Người lớn nên chú ý đến trẻ em để tránh những tai nạn thương tâm trong dịp hè. Trong ảnh: Một bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. |
Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng những ngày qua liên tục tiếp nhận những bệnh nhi bị tai nạn, bỏng, rắn cắn. Cháu Hồ Luyên Lúc (trú xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc.
Chị Hồ Thị Quýt, mẹ cháu Lúc cho biết, tối 23-6, cháu Lúc theo người nhà ra suối bắt ếch thì bị rắn lục cắn vào bắp chân phải. Người nhà sau đó đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My theo dõi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến chiều 24-6, Lúc mới được đưa vào Bệnh viện Phụ sản-Nhi để chữa trị. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán, nếu chậm trễ một thời gian nữa, tính mạng cháu sẽ bị đe dọa.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cũng tiếp nhận một bệnh nhi bị hóc dị vật đường thở được chuyển ra từ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Đó là trường hợp cháu Trương Quang D. (10 tháng tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Trong lúc chơi đùa, cháu đã bốc một con côn trùng nhỏ bỏ vào miệng.
Người nhà phát hiện liền hốt hoảng móc ra khiến cháu bị sặc đường thở. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu, nội soi khí quản và gắp dị vật là con côn trùng ra ngoài. Bác sĩ Lê Mạnh Hoàng, người trực tiếp phẫu thuật cấp cứu cho cháu D. chia sẻ, tình trạng hóc dị vật đường thở thường xảy ra đối với trẻ, chủ yếu là trẻ từ 15 tháng tuổi đến 5 tuổi. Những dị vật vào đường thở chủ yếu là các loại hạt như đậu phộng, hạt mãng cầu, hạt dưa, đồ chơi …
Ngoài những tai nạn hóc dị vật, côn trùng cắn, nhiều trẻ em nhập viện với những vết bỏng hết sức nặng nề. Nguyên nhân đa phần do sự bất cẩn của người lớn như để trẻ tiếp cận nước sôi, thức ăn nóng. Di chứng bỏng rất nặng nề, ngoài ảnh hưởng đến thẩm mỹ còn có thể gây co rút cơ, hạn chế chức năng vận động của các cơ, phải phẫu thuật chỉnh hình và xử lý rất khó khăn.
Mỗi ngày, bác sĩ Võ Hữu Hội, Trưởng khoa Hồi sức tích cực-Chống độc, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đều chứng kiến nhiều trẻ nhỏ rơi vào tình trạng nguy kịch chỉ vì những tai nạn đáng tiếc. “Ngạt nước và đuối nước là hai tai nạn thường gặp vào kỳ nghỉ hè. Những tai nạn này nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, thậm chí nếu được cứu sống cũng có thể để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, thiếu ô xy não dẫn đến sống thực vật”, bác sĩ Hội cho biết.
Những y, bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc bệnh viện này đều không thể quên hình ảnh cháu bé bị ngạt nước dẫn đến tử vong do chập điện tại hồ bơi tại một khu nghỉ dưỡng ở quận Sơn Trà diễn ra vào năm 2016. “Khi xảy ra sự cố, người lớn cần bình tĩnh và phải biết cách sơ, cấp cứu đúng cách để bảo toàn tính mạng cho trẻ, trong đó có tai nạn đuối nước.
Đối với trẻ bị ngạt nước, tuyệt đối không được dốc ngược trẻ lên dẫn đến nguy cơ trẻ bị sặc đường thở, tổn thương thứ phát như tổn thương cột sống, não... Đối với trường hợp ngưng tim, ngưng đường thở, bắt buộc phải tận dụng thời gian vàng cấp cứu tại hiện trường, sau đó đưa đến cơ sở y tế hoặc nhanh chóng nhồi tim, liên tục hô hấp nhân tạo và gọi xe cấp cứu”, bác sĩ Hội chia sẻ.
Mỗi ngày, hàng chục trẻ em đi lạc tại bãi biển Trong những ngày hè oi ả, lượng du khách và người dân đổ về bãi biển để giải nhiệt tăng đột biến. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đuối nước đối với trẻ em. Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Cứu hộ, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận hàng chục trẻ em đi lạc, hôm cao điểm lên đến hơn 40 trẻ. “Người lớn đưa trẻ nhỏ ra biển nên để ý đến con em mình. Giữa hàng ngàn người chen chúc ở bãi biển, việc trẻ đi lạc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ. Trong trường hợp phát hiện con, em đi lạc, người nhà cần liên hệ ngay với đội cứu hộ, đội tuần tra để chúng tôi phối hợp tìm kiếm, tránh tình trạng tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”, anh Vinh cảnh báo. |
Tác giả: Phan Chung
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng