Hy sinh sự nghiệp vì chồng con
Ly hôn rồi, chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận về sống với mẹ già tại căn nhà cuối con hẻm đường Quang Trung, Gò Vấp. Anh Trân Chu Minh Tính vẫn ở tại căn nhà 3 tầng tại khu Bàu Cát, Tân Bình. Căn nhà ấy từng là tổ ấm của hai vợ chồng. Nay chị đi, không mang theo bất cứ gì ngoài ít vật dụng cá nhân.
Con trai, thể theo nguyện vọng anh sẽ nuôi dưỡng. Nhiều người bảo chị làm mẹ gì mà tệ, ly hôn rồi cả con cũng không muốn nuôi. Có người bảo chị ngu dại, tài sản nhà ấy không phải ít, tội gì đi với hai bàn tay trắng. Chị chỉ cười: “Người còn không giữ được, nói chi là của”.
Ngày chị về làm dâu nhà anh, ngôi nhà ba tầng đó chỉ là túp lều xập xệ. Anh và chị cùng học chung trường đại học, chị luôn là một sinh viên đầu lớp, anh chỉ học làng nhàng. Chị xinh xắn, xuất sắc, bao nhiêu người theo, thế mà chẳng hiểu sao lại nhận lời yêu một sinh viên làng nhàng, gia đình dưới mức trung bình như anh.
Có lẽ, chị thương tính anh hiền lành, chịu khó lại thật thà. Ra trường hai năm thì cưới nhau. Chị xin vào làm việc tại một công ty thuộc tập đoàn Dầu khí. Anh thì nhân viên một công ty xây dựng. Chị ngày một thăng tiến, anh thì mãi vẫn là nhân viên quèn, thu nhập chỉ bằng 1/4 vợ. Nhưng chị ra ngoài tháo vát giỏi giang, về nhà vẫn là vợ hiền. Chị vẫn khéo, đảm nên khiến đời sống vợ chồng ấm áp, hạnh phúc.
Sau nhiều năm làm nhân viên mãi mà không khá lên được, anh quyết định nghỉ việc, cùng một người bạn mở công ty xây dựng. Chị gom góp tất cả tiền để dành cho anh làm ăn. Chẳng biết số anh may mắn hay nhờ giỏi giang, công việc kinh doanh ngày một phát đạt, đã có tiền để xây nhà lớn, mua xe ô tô.
Cưới nhau 6 năm vẫn chưa có con, anh với chị đi khám, bác sĩ bảo do áp lực công việc, cả hai đều căng thẳng dẫn đến khó thụ thai. Anh bàn với vợ, giờ công ty anh làm ăn khấm khá, chuyện kinh tế không cần lo, chị nên hy sinh, nghỉ ở nhà một thời gian để điều trị cho nhanh có con. Lúc ấy, chị đang chuẩn bị được công ty cử đi Nga tu nghiệp nửa năm.
Chị cũng có ước mơ của mình, cũng mong muốn được học lên, giỏi giang, thăng tiến hơn. Nhưng rồi chị nghĩ, dù gì mình cũng hơn ba mươi tuổi rồi, càng trễ càng khó có con. Sự nghiệp tuy là niềm vui, nhưng với chị, gia đình vẫn là điều quan trọng, thiêng liêng nhất, và chị sẵn sàng đánh đổi tất cả cho gia đình mình.
Chị nghỉ việc rồi, hai vợ chồng cũng dành thời gian để du lịch, đi đây đi đó, hâm nóng tình yêu và tuân thủ các điều trị của bác sĩ. Trời không phụ người, hơn một năm sau chị đã có thai. Khỏi phải nói đến niềm hạnh phúc của gia đình chị khi chị sinh một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu. Chưa lúc nào cuộc sống với chị lại trọn vẹn hơn thế.
Sinh con rồi, chị vẫn chưa tiếp nối được ước mơ công việc của mình. Anh khuyên chị nên vì con, vì gia đình, sau này con lớn rồi hãy tính. Và chị lại tạm gác những khao khát về sự nghiệp, tập trung nuôi dạy con, vun vén gia đình, làm người vợ đảm đứng sau lưng hỗ trợ chồng.
Con trai ngày một lớn, ngoan ngoãn nhờ sự chăm bẵm của mẹ. Anh ra ngoài làm ăn thì thôi, về nhà lúc nào cũng hài lòng vì nhà cửa tươm tất, sạch sẽ, chị chăm con và cha mẹ chồng đều khéo. Có thể nói, thành công của anh trong kinh doanh không thể thiếu sự cố gắng và hy sinh của chị.
Đem vàng bỏ xuống giếng khơi…
Vậy mà rồi, chị phát hiện anh có tình nhân, cùng làm việc ở công ty anh. Anh đã sống chung, đã mua nhà, chu cấp cho cô ta hàng tháng được hơn năm trời. Chị như chết lặng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chị thấy mình đã cho anh mọi thứ anh muốn, một đứa con, một mái ấm, sự chăm chút, tình yêu thương và cả sự hy sinh.
Trong rất nhiều cuộc nói chuyện thẳng thắn với anh, chị đã hỏi anh như thế, nhưng anh luôn vòng vèo, quanh co. Để rồi, trong một cuộc cãi cọ không lối thoát, anh đã tức giận, nói thẳng vào mặt chị: “Cô có biết vì sao tôi ngoại tình không?
Cô nhìn lại mình đi, soi gương lại đi? Ngày xưa tôi yêu cô, cô tươi tắn, xinh đẹp, đáng yêu làm sao. Lấy nhau về, cô vẫn thanh lịch, đẹp đẽ. Còn bây giờ, cô chỉ là một người phụ nữ xồ xề, ăn mặc tuềnh toàng, đầu bù tóc rối.
Cô có nhớ là lâu lắm rồi tôi không đưa cô đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè không, không phải do tôi bận rộn ít hẹn bạn, mà vì tôi không muốn phải nghe bạn bè chê vợ mình xuống cấp. Cô nhìn lại cô và so với cô ấy đi, người ta biết chăm chút nhan sắc, biết làm tôi tự hào khi đi đây đi đó, người ta tự tin, duyên dáng chứ không phải như cô”.
Nghe những lời ấy, chị choáng váng cả mặt mày. Giờ chị mới hiểu, vì sao chồng mình ít mặn mà chuyện gối chăn, anh hay chê cơ thể chị, bảo chị để ngực xập xệ, bảo chị đi thẩm mỹ viện hay tập hoặc giảm cân vì mỡ bụng nhiều quá…
Những lúc ấy, chị chỉ cười vì tưởng anh đùa, chị nghĩ anh hiểu cơ thể chị xập xệ là vì chị phải sinh đẻ, nuôi con, chăm con, lo chuyện nhà, chị không có nhiều thời gian dành cho mình, lấy đâu ra thời gian đến phòng tập, đi thẩm mỹ viện? Nhưng bây giờ, anh lại so sánh chị với một người đàn bà làm bồ nhí, mọi tâm trí, thời gian chỉ để làm đẹp và chiều chuộng đàn ông.
Vậy là chị mất chồng, sau bao hy sinh. Ly hôn, anh đưa vợ mới về sống chung. Chị về ở với mẹ, xin đi làm, trở lại xuất phát điểm. Rồi một ngày, chị đến thăm con, chị thấy thằng bé nức nở khóc, đòi ở với mẹ. Chị gặng hỏi mới biết, con bị mẹ kế đánh vì dám ăn bánh cho bà bầu của mẹ kế.
Người vợ mới của chồng chị đã mang thai. Thằng bé kể cho chị nghe, cha nó đi nhiều, ít quan tâm, ông bà nội thì đã dọn ra ở nhà mới vì không hợp với vợ mới của ba. Nó lủi thủi một mình, hay bị mẹ kế chì chiết, mắng chửi.
Chị nghe mà bàng hoàng, vì trước kia, chị ra đi với hai bàn tay trắng, để con cho chồng nuôi, vì con ở lại thì có cả ba, cả ông bà nội chăm nom vì chồng chị hứa sẽ chăm lo cho con, cho con đời sống tốt, tương lai tốt.
Tốt hơn là ở với chị, không có gì trong tay, vì thế mà chị chấp nhận nỗi buồn khổ phải xa con. Chị cũng nhớ lại ngày xưa, anh hay nói với chị, đời anh may mắn lấy được em, anh yêu thương và mang ơn em. Rồi anh phụ bạc chị, khiến những hy sinh của chị trở thành vô nghĩa. Sau ly hôn, sự hy sinh của chị lại một lần nữa không đem lại kết quả tốt đẹp gì.
Chị quyết định sẽ có một cuộc nói chuyện cùng chồng cũ để đưa con về sống với mình. Nếu không được, có lẽ họ lại phải ra tòa một lần nữa. Chị vẫn là người phụ nữ có năng lực, chị không sợ con phải thiếu thốn, cho dù không sung túc, đầy đủ nhà cao cửa rộng như ở với ba, nhưng con sẽ có tình yêu thương của chị.
Giờ đây, chị đã thực sự hiểu, chị phải quyết định cuộc đời chị, phải thương mình trước hết, bởi những hy sinh không đúng chỗ cũng như đem vàng vứt xuống giếng khơi, không bao giờ đem lại hạnh phúc, mà chỉ có thể đưa đến bi kịch và thiệt thòi mà thôi.
Tác giả bài viết: Ngọc Mai