Trong nước

Cán bộ coi dân không ra gì, đấy là nỗi đau

Nói về cách ứng xử qua vụ việc của bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân và vụ làm giấy chứng tử của phường Văn Miếu, Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hành động đó là coi dân không ra gì, đấy là nỗi đau của chúng ta.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Túc chia sẻ: “Là thế hệ đi trước, chúng tôi cảm thấy rất đau lòng khi thấy cách xử sự với dân của vị Phó chủ tịch quận Thanh Xuân cũng như sự việc vừa xảy ra trong vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu”.

Ông Nguyễn Túc. Ảnh: Hoàng Long

Theo ông, thế hệ cán bộ công chức trước đây hầu như không có chuyện như vậy.

“Hai sự việc tuy là cá biệt nhưng nhưng tác động rất ghê gớm. Cán bộ hành xử như vậy là coi dân không ra gì, đấy là nỗi đau của chúng ta” - ông Túc nhấn mạnh.

Riêng trường hợp phường Văn Miếu, ông Túc đề nghị các cơ quan nhà nước thanh tra khách quan, trung thực để cái gì cán bộ, chính quyền làm sai thì xử lý đúng theo quy định; còn cái gì người dân phản ảnh không đúng mà đưa lên mạng thì cũng cần nhắc nhở.

"Tuy là con sâu làm rầu nồi canh nhưng ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cán bộ cơ sở. Vì vậy tôi đề nghị cần làm rõ, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn, vừa đảm bảo dân chủ nhưng phải vừa đảm bảo kỷ cương", ông Túc nói.

Đứng vào vị trí của dân để hành xử

Theo ĐBQH, Giám đốc HV Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà, những quy định của pháp luật hay quy trình thủ tục thì không có lỗi, cái chính là người thực thi.

Giám đốc Học viện Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà

"Nếu người thực thi có trách nhiệm, có tâm trước những sự mất mát của người khác thì họ sẽ có xử sự hợp lý cho trường hợp cụ thể", ông Hà nói.

Ông cho rằng, để có được điều đó thì công tác giáo dục đạo đức, nhất là đạo đức công vụ, đạo đức công dân cho những người thực thi công vụ.

Phải đánh giá toàn diện để không quá nghiêm khắc với trường hợp họ có lý do nào đó, nhưng cũng không dễ dãi để những người thực thi công vụ thiếu trách nhiệm, có những hành vi, biểu hiện thiếu trách nhiệm và vô cảm.

“Đây không chỉ là bài học mà còn là cảnh báo cho cán bộ thực thi công vụ, quan trọng nhất là đứng vào vị trí của công dân, người có việc, ai cũng làm được việc đấy thì sẽ có hành vi, xử sự phù hợp”, ĐB Hà gợi mở.

Cán bộ nào hành dân cho thôi chức ngay

PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển cho rằng, quan trọng nhất là bộ máy hành chính phải chịu sức ép để làm việc.

PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển

Sức ép đầu tiên là người đó phải chịu trách nhiệm trước dân, và dân phải là người bầu ra bộ máy hành chính.

Thứ hai là cần phải có một cơ chế thị trường đủ mạnh để đặt sức ép lên họ. Nếu không có sức ép, người ta sẽ ì ra không chịu làm gì cả.

Thứ ba, phải có sự giám sát của các tổ chức xã hội. Nếu các tổ chức xã hội cứ xuê xoa với nhau, coi tất cả những người trong bộ máy hành chính là “chúng ta”, còn những người kia gọi là “chúng nó” là không được.

“Quyền dân chủ ở đây là người dân có quyền được bầu, và có quyền giám sát. Khi giám sát, nếu bộ máy đó, con người đó không hiệu quả thì có thể bị bay ra khỏi bộ máy, có như thế mới làm được”, ông San nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông San cũng lưu ý, cải cách hành chính phải thực chất, không hô hào.

“Những gì xác thực nhất phải được thực hiện xác thực nhất theo đúng yêu cầu của người dân. Trong lĩnh vực thiết yếu của người dân, mà cấp thiết nhất là cấp giấy chứng tử, không thể chấp nhận được, sai sót thì phải đình chỉ công tác ngay cán bộ đó”, ông San nhấn mạnh.

“Chưa khai sinh hôm nay thì để ngày mai, chưa đăng ký kết hôn được bây giờ, thì để lúc khác, nhưng đã chết thì phải chôn. Vì vậy cán bộ nào hành dân trong vấn đề chứng tử này là họ đã làm cho mất uy tín của toàn bộ hệ thống chính quyền của chúng ta trước mắt người dân. Cần phải cho thôi chức ngay lập tức”, lời ông San.

Tác giả:

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP