Giáo dục

Cậu học trò khuyết tật đặc biệt nặng đã vào giảng đường đại học

Qua bao khó khăn, vất vả, cậu học trò khuyết tật đặc biệt nặng Trương Hùng Anh (sinh năm 1990, thôn Nhị Dinh 3, Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã có thể viết tiếp ước mơ giảng đường đại học của mình.

Những ngày cuối tháng 8, cả thôn Nhị Dinh 3 bất ngờ và vui mừng khi hay tin rương Hùng Anh đỗ đại học. Nhà Hùng Anh chật ních người vào ra hỏi thăm kết quả và chia vui cùng gia đình, ai cũng khâm phục trước thành tích đáng tự hào của cậu học trò khuyết tật đặc biệt nặng (chân tay teo rút, không nói được).

Em Trương Hùng Anh bị khuyết tật đặc biệt nặng (chân tay teo rút, không nói được).


Là anh cả trong gia đình, từ nhỏ Hùng Anh đã chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đến tuổi phải đi học nhưng Hùng Anh vẫn chưa thể bi bô nói chuyện, chân tay teo rút khiến việc sinh hoạt trở nên khó khăn. Mỗi ngày đến trường với em là cả một sự cố gắng, kiên trì vươn lên, dù vậy chưa một lần em nghĩ sẽ bỏ cuộc.

Sự tảo tần chăm sóc, động viên của mẹ cùng niềm tin, hy vọng, kiên trì của cha đã giúp Hùng Anh tự tin mở ra cánh cửa mới cho tương lai mình.


Dù việc viết chữ còn chậm, nhưng Hùng Anh lại tiếp thu nhanh và nhớ kiến thức rất lâu. Ba môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa là thế mạnh và giúp Hùng Anh vươn lên thứ hạng cao trong lớp. Và thế mạnh đó cũng đã hiện thực hóa ước mơ chạm đến giảng đường đại học của em.

Kết quả tổng điểm các môn khối A Hùng Anh đạt 19,95 điểm (Toán: 5,75; Lý: 7,8; Hóa: 6,4) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Với số điểm này, Hùng Anh đã đỗ nguyện vọng 1 vào trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng và được đặc cách vào học ngành Công nghệ thông tin của trường.

Bà Trần Thị Lệ Hương (mẹ Hùng Anh) chia sẻ: “Gia đình rất vui mừng và phấn khởi khi Hùng Anh được đặc cách học ngành Công nghệ thông tin mà cháu hằng mơ ước. Bà con hàng xóm ai cũng vui mừng khi nghe tin này, người tới hỏi thăm rất nhiều. Tôi không hy vọng gì hơn, chỉ mong con có đủ sức khỏe để theo đuổi ước mơ của mình, là bậc làm cha mẹ, chúng tôi sẽ cố hết sức vì tương lai các con”.

Hiện tại, ba Hùng Anh cũng đã xin được chân bảo vệ trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng để vừa kiếm thêm thu nhập vừa có điều kiện gần bên chăm sóc con. Dù đỗ đại học nhưng nhiều gian nan, khó khăn vẫn ở trước mắt em, nhất là khi điều kiện gia đình khó khăn, vật dụng cần thiết cho ngành học của em cũng chưa biết xoay sở ở đâu.

Mẹ Hùng Anh tâm sự với PV


Được biết, ông Trương Phú Một - ba Hùng Anh từng tham gia chiến trường đầy ác liệt, may mắn hơn những đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường, ông được lành lặn trở về quê hương lập nghiệp. Rồi lần lượt ba đứa con chào đời trong niềm tin yêu của cha mẹ nhưng trời chẳng chiều lòng người khi ba đứa con xinh xắn, đáng yêu chỉ có em Trương Ánh Diệu - đứa con gái duy nhất lành lặn. Còn hai con trai Trương Hùng Anh và Trương Phước Thiện đều bị khuyết tật đặc biệt nặng.

Hiện em trai của Hùng Anh là Phúc Thiện phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều nhờ mẹ; còn chị gái Ánh Diệu là sinh viên năm cuối trường ĐH Y dược Huế phải vừa học vừa làm. Dù tương lai còn dài và xa nhưng với nghị lực vượt lên số phận, kiên trì, cố gắng của mình, tin rằng em Hùng Anh cùng gia đình sẽ vẫn vững bước.

Hùng Anh là nhân vật trong bài viết đăng trong tháng 7 vừa qua trên báo Dân trí "Cảm phục hành trình tìm kiếm tri thức của chàng trai khuyết tật nặng". Khi nghe tin Hùng Anh đỗ đại học, chúng tôi cũng rất xúc động và chúc Hùng Anh đạt được ước mơ của mình dù con đường phía trước của em còn nhiều chông gai.

Trao đổi với PV, ông Võ Nga - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Điện Phước cho biết: “Em Hùng Anh là tấm gương vượt lên số phận cho nhiều em khác noi theo. Vừa qua cũng có một vài đơn vị đến giúp đỡ em. Hy vọng sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để Hùng Anh có thể viết tiếp ước mơ của mình”.

Những năm cắp sách đến trường, đồng hành cùng em không thể thiếu chiếc xe đạp cũ kỹ của cha, những nét bút tảo tần, kiên trì của mẹ. Vì tay không thể hoạt động bình thường nên việc viết chữ với Hùng Anh rất khó khăn, mỗi khi học xong trên lớp Hùng Anh lại mượn vở bạn bè về nhà để mẹ chép hộ. Hình ảnh con ngồi học, mẹ chăm chú ghi chép bên đôi kính hoen mờ đã quá quen thuộc với bà con lối xóm.

Bà Trần Thị Lệ Hương - mẹ Hùng Anh cho biết: “Hùng Anh rất chăm ngoan, học giỏi các môn tự nhiên nhưng với môn xã hội vì không chép bài kịp nên theo chậm. Mỗi lần con đi học về, tôi lại mang vở bạn bè con cho mượn để chép rồi giảng giải lại cho con. Thấy vậy, nhiều người lại bảo con học rồi mẹ cũng ngồi học theo. Mấy môn Văn, Sử tôi còn hiểu để giảng lại cho con, chứ môn Anh văn thì tôi chịu, thấy mấy cháu viết thế nào thì chép thế ấy”.

Tác giả bài viết: N.Linh - C.Bính

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP