Giáo dục

Chị 14 tuổi tự cấy lúa nuôi hai em mồ côi ăn học

Mẹ bỏ đi nhiều năm, bố vừa mất vì nghiện rượu khiến ba chị em Hà Thị Phấn (14 tuổi) không nơi nượng tựa. Các em phải tự cấy lúa, ai thuê gì làm nấy để nuôi nhau ăn học.

Trong căn lán gỗ cũ nát, hở bốn bề ở thôn Khe Quéo, xã An Lương, Văn Chấn, Yên Bái, ba chị em Hà Thị Phấn đang sống lay lắt, không nơi nương tựa. Mỗi lần có gió mùa các em lại co cụm vào nhau cho đỡ rét, mưa lớn tạt vào lán, dột tứ tung.

Bữa ăn hàng ngày của ba đứa trẻ mồ côi là cơm trắng với muối, có thêm đĩa rau luộc đã là “sang” lắm. Gạo nấu cơm là gạo ba chị em tự cấy lấy ăn. Từ rất lâu rồi các em chưa được ăn một bữa cơm có thịt, chưa được một bữa no.

Bố mất, cô ruột ôm tiền phúng viếng bỏ trốn

Mẹ Phấn là chị Hoàng Thị Thanh, bỏ đi cách đây hơn 6 năm vì không chịu nổi cuộc sống cơ cực và người chồng nát rượu. Khi ấy, cậu em út Hà Quốc Nam chưa đầy 3 tuổi.

Đến nay không có tung tích gì, không ai biết chị Thanh còn sống hay đã chết, tên chị trong hộ khẩu cũng bị xóa đi. Trước đó không lâu, người chị cả trong gia đình Phấn cũng bỏ đi.

Từ ngày chị Thanh mất tích, bố Phấn, anh Hoàng Văn Nơi càng nghiện rượu nặng hơn. Trong thời gian dài, rượu tàn phá sức khỏe khiến anh Nơi yếu dần. Ba chị em Phấn lúc này sống nhờ vào ông bà nội.

Đến tháng 5/2016, bố mất, ba chị em Phấn thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Lúc này, ông bà nội ngoài 80 tuổi, đã quá già yếu không thể cưu mang các em, thi thoảng mới lên thăm. Từ đó, Phấn trở thành trụ cột chính của gia đình.

Cô gái người Dao gầy gò, đen nhẻm phải gánh vác trách nhiệm nặng nề khi đang tuổi ăn tuổi lớn. Mỗi lần nhắc đến bố mẹ, Phấn và hai em chỉ khóc nức nở, tủi thân cho hoàn cảnh của chính mình.

Mâm cơm đạm bạc của ba chị em Phấn.


Số tiền phúng viếng trong đám tang bố tưởng chừng sẽ giúp ba chị em đỡ khổ lại bị người cô ruột lấy hết rồi bỏ trốn. Người chú tuy thương ba cháu mồ côi vất vả, đói rét, nhưng nhà chú cũng nghèo nên lâu thay mới đem gạo qua cho các cháu ăn chống đói.

Cuộc sống khó khăn vẫn chăm chỉ đến trường

Ngoài những buổi lên lớp, Phấn và em gái Hà Thị Thúy (12 tuổi) tự cấy lúa lấy gạo ăn. Ai thuê gì các em đều nhận làm, từ thả trâu đến cắt cỏ, mót lúa. Số tiền làm thêm ít ỏi của hai chị em, chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng không đủ lo cho sinh hoạt của ba người.

Cái ăn, cái mặc để duy trì cuộc sống tuy chật vật, khó khăn nhưng Phấn và hai em vẫn chăm chỉ đến trường. Mỗi ngày, các em phải đi bộ hơn 4km đường rừng, vượt qua các cây cầu tạm, mảng (bè tre bám cáp qua sông) để đến trường.

Nhà trường tạo điều kiện cho các em ở lại bán trú, miễn phí cơm trưa nên đỡ vất vả. Đến mùa mưa lũ, con suối trên đường đến trường gặp nước to, rất nguy hiểm nên ba chị em đành ở nhà, đợi nước rút mới đi.

Cô Hoàng Thị Hiền, trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS An Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 của Phấn chia sẻ: “Phấn là một học sinh ngoan. Trên lớp, em tiếp thu bài khá tốt, chữ đẹp và tích cực tham gia các hoạt động tập thể".

"Tuy hoàn cảnh hết sức khó khăn, gánh nặng gia đình nặng nề nhưng Phấn vẫn chăm chỉ đến lớp. Chỉ những hôm mưa bão, suối gặp nước to, nguy hiểm, em mới nghỉ học”, cô Huyền nói.

Theo cô Huyền, cả em Thúy và Nam cũng đi học bình thường, không vì cuộc sống khó khăn mà từ bỏ việc học hành. Tuy nhiên, với tình trạng hiện này, cô lo lắng không biết các em có thể duy trì việc học tập hay không.

Trẻ em Văn Chấn đi học bằng mảng băng sông.


Bên cạnh cuộc sống thiếu thốn về tinh thần, khó khăn về vật chất, ba chị em Phấn còn đối mặt với nguy hiểm thường trực khi không có người lớn ở bên che chở. Đặc biệt, Phấn và Thúy đang trong tuổi lớn, có nhiều nguy cơ bị lừa bắt đi khiến người dân và chính quyền địa phương lo ngại.

Anh Nghiêm Anh Hải, một nhà hảo tâm từng đến tận nhà giúp đỡ và tặng quà cho ba chị em Phấn chia sẻ: “Chiếc lán hiện nay ba em ở được dựng sơ sài, hở trước hở sau, đe dọa sự an toàn của các em. Tôi đặc biệt lo cho Phấn và Thúy vì hai em đang tuổi lớn, trở thành thiếu nữ. Không có người lớn ở bên bảo vệ, các em rất dễ làm mồi cho yêu râu xanh”.

Anh Hải cho biết thêm, chị gái lớn của các em bỏ đi nhiều năm trước thỉnh thoảng có về thăm nhưng không giúp được gì. Anh Hải và nhóm tình nguyện của mình đã tổ chức kêu gọi cộng đồng ủng hộ vật chất lẫn hành động để giúp ba chị em Phấn vượt qua khó khăn trước mắt.

Trả lời Zing.vn về trường hợp của gia đình Phấn, Hiệu phó trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học An Lương, cô Đoàn Thị Hương Lan cho biết, hoàn cảnh của ba em Nam, Thúy, Phấn rất khó khăn, cần được cộng đồng hỗ trợ.

“Hiện nay, nhà trường vẫn tiếp tục hỗ trợ các em ở lại bán trú buổi trưa và miễn học phí, tiền sách vở,… Ngoài ra, nhà trường còn hỗ trợ gạo để các em không bị đói, đồng thời động viên tinh thần, khích lệ các em đến trường”, cô Lan chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hoàng Như Ảnh: Nghiêm Anh Hải

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP