Kinh tế

Chạnh lòng trái cây nội

Cập nhật thông tin thị trường đầu năm cho thấy: “Lượng trái cây ngoại nhập về Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng mạnh. Năm 2016, ước tính Việt Nam chi hơn 700 triệu USD nhập trái cây ngoại. Riêng tháng 1/2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây đạt hơn 110 triệu USD, tăng 55% so với cùng thời điểm này năm trước”.

Sẽ có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện trái cây ngoại, rau quả nội nhưng qua những con số thống kê và thực tế thị trường đã minh chứng cho việc trái cây nội đang thất thế ngay trên sân nhà. Vì đâu nên nỗi?

Theo TS Nguyễn Hữu Đạt - Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Dù trái cây Việt Nam rất phong phú với nhiều chủng loại nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu trái cây của hàng chục nước, trong đó Mỹ, Úc, Chile, New Zealand chiếm lượng lớn với chủng loại phổ biến như nho và táo Mỹ, lựu và kiwi Hàn Quốc, xoài Úc...”

Còn ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty An Phú APP (TP.HCM) thì cho hay: “Trái cây ngoại được nhập về nhiều, nhất là trong dịp lễ Tết là do nhu cầu biếu - tặng tăng mạnh. Người dùng thường chọn các loại trái cây Việt Nam không có như kiwi, lựu, táo... ăn để biết và yên tâm bởi cho rằng trái cây nhập khẩu có chất lượng tốt. Ngoài ra, tư tưởng “chơi sang” để khẳng định địa vị cũng là lý do khiến nhiều người chọn trái cây ngoại để biếu - tặng”.

trai cay 1487217124488
Trái cây nội đang thất thế trên sân nhà

Người dân, trong đó có nông dân không thể trách nhà kinh doanh khi nhập khẩu sản phẩm trùng với sản phẩm trong nước mà phải trách cơ quan nhà nước (ngành nông nghiệp) và ngay chính người sản xuất không cho ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Dẫn chứng cụ thể đó là: Việt Nam vốn nổi tiếng với xoài cát Hoà Lộc, nhưng giờ hiếm khi nào mua được trái xoài ngon, kể cả mua siêu thị hay ở ngoài chợ, toàn xoài non mang ra bán, khi chín thì ngọt lờ lợ, ăn không ra sao cả. Mà giá 1kg xoài cát Hoà Lộc đâu phải rẻ.

Liên quan đến chuyện trái cây ngoại đang chiếm lĩnh thị trường nội địa, có người dân đã trải lòng: “Trái cây mình khi xưa ăn rất ngon mà giá cũng hợp lý nữa. Còn bây giờ chạy theo số lượng, hái sớm, dú ép để bán giá cao, lại thêm làm nghịch vụ thì chất lượng có giảm xuống. Có dạo, nghe giá trái cây ở nhà vườn rẻ nên ra chợ mua ủng hộ, ai dè hỏi giá thì bật ngửa luôn. Lại không chú trọng về hình thức nên nhìn hàng xấu mã. Trong khi trái cây ngoại được bao bọc kỹ càng, giá cũng chấp nhận được nên ăn đứt trái cây nội là phải”.

Có một thực tế đang và luôn tồn tại mà chúng ta có thể gọi nôm na là quy trình: “Khi trái chín, thương lái lựa ra, 100% trái cây ngon đều đóng gói bán ra nước ngoài, các loại ( loại 2,3 ) không xuất được thì đem bán ra thị trường”. Tất nhiên, loại 2,3 này đâu ngon lành gì, ăn riết hết thấy ngon nên người tiêu dùng đành chuyển hướng. Thà bỏ thêm ít tiền mà ăn được ngon. Vậy, hãy xem lỗi tại ai? Không riêng gì trái cây, rau củ mà thủy - hải sản cũng chung số phận tương tự.

Mặt khác, việc lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, tăng trưởng gây tâm lý e ngại cho người tiêu dùng.

Chỉ khi nào nông nghiệp thoát được các loại thuốc kích thích, tăng trưởng, bảo vệ thực vật của Trung Quốc thì cây trái, rau quả Việt Nam mới có chỗ đứng mà không bị người dân trong nước xa lánh như hiện nay. Bởi, thị trường cũng cần và luôn cần người sản xuất nông sản có sản phẩm tốt. Có vậy thì người tiêu dùng mới quay lại với nông sản Việt.

Dư luận mong nhận được những tín hiệu tích cực của ngành Nông nghiệp. Đừng để vấn đề gì của ngành Nông khi nghĩ tới ai ai cũng thấy chạnh lòng!

Tác giả bài viết: Lầu Thanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP