Nếu quan tâm một chút tới xe hơi, hẳn bạn biết về Model T của Ford, đứng thứ 8 trong số 10 mẫu xe bán chạy nhất lịch sử với 16,5 triệu chiếc. Nhưng đã ngừng sản xuất rất lâu, tận 1927. Mãi đến 1972, Volkswagen Beetle mới vượt qua kỷ lục bán hàng đó.
Vào năm mà Ford bán ra xe hơi thứ 10 triệu, hãng này chiếm tới 50% tổng số xe có mặt trên toàn cầu.
Thời kỳ bán chạy nhất, mỗi năm có 2 triệu xe Model T ra đời, cao hơn rất nhiều nhà sản xuất hiện nay. Ford chỉ mất 93 phút để sinh ra một chiếc Model T. Trước đó là 750 phút.
Giá rẻ nhất cho Model T là 260 USD, tương đương 3.510 USD năm 2016.
Suốt 1917 đến 1923, Ford không chi một xu nào cho quảng cáo. Henry Ford nổi tiếng khi thực hiện xong ước mơ "đặt nước Mỹ lên 4 bánh ôtô".
Vài năm sau, Ford để mất ngai vàng vào tay General Motors (GM), tập đoàn xe hơi sở hữu hàng chục thương hiệu, lớn tới mức được ví von là "Cái gì tốt cho nước Mỹ thì tốt cho GM. Nhưng cái gì tốt cho GM chưa chắc tốt cho nước Mỹ".
GM giữ vị trí hãng xe lớn nhất thế giới 77 năm liên tục. Khủng hoảng kinh tế 2008 đưa Toyota lên thay GM vào 2009.
Những con số chứng tỏ điều gì?
Chứng tỏ rằng vật đổi sao dời. Không cái gì là bất biến. Một chiếc xe bán tốt vào lúc này có thể thảm hại vào lúc khác. Một hãng lớn đến mức nào rồi cũng suy vong.
Quan trọng hơn là một thực tế. Chiếc xe bán chạy nhất, đơn thuần do nó phù hợp cho số đông, vào đúng lúc đó. Model T sẽ chẳng thể là gì nếu Ford bán đắt gấp 10. GM sẽ kéo dài vinh quang hơn con số 77 nếu biết rằng thế giới sẽ chuộng xe tiết kiệm nhiên liệu, bền bỉ, thay cho những cỗ máy uống xăng như nước và hay hỏng vặt.
Toyota trung thành với định hướng "bền, tiết kiệm nhiên liệu và giữ giá". Bằng cách đó, họ thuyết phục hầu hết khách hàng toàn cầu. Nhưng lại không phải là thứ mà châu Âu quan tâm. Cả hãng mẹ và hãng con Lexus mấy chục năm lẹt đẹt nơi Cựu lục địa.
Một chuyên gia từng làm ở Volkswagen kể có lần ông đề xuất với sếp người Đức cho ra thế hệ động cơ tối ưu, dễ sửa, tiết kiệm nhiên liệu và bền. Vị sếp nghe xong liền thẳng thừng: "Vậy cậu sang Toyota mà làm!". Ở Đức, người ta phải đặt câu hỏi "Động cơ này có gì mới?", "Công suất tăng bao nhiêu?", "Có an toàn hơn?", "Cảm giác lái có thích hơn?".
Đó là giá trị mà mỗi hãng theo đuổi. Tôi tin Toyota cũng tống cổ những nhân viên suốt ngày mơ mộng một mẫu xe "Lái bốc, lái sướng dù ăn xăng hay dễ hỏng".
Bạn không thể trách nhà sản xuất sao không thế này, sao không thế kia. Bạn chỉ nên tự trách mình "sao lại mua chiếc xe đó".
Vậy thế nào là một chiếc xe tốt?
Đến đây chắc bạn có thể định nghĩa rồi. Hẳn phải có giá tốt, bền bỉ không hỏng vặt giữa đường. Tiết kiệm xăng, vào cây xăng đổ không cần nghĩ.
Tiếp đến phải an toàn với túi khí chăng khắp ca-bin, chống trượt chống lật chống bó cứng đủ hết. Chi phí sử dụng thấp, đến xưởng mỗi lần chỉ mất vài trăm.
Giữ giá nữa, đi chán bán lại có khi còn lãi.
Cuối cùng là vận hành tốt, muốn thể thao thì vọt nhanh, muốn êm ái thì nhẹ nhàng lịch sự.
Vấn đề là có tồn tại tất cả những thứ này trên một chiếc xe? Khó lắm bởi đó là những mặt đối lập. Nếu có đó sẽ là chiếc xe bán chạy nhất lịch sử, suốt từ khi hình thành đến tận thế. Và một hãng duy nhất tồn tại, thâu tóm toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi.
Chỉ cần đưa yếu tố an toàn lên hàng thứ nhất và khả năng vận hành lên hàng thứ hai, giống xe Đức, giá của chúng đã nằm ngoài khả năng mua của 70% khách hàng tiềm năng.
Không thứ gì có giá trị mà miễn phí. Thêm một yêu cầu là thêm tiền. Để có tất cả thì cần rất nhiều tiền, như 84 tỷ của Rolls-Royce.
Đừng bao giờ gắn khái niệm xe tốt dựa trên doanh số. Bán chạy nhất chỉ đơn giản là hợp thị hiếu.
Câu hỏi duy nhất bạn phải trả lời là "Chiếc xe nào tốt nhất với mình?".
Nếu đặt sinh mạng lên trên hết, cộng với nhu cầu trải nghiệm và cần sang trọng, nên tìm tới xe Đức, xe Anh xe Italy. Nhưng phải đủ tiền, từ mua đến nuôi.
Nếu chú ý tới an toàn, đầm chắc, đi bốc bạn nên ghé xe Mỹ. Dĩ nhiên đừng hy vọng vào giá bán lại.
Nếu coi xe là khoản đầu tư, giảm chi phí vận hành, không mất công chăm lo săn sóc, xe Nhật là ưu tiên hàng đầu. Chỉ cần nhớ là chớ bàn chuyện đầm chắc với người đi xe Mỹ.
Còn coi mọi thứ ở tầm trung bình nhưng thích option và giá tốt, xe Hàn là ưu tiên. Cũng như ở trên, người đi xe Hàn không dại bàn về thương hiệu với người đi xe Nhật.
Khi chúng ta quyết định mua gì, phần nào để thể hiện quan niệm về "xe tốt". Mà quan niệm thì đầy cảm tính và cá nhân.
Giống như câu chuyện khi một vị khách hỏi "Theo em Mercedes hay BMW đẹp?", nhân viên bán hàng trả lời rằng "Anh nói thế không khác gì hỏi phụ nữ và đàn ông ai đẹp hơn".
Đó là những giá trị không thể so sánh.
Tác giả bài viết: Nam Nguyễn
Nguồn tin: