Giới trẻ

Câu hỏi 'nóng' về bình đẳng giới

Tại buổi Đối thoại sinh viên về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng, nhiều câu hỏi 'nóng' của các bạn trẻ đã được đặt ra với chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Anh Lê Quốc Phong trả lời câu hỏi của các sinh viên về bình đẳng giới. ẢNH: NGỌC THẮNG

Ngày 13.3, tại Hà Nội diễn ra Đối thoại sinh viên (SV) về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng, do T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ VN phối hợp với T.Ư Đoàn và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.

Đoàn có nhiều hoạt động giúp trẻ em bày tỏ nguyện vọng

Tại cuộc đối thoại cũng đã diễn ra phần tranh biện giữa các SV về việc có nên hình sự hóa các hành vi quấy rối tình dục phụ nữ nơi công cộng, và sau phần tranh biện "nảy lửa" giữa 2 đội ủng hộ và phản đối, thì đa số khán giả đã đồng ý với đội ủng hộ vấn đề này

Trả lời câu hỏi của SV về một số hoạt động cụ thể của Đoàn, Hội, Đội đối với việc chăm lo, bảo vệ, tạo điều kiện cho trẻ em gái, anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN, cho hay trẻ em là đối tượng mà Đảng giao cho Đoàn giáo dục, dìu dắt, tạo môi trường cho các em phát triển toàn diện.

“Trong Đại hội Đoàn lần thứ XI chúng tôi cũng dành sự quan tâm đến các em thông qua nhiệm vụ, chỉ tiêu nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn các cấp cũng tổ chức một loạt diễn đàn để lắng nghe ý kiến các em, từ đó có những đề xuất tham mưu thiết lập chính sách phù hợp. Chúng tôi tổ chức hoạt động tăng sự quan tâm của xã hội đối với các em và tổ chức nhiều hoạt động để các em bày tỏ nguyện vọng của mình”, anh Phong nói.

Anh Phong cho biết Đoàn còn tham gia với tổng đài 111 - một trong những kênh phát hiện kịp thời những vụ việc xâm hại bạo hành trẻ em. “Chúng tôi xem những địa phương có xảy ra vụ việc liên quan trẻ em mà tổ chức Đoàn, Đội nơi đó không phát hiện kịp thời phải có trách nhiệm”, anh Phong nói.

Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ khuyết tật về việc hỗ trợ của Đoàn, Hội với đối tượng này, anh Phong cho biết đã có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ và tư vấn trang bị kỹ năng, tâm lý giúp các bạn khuyết tật tự tin hòa nhập với cộng đồng. Anh Phong cho hay: “Chúng tôi cũng có hoạt động riêng dành cho SV khuyết tật, tôn vinh sự cố gắng, thành tích của các bạn trong cuộc sống. Những chương trình này không chỉ đang giúp cho các bạn mà còn giúp chúng tôi, giúp những người trẻ may mắn hơn các bạn có thêm nghị lực để nỗ lực hơn trong cuộc sống”.

Một bạn trẻ khuyết tật đặt câu hỏi với Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Vì sao càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp ?

Tại đối thoại, Trần Hữu Vinh, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đặt câu hỏi: “Hiện nay, tỷ lệ nữ SV trong các trường đại học khá đông, có nhiều trường chiếm hơn 50%, nhưng càng học lên cao thì tỷ lệ nữ càng thấp. Vậy, có rào cản nào cản trở phụ nữ vươn lên trong học tập và nghiên cứu?”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, cho rằng tỷ lệ nữ học càng lên cao càng thấp là do nhiều rào cản. “Rào cản đầu tiên là định kiến giới tồn tại khá lâu. Trong nhiều gia đình nếu chọn đầu tư cho nam hay nữ, chắc chắn chọn đầu tư cho nam. Thời gian phụ nữ giành cho gia đình vẫn còn là rào cản. Nếu phụ nữ được chia sẻ việc gia đình thì sẽ có nhiều cơ hội hơn để cống hiến”, bà Hà nói.

Bà Hà cũng cho biết theo một nghiên cứu, mỗi ngày 1 phụ nữ dành 175 phút cho công việc gia đình, nhiều hơn nam giới 70 phút. Trung bình 1 phụ nữ mất 5 - 8 năm sinh con và nuôi con nhỏ. Trong khi các dịch vụ xã hội hỗ trợ để phát triển con người nói chung như: nhà trẻ, đưa đón con… chưa thực sự phát triển hỗ trợ phụ nữ.

Cũng theo bà Hà, một rào cản nữa là cơ chế chính sách vẫn còn sự bất bình đẳng giới. “Nói không phân biệt, nhưng nếu nữ nghỉ hưu sớm hơn nam thì tuổi đi học, bổ nhiệm của nữ sẽ bị hạn chế hơn nam. Không phân biệt nhưng rõ ràng cơ hội không có nhiều cho phụ nữ”, bà Hà lý giải. Đồng thời bà Hà cho rằng, lý do nữa là từ bản thân mỗi phụ nữ đã không quyết tâm vượt qua rào cản. “Có những phụ nữ từng học rất giỏi nhưng rồi vì gia đình, con cái đã không vượt qua được để phấn đấu cao hơn trong học tập, nghiên cứu, công việc”, bà Hà đánh giá.

Trả lời câu hỏi của một SV về việc chênh lệch trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ ở VN có phù hợp với luật Bình đẳng giới, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng văn phòng UN Women, cho rằng theo tiêu chuẩn quốc tế, cân bằng giới trong thị trường lao động thì có cân bằng tuổi nghỉ hưu. Hiện ở VN, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ có sự chênh lệch 5 năm, mang tới nhiều bất lợi cho nữ. “Phải nghỉ hưu sớm hơn 5 năm sẽ ảnh hưởng tới việc đào tạo, thăng tiến của phụ nữ; thu nhập ít hơn nam giới. Phụ nữ về hưu sớm với mong muốn quay về chăm sóc gia đình và nhường chỗ cho thế hệ trẻ, nhưng điều đó là việc mà nam giới cũng cần làm...”, bà Elisa Fernandez Saenz bày tỏ quan điểm.

Tác giả: Vũ Thơ

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP