Gọi là xe cà tàng, bởi đó là chiếc xe khung ngang, mẹ tôi sở hữu từ thời bao cấp. Gắn bó tới cả mấy chục năm chứ chả ít, chiếc xe còn nhiều hơn tuổi đời của tôi nữa. Lớp sơn xanh lá mạ mà tôi thấy từ ngày còn bé xíu giờ đã bong tróc hết cả, trơ một màu khung sắt, nhưng các cụ có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, vẻ ngoài không tinh tươm, mới mẻ nhưng xe không bị hoen gỉ và những vòng quay vẫn rất chắc chắn, bon bon, nhẹ nhàng. Phần vì mẹ ngày nào cũng dùng đến, phần vì “nội thất” cũng được bố tôi chăm lo chu đáo mỗi khi xe có vấn đề.
Chiếc xe như vật bất ly thân, người bạn của mẹ tôi vậy, theo chân mẹ suốt hang cùng, ngõ hẻm, từ làng này sang làng khác, qua cả cầu phao sang sông đi chợ, việc công, việc tư, việc nhà, việc họ, chiếc xe cùng mẹ bươn chải muôn nơi. Mỗi lần trêu, “chiếc xe là tài sản quý giá nhất mà mẹ có”, mẹ chỉ cười rồi ầm ừ, “nó là cần câu cơm của mẹ, xe mà ốm là cả nhà ốm đấy”. Biết vậy, nên ai cũng có ý thức giữ gìn tài sản chung. Xe hỏng, khô dầu, xuống hơi, bố sẽ chịu trách nhiệm sửa, lúc nắng, lúc mưa, chúng tôi phải đưa xe vào nhà.
Ảnh tư liệu |
Nhớ những ngày trời nắng như đổ lửa, mẹ ế hàng, mãi đến 12g trưa mới về. Nghe tiếng xe lách cách từ đầu ngõ, bóng mẹ, bóng xe đổ dài xuống nền sân xi măng tràn nắng. Lưng mẹ, áo trong áo ngoài ướt đẫm mồ hôi, chiếc khăn vuông mẹ buộc trên đầu để chống nóng vắt có khi cũng ra nước, dựng chân trống xe, mẹ đưa vạt áo quệt ngang giọt mặn chát đang đua nhau nhỏ xuống khóe mắt cay xè, tháo đôi ủng, ngồi tựa vào cột nhà bếp cho đỡ mệt, tay phe phẩy chiếc nón cũ. Bố con tôi nhìn sọt hàng vẫn còn đôi ba nải chuối, biết được hôm nay mẹ không đắt hàng. Xách chiếc xe đạp lên hiên nhà cho khỏi nắng, tôi thấy yên xe hầm hập một cảm giác bỏng rát. Hẳn là mẹ đã rất mệt và đói.
Rồi có những hôm đúng phiên chợ, ở nhà lại có cơn mưa bất ngờ. Mưa dai dẳng mãi không tạnh, mỗi lúc một nặng hạt. Không biết mẹ trú ở đâu. Bố đang định mang áo mưa đi tìm thì thấy cả người cả xe cũng chạm ngõ. May quá, mẹ mang theo áo mưa, nhưng sao vẫn ướt lẹp nhẹp đến nửa người. Hóa ra, mỗi vòng quay, chiếc áo mưa lại cốn lên quá gối.
Chiếc xe thồ bé nhỏ, mỏng manh nhưng chắc chắn. Tay lái, gác ba ga được mẹ tận dụng triệt để chở hàng. Mỗi lần ra khỏi nhà với gánh hàng mẹ chuẩn bị từ tối hôm trước. Vài chùm cau, xấp lá trầu, mẹ để trong làn treo tay lái cho khỏi thâm, giập, tay lái bên kia đựng đầy một làn hoa đơn, được mẹ gói cẩn thận trong lá chuối cho tươi. Ấy là vào những ngày rằm, mùng một đầu tháng. Gánh chợ của mẹ, đủ hoa, đủ quả và lễ vật. Nặng ký nhất là hai sọt hàng hai bên gác ba ga. Tôi thấy khâm phục mẹ làm sao khi thân hình nhỏ thó, gầy guộc vậy mà mẹ chèo chống, gồng gánh đến 3- 4 buồng chuối rồi lỉnh kỉnh những đồ. Hôm nào nặng quá, bố sẽ chịu trách nhiệm chở hàng qua cầu phao, sang bên kia chợ cho mẹ. Lắm hôm thấy dáng mẹ liêu xiêu, những vòng quay đầu tiên quả thật rất khó khăn, nặng nhọc. Tôi luôn biết ơn vì điều đó. Vì đằng sau chiếc xe cà tàng ấy, có lẽ không chỉ là nải chuối, nắm hoa…. mà mẹ đang chở cả tương lai, cuộc đời của tôi vậy.
Ngày ấy, tôi cứ ngây thơ hỏi mẹ những câu hỏi ngô nghê, sao cái gì cũng bán được hết hả mẹ. Chuối, hoa, trầu, cau mẹ trồng hết, rồi đến cả lá chuối khô, cây rau, cây cỏ trong vườn. Lớn lên tôi mới hiểu rằng, mẹ đã vất vả, bươn chải ngược xuôi để nuôi tôi khôn lớn.
Đến bây giờ, khi tôi đã có thể tự lo cho cuộc sống của mình, nhưng ngày ngày tôi vẫn thấy mẹ cần mẫn những vòng quay với đủ thứ hàng hóa thôn quê. Mọi người đều khuyên mẹ nghỉ chợ nhưng mẹ nói ấy là niềm vui mỗi ngày, không gian chợ của mẹ là người làng, người họ, là chút chuối quà cho trẻ con, quả cau, lá trầu cho các cụ…
Tác giả: Mai Linh
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội