng ý với thầy tình trạng: “Nhiều giáo viên ở trường lớp thì im lặng, co ro, nể sợ, thấy chuyện bất bình, trái quy định… không bao giờ ý kiến, tìm cách xúi giục, kích động người khác nói thay cho mình hoặc toàn nói, toàn phê phán ở đâu đâu”.

Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến trong các trường học hiện nay. Mặc dù ở cuộc họp Hội đồng nào, ban giám hiệu nhà trường cũng luôn dành thời gian cho giáo viên có ý kiến nhưng dù không đồng ý, dù có bất bình một điều gì đó, mọi người cũng chỉ “lặng yên như tờ” hoặc tìm cách xúi giục, kích động người khác lên tiếng như lời thầy Ngọc nói.

Nhưng sau đó thì sao? Những thắc mắc, những điều không vừa lòng ấy, thậm chí cả những nỗi bất bình đều được giáo viên rủ rỉ rủ rì hết nơi này đến nơi khác, đem kể cho hết người này đến người khác được nghe.

Vì thế, cũng không tránh khỏi nhiều thông tin đôi khi bị sai lệch.

Có ai tự hỏi: Vì sao nhiều giáo viên lại làm như thế?

Vì sao họ lại không dám đứng lên bày tỏ ý kiến của mình?

Bởi vì trong thực tế, nhiều tấm gương “dám đấu tranh với sự thật” đã bị “xếp” đưa vào “tầm ngắm”, bị “soi” đủ đường, bị “để ý” mọi chuyện, rồi bị làm khó, hạch họe, bị bắt nạt đủ điều.

Không ít người đã bị “thân bại danh liệt” chỉ vì trót “vạ miệng” đó sao, mặc dù đó là những lời nói thật.

Thầy cô cũng đang gánh nặng trên vai nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, họ không có đủ dũng cảm để đánh cuộc sự nghiệp của mình vì những lời nói, những thắc mắc đôi khi họ biết rõ cũng chẳng thay đổi được gì.

Có hiệu trưởng từng vô tình bộc lộ: “Mọi việc đưa ra cuộc họp đã được quyết định rồi. Hỏi thầy cô trong hội đồng có ý kiến gì không cũng chỉ là ý kiến để thăm dò”.

Chính tôi cũng đã từng là nạn nhân nên tôi hiểu rõ hơn ai hết về điều này.

Tôi đã từng được ban giám hiệu một trường học liệt vào danh sách “đen” bởi họ cho rằng tôi có tư tưởng chống đối, là “con ngựa bất kham” cần phải tìm cách “thuần dưỡng” nên ra tay trị thẳng cánh chỉ vì tôi dám lên tiếng dùm cho cả một tập thể.

Chẳng là trường tôi năm ấy, có một phó hiệu trưởng nhận dạy lớp cho một giáo viên nghỉ hộ sản trong khi nhiều giáo viên khác trong trường muốn dạy vì kinh tế gia đình khó khăn cũng muốn tăng thêm thu nhập.

Đã thế, cô phó hiệu trưởng còn dành luôn chức thư kí hội đồng nhưng lấy tên một giáo viên khác kí biên bản để kê tăng giờ.

Giáo viên dù bất bình, xầm xì to nhỏ nhưng chẳng ai dám có ý kiến trong cuộc họp. Tôi đã lên xin được gặp hiệu trưởng trình bày ý kiến không đồng tình của mình, của tất cả giáo viên.

Khi đó, tôi bị hiệu trưởng quát vào mặt và đuổi ra khỏi phòng và nói rằng: “Tôi muốn phân cho ai dạy là quyền của tôi, thầy cô đừng có nhiều lời”.

Và trong cuộc họp nhà trường lần ấy, tên tôi được nêu ra trước hội đồng theo kiểu răn đe những người khác.

Sau buổi họp, nhiều giáo viên nói với tôi: “Chị thông cảm, chị có thể chuyển trường (vì tôi ở địa phương khác tới) còn chúng em vẫn đang dạy ở đây.

Chúng em sợ có chuyện không hay xảy ra với mình. Chúng em còn cả một gia đình nên cũng không dám đứng ra bảo vệ chị”.

Và sau này, tôi đã đi trường khác nhưng ban giám hiệu cũ của tôi họ vẫn không buông tha, khi liên tục tư vấn, trao đổi những định kiến về tôi với sếp mới của tôi.

Tôi đã phải vất vả và thật nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần mới trụ vững với nghề.

Trong bài thầy Ngọc có nói: “Nếu ý kiến nhiều lần ở đơn vị không được Ban giám hiệu trả lời, giải thích thỏa đáng thì tại sao, các thầy cô giáo không đề đạt, kiến nghị lên cấp Phòng, Sở Giáo dục để được giải quyết thấu đáo?”.

Điều này chỉ thực hiện được khi lãnh đạo là người thẳng thắn, biết lắng nghe, không cửa quyền hách dịch và đặc biệt phải là người công tâm phân mình.

Không vơ đũa cả nắm nhưng lãnh đạo của ta ở các trường học đã nhiều người có những phẩm chất này chưa?

Nhà nước cũng đã trao cho giáo viên cái quyền nhận xét đánh giá cán bộ quản lý hàng năm.

Dù trên phiếu đánh giá có ghi dòng chữ “Có thể không cần ghi họ tên hoặc chữ kí” nhưng cũng đã có trường sau khi giáo viên nộp bảng đánh giá nhận xét ban giám hiệu.

Họ so chữ, làm phép tính loại trừ và cũng dễ dàng nhận ra những phiếu nhận xét không hay về mình là của ai. Bởi thế, nhiều giáo viên cũng chẳng dám ghi những nhận xét thẳng thắn ngoài những lời khen nịnh nọt lấy lòng.

Chắc thầy Ngọc hiểu vì sao nhiều người thường dặn nhau “Chim khôn giấu mỏ, người khôn giấu lời" rồi chứ?

Tác giả bài viết: Đỗ Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP