Kinh tế

Căng thẳng thương mại tác động thế nào đến chính sách ngoại hối của Mỹ?

Cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là chủ đề nóng nhất trên thị trường tài chính toàn cầu. Sau khi phân tích những quyết sách về thuế gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về sự thay đổi sắp tới trong chính sách về ngoại hối của Mỹ.

Căng thẳng thương mại tác động thế nào đến chính sách ngoại hối của Mỹ?

Ông Trump đã từng cáo buộc Bắc Kinh thao túng tỷ giá đồng CNY – phá giá nội tệ để cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn hàng Mỹ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống hồi năm 2016. Tuy nhiên, báo cáo tiền tệ giữa năm 2017 của Bộ Tài chính Mỹ đã không thể công bố một bằng chứng khẳng định lời cáo buộc đó.

Báo cáo tiếp theo, dự kiến sẽ được phát hành ​​trong tháng này, sẽ đưa ra một loạt các chính sách thuế quan mới của chính phủ ông Trump, như là một nỗ lực thực hiện lời hứa cắt giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều đó thể gây áp lực nâng giá đối với các đồng ngoại tệ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Thụy Sĩ – những nước nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ cho đến tháng 10.

Ông Dwyfor Evans, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á-Thái Bình Dương tại State Street Global Markets cho biết: "Báo cáo này sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nữa nếu các biện pháp bảo hộ và thuế quan được đưa vào. Sẽ rất thú vị khi theo dõi liệu Bộ Tài chính Hoa Kỳ có chú ý đến cả Thái Lan, hay là tất cả 'mũi dùi' sẽ nhắm đích vào một mình Trung Quốc, mà dường như tình hình hiện tại có vẻ là vậy”.

Văn phòng đại diện thương mại của Mỹ cho biết trong một thông báo hồi tháng trước, Đài Loan đã được đưa ra khỏi danh sách theo dõi tháng 10. Ngoài ra, Mỹ và Hàn Quốc mới đây cũng đã tiến hành một thoả thuận nhằm "ngăn chặn sự phá giá tiền tệ và thao túng tỷ giá" của đồng Won. Hàn Quốc và Ấn Độ là một trong số ít các quốc gia đã cắt giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ trong năm ngoái.

Malaysia và Thái Lan đã được xác định là những quốc gia có nguy cơ bị đưa vào danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ. Bất kỳ một sự tăng giá nào của đồng tiền cũng sẽ giúp các nước này tránh được việc bị đưa vào theo dõi.

Các chuyên gia và nhà phân tích của các tổ chức tài chính hàng đầu đều đang chờ đợi bản báo cáo được công bố, và cho rằng nó sẽ có tác động tức thì đến thị trường. Gareth Leather và Krystal Tan, hai nhà kinh tế học chuyên về châu Á của Capital Economics Ltd., cho biết: "Báo cáo Kho bạc Hoa Kỳ sẽ là một dự báo cho những quyết định sắp tới của ông Trump, và chúng không nên bị bỏ qua”.

"Hành động 'dán nhãn' Trung Quốc, hay bất cứ nước nào ở Châu Á là 'thao túng tiền tệ' sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng, có thể dẫn đến sự bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và Malaysia đáp ứng hai trong ba tiêu chí, nhưng Thái Lan là nước duy nhất trong khu vực đáp ứng cả ba tiêu chí” (Các tiêu chí liên quan đến quy mô thặng dư thương mại với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai, và mức độ mua ròng của ngoại tệ).

Takahide Irimura, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management Co., nói: "Nếu báo cáo sử dụng ngôn ngữ nặng nề, điều đó có thể tạo ấn tượng rằng Hoa Kỳ thích một đồng USD yếu hơn, để cân bằng với các ngoại tệ châu Á”.

Hai nhà phân tích Chun Him Cheung và Jesper Rooth tại Morgan Stanley thì đề xuất nhà đầu tư nên chọn vị thế mua đồng Baht Thái bằng đồng AUD, bởi Thái Lan đang “tìm kiếm một đồng minh thay vì đối thủ” với Hoa Kỳ.

Jeremy Stretch, chiến lược gia tiền tệ nhóm G-10 tại CIBC, nhận định: "Tôi không nghĩ Mỹ có thể sẽ buộc tội được Đức, bởi đồng EUR được sử dụng bởi cả EU. Mức độ thâm hụt cán cân thương mại với Thụy Sĩ tương đối khiêm tốn, khiến tôi không hiểu tại sao Mỹ phải lo lắng điều này và mở rộng tự vệ thương mại”.

Tác giả: Minh Khuê

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP