Chủ quan với hiện tượng đau quặn bụng khi đến kỳ “đèn đỏ”
Chị T (Kim Bảng, Hà Nam) kể, 5 năm nay, từ lúc chưa kết hôn, chị thường đau quặn bụng mỗi khi đến kỳ “đèn đỏ”. Thông thường sau khi kinh nguyệt xuất hiện khoảng 3-5h, chị phải đối mặt với đau bụng dưới dữ dội. Kèm theo đau quặn bụng là hiện tượng toát mồ hôi, tê tay chân, nôn ói và đi ngoài. Chị T vẫn nghĩ đó chỉ là triệu chứng bình thường ai cũng gặp trong ngày “đèn đỏ” nên chỉ uống thuốc giảm đau cho qua.
Dạo gần đây, hiện tượng đau bụng khi đến kỳ kinh nguyệt ngày càng trở nên dữ dội hơn, chồng chị bảo đi khám. Mặc dù vậy, chị T vẫn bỏ ngoài tai nghĩ rằng kỳ nguyệt san của mình gặp bất ổn trong giai đoạn này thôi. Một ngày nọ khi đang trực đêm vào vài hôm đầu của kỳ nguyệt san, chị bỗng thấy đau bụng dữ dội, đứng không vững, tay chân run lập cập, mồ hôi vã ra như tắm và bụng đau dữ dội như có dao múa bên trong.
Được một lúc như vậy thì chị lăn ra ngất xỉu. Sau đó, chồng chị đến kịp thời đưa vợ đi khám tại bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ xác nhận chị bị lạc nội mạc tử cung, có nguy cơ phải cắt bỏ tử cung nếu xảy ra tai biến. Khi chuyển lên tuyến trên thì các bác sĩ khẳng định phải cắt bỏ tử cung hoàn toàn vì đã quá muộn để chữa khỏi.
Kể từ sau khi cắt bỏ tử cung, chị được bác sĩ nhắc nhở kiêng khem “chuyện ấy” trong vòng 2 tháng. Mặc dù phải sau 3 tháng, 2 vợ chồng mới “quan hệ” nhưng điều ấy không khiến chị cảm thấy thích thú nữa. Chị không cảm nhận được những cơn co thắt âm đạo khi lên đỉnh. Thêm vào đó, chị cũng bị chứng khô âm đạo khiến “chuyện ấy” thường xuyên gặp trục trặc. Đến lúc này, bao cảm giác hối hận cứ dằn vặt chị mỗi đêm. Không chỉ là chuyện không có khả năng làm mẹ mà việc giữ chồng, chăm lo chồng khi làm “chuyện ấy”, chị cũng không thể làm tròn trách nhiệm.
Đau quặn bụng khi đến kỳ “đèn đỏ” có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh
Một trong những dấu hiệu mà bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia ngay đó là khi gặp những cơn đau bất thường và nghiêm trọng không thể điều trị bằng thuốc. Tiến sĩ Mary Jane Minkin, chuyên viên Y khoa tại Đại học Yale (Mỹ) cho hay, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những cơn đau trong chu kỳ kinh nguyệt là hoạt chất prostaglandin. Thông thường, các loại thuốc giảm đau trong kì kinh nguyệt đều có khả năng ngăn chặn việc sản sinh loại chất này.
Do vậy, nếu những cơn đau không thuyên giảm khi bạn dùng thuốc, hãy chú ý bởi prostaglandin không phải thủ phạm cho những cơn đau này. Bạn có thể đang phải hứng chịu những rắc rối từ hiện tượng lạc nội mạc tử cung. Bệnh đòi hỏi điều trị bằng những loại thuốc đặc trị với hàm lượng cao hoặc thậm chí cần đến phẫu thuật.
Lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau bụng trong kì kinh nguyệt. Khi bị lạc nội mạc tử cung, người bệnh thường có biểu hiện gần giống với đau bụng kinh, đó là đau ở vùng bụng dưới và vùng xương cùng. Cơn đau có thể lan qua âm đạo, âm hộ, vùng đùi hoặc cả hậu môn.
Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp 1), bệnh lạc nội mạc tử cung là một sự rối loạn bên trong tử cung, khi lớp lót bên trong tử cung lại không nằm trong tử cung, mà đi lạc tới buồng trứng, bàng quang, trực tràng, hoặc tầng sinh môn như bạn đang gặp phải. Khi các lớp lót di chuyển ra ngoài tử cung, nó vẫn tiếp tục phát triển vì nó không có cách nào để thoát ra khỏi cơ thể, nó dày lên, phá vỡ và gây chảy máu nhiều hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, khiến cho bạn có cảm giác đau bụng dữ dội.
Căn bệnh này ngoài chuyện gây đau còn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đời sống tình dục. Sự liên quan giữa lạc nội mạc tử cung và vô sinh có thể do nội mạc tử cung “di cư” sang vòi trứng, gây tắc vòi trứng, cản trở sự “gặp gỡ” giữa trứng và tinh trùng, gây vô sinh.
Sau quá trình nghiên cứu, các bác sĩ sản khoa đã kết luận đây là một bệnh lý có tính di truyền qua gen, nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn bị lạc nội mạc tử cung thì nguy cơ của bạn tăng lên gấp 6 lần. Phơi nhiễm độc tố như chất dioxin, hóa chất trong phân bón và chất tẩy trắng giấy có thể là nhân tố nguyên thủy tạo nên nguy cơ mắc bệnh này. Độ tuổi dễ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung là phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi 30 trở đi.
Theo chuyên gia, chị em bị viêm nhiễm phụ khoa hay nạo, hút thai nhiều lần sẽ khiến niêm mạc bị tổn thương, xây xước. Điều này vô tình tạo điều kiện cho lạc nội mạc tử cung có cơ hội xâm nhập vào cơ tử cung hoặc các bộ phận khác.
“Hiện chưa có thuốc điều trị căn bệnh lạc nội mạc tử cung mà thường chỉ điều trị bằng phẫu thuật hoặc các thuốc ức chế nội tiết tố. Do đó, sau khi được chẩn đoán bệnh, bạn cần được điều trị tích cực bằng thuốc và giữ tâm lý thoải mái. Tất nhiên, sau khi được chẩn đoán, bạn vẫn phải chung sống với tình trạng này, nó đến và đi hoặc âm ỉ chừng nào bạn vẫn còn có kinh nguyệt”, BS Dung cho hay.
Theo chuyên gia, chị em đã bị lạc nội mạc tử cung thì nên đi khám ở các chuyên khoa Sản tại các bệnh viện có uy tín để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị cho phù hợp. Nếu tình trạng bệnh của bạn không quá nghiêm trọng, thì tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị, việc có con không phải quá phức tạp. Do đó, bạn hoàn toàn có thể hi vọng mình có khả năng mang thai.
Để phòng tránh lạc nội mạc tử cung, BS Dung khuyên phụ nữ từ 25 tuổi trở lên nên đi khám phụ khoa theo định kỳ 6 tháng một lần, theo dõi chặt chẽ chu kỳ “đèn đỏ”. Khi xuất hiện hiện tượng đau quá nhiều khi đến kỳ nguyệt san, đau bụng dữ dội sau khi vợ chồng gần gũi cần đi khám ngay để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ vô sinh. Ngoài ra, chị em cần thường xuyên vệ sinh vùng kín khô ráo, sạch sẽ, không xối nước, thụt rửa âm đạo để tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tử cung. Không lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có khả năng làm mất cân bằng môi trường âm đạo.
Tác giả bài viết: Tiểu Nguyễn
Nguồn tin: