Giới trẻ

Cha đẩy xe đưa con bại não đi bán vé số ở Sài Gòn

Anh Thân đưa con trai bại não đi khắp nơi bán vé số trên chiếc xe lăn tự chế cũ, kiếm tiền trang trải cuộc sống nơi đất khách và gửi về quê cho vợ nuôi hai con.

Hơn 2 năm nay, anh Trần Ngọc Thân (37 tuổi, thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đều đặn đẩy cậu con trai Trần Ngọc Thi (13 tuổi) bị bại não trên chiếc xe lăn tự chế đi bán vé số quanh quận 1, TP.HCM. Hai cha con ra đường từ sáng sớm đến tối muộn mới về.

Con trai bại não

Anh Thân kể mấy năm trước, khi còn ở quê, anh làm thợ hồ còn vợ làm nông. Gia đình anh nuôi thêm bò và trồng trọt cũng đủ ăn, đồng thời lo cho con trai lớn bệnh tật và con gái thứ hai học tiểu học.

Tuy nhiên, gần 3 năm nay, thời tiết khô hạn nặng, đàn bò và cây trồng chết hết. Vợ chồng anh lại sinh thêm con gái thứ ba (hiện 21 tháng tuổi) nên cuộc sống càng khó khăn.

Trong cơn túng quẫn, vợ chồng anh Thân bàn nhau để anh đưa Thi lên Sài Gòn bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống, còn vợ ở nhà tiếp tục làm ruộng nuôi hai con gái.

Thi có gương mặt sáng, nụ cười tươi rạng rỡ. Cậu bé có vóc dáng gầy gò, cao ráo. Vì bị bệnh, trí tuệ của Thi chỉ như đứa trẻ sơ sinh. Cậu bé không nhận thức được bất cứ điều gì từ thế giới xung quanh.

Thi thoảng, Thi lại nhoẻn miệng nở nụ cười tươi, ngây ngô trong vô thức. Anh Thân kể mỗi lần thấy bố nói chuyện với mình, Thi lại cười và chớp chớp đôi mắt sáng. Anh cảm nhận con có thể nhận biết và tương tác với mình.

Bé Thi trên chiếc xe lăn tự chế, được cha đẩy đi bán vé số. Ảnh: Anh Thư.

Mọi sinh hoạt cơ bản nhất từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân của cậu bé 13 tuổi đều do một tay người cha lo liệu. Cậu bé cũng không thể ăn uống như người bình thường mà chỉ uống sữa hay ăn cháo xay nhuyễn.

Có những hôm không bán được vé số, bố Thi chỉ mua được cho cậu một hộp sữa uống cả ngày thay vì hai hộp như thường lệ.

Vì không thể đi lại hay đứng, ngồi, những lúc đi bán vé số cùng bố, Thi phải nằm trên chiếc xe tự chế đã cũ, lớp vải bọc quanh rách tươm. Đôi tay co quắp không kiểm soát được cứ vung lên như đang chỉ trỏ.

Gia đình anh đã đưa Thi đến Bệnh viện Nhi đồng I chữa trị nhưng không được vì bệnh của cháu quá nặng, không thể làm gì hơn. Anh Thân cho hay chị gái của mình cũng bị bệnh tương tự.

Mưu sinh vất vả

Những hôm trái gió trở trời, Thi lên cơn động kinh, co giật trong đau đớn khiến người cha rất đau lòng. Những hôm như vậy, cha con anh phải nghỉ bán, đợi Thi khỏe hắn mới tiếp tục lên đường mưu sinh.

Mỗi ngày cha con anh Thân thu nhập khoảng 100.000 đồng, hôm nào bán được nhiều vé số được 200.000 đồng.

Số tiền kiếm được, người cha nghèo dùng để chi trả sinh hoạt cho hai cha con, còn lại bao nhiêu anh gửi về cho vợ ở quê nuôi hai con gái. Trung bình một tháng, anh gửi về quê 3 triệu đồng.

Anh Thân nói: “Cuộc sống vất vả lắm, tôi phải tranh thủ ngày kiếm vài đồng nuôi con và gửi về cho gia đình ở quê. Nhiều người thương mua vé số ủng hộ nhưng cũng nhiều người nói điều khó nghe, bảo tôi lợi dụng đem con đi bán lừa tiền thiên hạ”.

“Bất đắc dĩ tôi mới phải đem con rong ruổi bán vé số ở Sài Gòn. Vợ tôi ở quê bận con mọn lại nuôi bé gái thứ hai đi học, làm sao chăm thêm được cháu lớn bệnh nặng. Tôi đem nó đi bán vé số vừa kiếm tiền vừa chăm được con”, anh Thân bày tỏ.

Thi thoảng, người đi đường ủng hộ cha con Thi một khoản tiền để mua thêm sữa cho em. Ảnh: Anh Thư.

Suốt những ngày đưa con đi bán vé số ở Sài Gòn, hai cha con ở nhờ đại lý bán vé số của ông Võ Đình Vương (47 tuổi), cùng quê Phú Yên. Hàng ngày, cha con anh Thân bán được trên 100 tờ vé số thì được đại lý bao ăn. Ngày nào bán ít hơn, họ phải tự trả tiền ăn hôm đó.

“Hoàn cảnh cha con anh Thân khó khăn lắm. Đưa nhau đi bán vé số vất vả nhưng kiếm được chẳng đáng bao nhiêu. Tôi và anh ấy cùng quê. Khi anh đưa con lên Sài Gòn bán vé số, tôi cũng gắng đùm bọc, giúp đỡ được chút nào hay chút ấy”, ông Vương cho biết.

Trao đổi với Zing.vn về hoàn cảnh của hai bố con nghèo, ông Trần Hữu Công – Trưởng thôn Mỹ Thạnh Tây, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết ông là hàng xóm của gia đình anh Thân.

Ông Công chia sẻ: “Bé Thi bị bại não từ nhỏ. Hôm nào Thi khỏe, bố dẫn bé đi bán vé số, lúc bé mệt thì về nhà. Vợ anh Thân ở quê làm mấy sào ruộng kiếm thêm thu nhập và trông nhà”.

“Nhà anh Thân thuộc diện khó khăn nhưng không phải hộ nghèo, được xã trợ cấp hàng tháng cho gia đình có con khuyết tật. Những ngày lễ tết, thôn thường đến thăm và trao quà giúp đỡ gia đình”, ông Công thông tin.

Bên cạnh sự hỗ trợ của thôn, chính quyền xã cũng thường xuyên thăm hỏi và hỗ trợ gia đình anh Thân.

Ông Nguyễn Ngọc Tính – Cán bộ Phòng Lao động Thương binh và Xã hội xã Hòa Phong cho biết mỗi tháng gia đình anh Thi nhận được 675.000 theo diện có con khuyết tật. Ngoài ra, cha mẹ Thi nhận thêm 180.000 một tháng tiền hỗ trợ việc chăm sóc em.

Tác giả bài viết: Hoàng Như

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP