Giáo dục

Cậu bé thần đồng dám 'đi ngược' với thế giới người đời

Mặc dù là thần đồng có IQ trên 200, 8 tuổi được mời làm việc cho Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) nhưng ông Kim Ung-yong đã bỏ tất cả để trở về quê hương Hàn Quốc. Lý do chính là vì mẹ.

Thần đồng một thời Kim Ung-yong cho rằng hạnh phúc là được làm những gì muốn - Ảnh chụp màn hình theo The Korea Herald


Chỉ số IQ 210

Với chỉ số IQ 210, ông Kim Ung-yong, sinh năm 1962, người Hàn Quốc đã được ghi vào Sách kỷ lục Guinness thế giới. Lúc chỉ mới 5 tuổi nhưng cậu bé thần đồng có thể nói được 4 ngoại ngữ gồm Pháp, Anh, Đức và Nhật, theo The Korea Herald.

Mọi người bắt đầu chú ý đến tài năng của Kim khi ông được 4 tuổi. Lúc đó, cậu bé đã giải thành công một phương trình vi phân trên show truyền hình của đài Fuji của Nhật.

Năm 8 tuổi, cậu bé Kim đã có một khởi đầu không thể tuyệt vời hơn khi được mời đến làm việc tại NASA. Ông đã có gần 10 năm làm việc tại một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học danh tiếng nhất thế giới. Ở Mỹ, ông Kim đã học xong chương trình đại học rồi lấy bằng tiến sĩ Vật lý tại Đại học bang Colorado trước năm 15 tuổi.

Tuy nhiên, đó cũng là khoảng thời gian ông hết sức cô đơn. “Lúc ấy, tôi sống như một cái máy. Thức dậy, giải quyết các công việc được giao, ăn, ngủ và lại thức dậy. Tôi thực sự không biết mình đang làm gì nữa, tôi cô đơn và không có bạn bè”, ông kể lại.

Kim đã rời Mỹ trở về Hàn Quốc vào năm 1978, lúc này ông mới 16 tuổi. Mọi người đều hết sức bất ngờ trước quyết định của thần đồng đầy hứa hẹn.

Truyền thông tập trung khai thác cuộc sống của ông và miêu tả đây là một trường hợp sai lầm của giáo dục. Họ cho rằng chính cách dạy sai lầm đó đã khiến một thiên tài đi sai đường. Truyền thông Hàn Quốc đặt cho cho ông Kim biệt danh là “thiên tài thất bại”.

Trở về vì mẹ

Ước muốn được sống cùng mẹ là yếu tố quyết định khiến “thiên tài thất bại” rời bỏ NASA trở về Hàn Quốc. Đáp lại, ông Kim khẳng định không muốn nổi tiếng hay trở thành tâm điểm của dư luận. Ông chỉ muốn có một cuộc sống bình thường với gia đình và bạn bè.

Về nước nghĩa là chàng trai trẻ Kim khi ấy phải bắt đầu lại toàn bộ từ con số không. Nếu muốn có một công việc tốt, ông phải bắt đầu học từ cấp 1, lên cấp 2, cấp 3 rồi vào đại học.

Ông lấy bằng tiểu học và trung học cơ sở chỉ trong 1 năm. Năm sau ông hoàn tất trung học phổ thông. “Tôi muốn vào đại học hơn là đi làm ngay lúc đó. Tôi sẽ được học chung với bạn bè cùng trang lứa ở một ngôi trường ngoại ô Seoul. Do xa trung tâm nên sẽ ít bị mọi người chú ý hơn”, ông kể.

Năm 1981, chàng trai 19 tuổi Kim Ung-yong đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học Quốc gia Chungbuk. Sau khi tốt nghiệp, ông đi làm với vị trí là một nhân viên bình thường như bao người khác.

Đây là khoảng thời gian mà thiên tài này cảm thấy hạnh phúc nhất suốt nhiều năm qua, ngoại trừ một điều là ông thường xuyên bị giới truyền thông mang ra so sánh.

Người đặc biệt không bằng người sống đời bình thường

Khi ông trở về nước, rất nhiều tờ báo đã tìm đến ông. “Tôi cảm thấy mệt mỏi vì là trung tâm của sự chú ý. Tôi cảm thấy mình giống như một con khỉ trong sở thú”, ông Kim nói.

Do muốn một cuộc sống bình thường và tránh xa mọi ánh nhìn, ông thường xuyên đóng kín cửa và ở trong nhà. Chính vì điều này mà nhiều người thậm chí còn gọi ông là kẻ bị tâm thần phân liệt.

“Rõ ràng, truyền thông đánh giá thấp việc tôi chọn một công việc bình thường”, ông Kim nói. Dù bị gọi là “thiên tài thất bại” nhưng ông khẳng định cuộc sống của ông rất hạnh phúc, theo chuẩn mực cá nhân ông thì đó là thành công.

“Mọi người đều kỳ vọng rằng tôi sẽ trở thành một quan chức cấp cao hay lãnh đạo công ty lớn. Thế nhưng, tôi không nghĩ rằng việc không làm được như những gì người khác kỳ vọng thì họ được quyền gọi tôi là thất bại”, ông nói với The Korea Herald.

Mặc dù đã cố tránh tiếp cận với giới truyền thông nhưng sau này có nhiều lần ông vẫn bị nêu tên trên báo chí. Một cậu bé thần đồng khác vào đại học khi mới 9 tuổi và dư luận lại so sánh ông Kim với cậu bé đó. Các câu chuyện đăng trên báo cho rằng ông Kim là một tấm gương xấu và cậu bé không nên trở thành người như ông Kim.

“Một số người nghĩ rằng có chỉ số IQ cao thì cái gì cũng xuất sắc, nhưng thực ra không phải như vậy. Nhìn tôi này, tôi chơi nhạc không hay và thể thao cũng dở tệ”, ông Kim nói.

Ông Kim cũng cho rằng chỉ số IQ cao không đồng nghĩa với việc nhớ tốt. “Tôi có thể nói 4 thứ tiếng gồm Pháp, Anh, Đức và Nhật nhưng giờ không còn lưu loát được. Tôi có thể nói được đôi chút vì giờ đã quên đi nhiều”.

Đạt được ước mơ ở tuổi ngoài 50

Năm 2014, Kim Ung-yong đã chính thức trở thành giáo sư ở tuổi 52. Tập đoàn Chungbuk, nơi ông Kim từng làm việc, khẳng định thần đồng một thời của Hàn Quốc đã nghỉ việc để trở thành giáo sư của Đại học Shinhan ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

Ngoài ra, ông còn thỉnh giảng ở một số trường như Đại học Yonsei, Đại học Sunkyunkwan và Viện Khoa học và công nghệ hiện đại Hàn Quốc. Chia sẻ về công việc mới, ông khẳng định đây chính là điều ông mơ ước mấy năm qua. “Tôi sẽ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục các thế hệ sau”, ông chia sẻ.

Tác giả bài viết: Ngọc Quý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP