LTS: Sau hai tuần dạy sau khai giảng áp dụng VNEN, Ban giám hiệu trường Trung học Cơ sở Cẩm Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lâm vào tình cảnh bối rối không biết nên tiếp tục hay dừng chương trình.
Vì nếu tiếp tục thì phụ huynh phản đối, còn dừng thì lo cấp trên phê bình, khiển trách.
Tuy nhiên, dưới áp lực phụ huynh, trường đã đề xuất lên cấp trên được đồng ý dừng áp dụng VNEN tại 2 lớp 7a1 và 7a2.
Thầy giáo Lê Văn Vỵ (một giáo viên ở Hà Tĩnh) thông tin về vụ việc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Theo thông tin từ thầy Bùi Quang Huân - Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Cẩm Trung, từ thứ 2 ngày 19/9/2016, 2 lớp 7a1 và 7a2 đã dừng hẳn chương trình VNEN, chuyển sang học chương trình truyền thống.
Năm học 2015 - 2016, trường Trung học Cơ sở Cẩm Trung có 2 lớp 6a1 và 6a2 gồm 76 học sinh triển khai theo chương trình mô hình trường học mới VNEN.
Đây là hai lớp chọn, chất lượng học tập của học sinh tương đối khá; tuy nhiên, sau một năm học theo chương trình VNEN, chất lượng học tập của 2 lớp này sa sút hẳn.
“Vào đầu năm học mới 2016 - 2017, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng cho tất cả học sinh.
Khối 6 có 8 lớp, nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là 2 lớp 7a1 và 7a2 là lớp chọn, chất lượng khá, nhưng kết quả không bằng các lớp bình thường khác, thậm chí có những môn học quá sút kém như Anh văn”, ông Trần Đình Chiến (Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh) cho biết.
Ông Trần Đình Chiến (Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh) trao đổi với tác giả.
Cụ thể ở môn Ngữ văn, chỉ có 4 em đạt kết quả điểm 8 trở lên; đó là em Trịnh Long Vũ, Nguyễn Thị Diệu Thư, Phạm Quỳnh Giao, Lê Thị Thúy Hà, trong lúc đó có đến 6 em có kết quả dưới 3,5.
Về môn Toán, lớp 7a2 có 37 em tham gia khảo sát, thì có đến 8 em dưới điểm trung bình, thậm chí có em chỉ đạt 2 điểm.
Môn Tiếng Anh 74/ 76 em tham gia khảo sát có đến 52 em thiếu điểm, trong đó có đến 40 em từ 3 điểm trở xuống, thậm chí có em 0 điểm.
Chỉ ra nguyên nhân chất lượng học tập sút kém của 76 học sinh 2 lớp học chương trình trường học mới VNEN, ông Chiến cho rằng:
“Có nhiều nguyên nhân. Mô hình triển khai quá nóng vội, khi nhà trường chưa kịp triển khai các điều kiện để đáp ứng, ví như cơ sở vật chất, hoặc các giáo viên chưa được tập huấn chương trình mới một cách nhuần nhuyễn.
Còn con em của chúng tôi, chỉ được một bộ phận, còn phần đông học theo mô hình này thiếu tập trung, khả năng làm bài tập yếu hơn.
Kết quả khảo sát chất lượng đầu năm là minh chứng cho chương trình VNEN không tiên tiến như người ta quảng cáo”.
Thầy Nguyễn Giang N. (giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên) xác nhận:
“Năm 2015 - 2016, tôi được phân công giảng dạy bộ môn Khoa học tự nhiên theo chương trình trường học mới VNEN, tuy nhiên tôi chỉ đi tập huấn được 1 lần và 1 lần đến tham quan trường Cẩm Quan.
Mặt khác, do trường không nằm trong dự án thí điểm, nên không được hưởng lợi từ dự án.
Mọi kinh phí từ đi tham quan, tập huấn, mua sắm trang thiết bị hay tài liệu tham khảo đều do nhà trường hoặc tự giáo viên lo, nên bất cập khi thực hiện chương trình là điều không thể tránh khỏi”.
Tuy nhiên, quyết định tiếp tục hay dừng hẳn chương trình VNEN không thuộc thẩm quyền của Ban giám hiệu; cho nên 2 tuần đầu của năm học, nhà trường vẫn triển khai dạy theo chương trình VNEN.
Dạy theo chương trình VNEN, nơm nớp lo phụ huynh phản ứng, mà dạy theo chương trình truyền thống lại nơm nớp lo cấp trên phê bình; thành thử Ban giám hiệu “tiến thoái lưỡng nan”.
Nhưng với áp lực của phụ huynh, Hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh và được sự đồng thuận của cấp trên cho dừng hẳn dạy chương trình VNEN tại 2 lớp 7a1 và 7a2.
Sáng ngày 20/09/2016, chúng tôi tiếp xúc với lãnh đạo, đại diện phụ huynh, một số giáo viên dạy chương trình VNEN và học sinh 2 lớp học VNEN.
Tại lớp 7a1 có 100% học sinh giơ tay biểu quyết thích học chương trình hiện hành, có 35/38 học sinh thích ngồi học theo bàn hàng ngang, không học theo nhóm.
Em Phạm Đình Nhật thẳng thắn:
“Ngồi theo hàng ngang ngước lên nhìn bảng, các bạn trong lớp học nghiêm túc, tập trung chú ý hơn, thầy cô giáo cũng dễ quản lý, theo dõi; còn học theo nhóm, các bạn ồn, không trật tự khi học, nên kết quả sa sút”.
Các em học sinh lớp 7a1 biểu quyết thích học chương trình truyền thống.
Còn em Trịnh Long Vũ xác nhận: “Lớp em mới chuyển sang học theo chương trình truyền thống từ thứ 2, mới được hai bữa, nhưng không khí học tập khác hẳn”.
Em Lê Thị Trúc nguyên là Trưởng ban đối ngoại của lớp 6a1 hầu như đã quên hẳn lời giới thiệu về lớp mình được “mớm” sẵn, điều mà em thích thú là được nghĩ, được nói bằng ý nghĩ và lời nói chính mình.
Còn phụ huynh học sinh như trút được nỗi lo lắng:
“Làm cha mẹ, con học sút ai không lo; nếu không dừng lại thì ba năm sau, làm sao con chúng tôi có kiến thức thi vào lớp 10 Trung học Phổ thông.
Cho nên chúng tôi cảm ơn thầy Hiệu trưởng, cảm ơn lãnh đạo lắng nghe ý kiến phụ huynh học sinh, lắng nghe sự thật, chứ không đối phó, không chạy theo thành tích, vì chất lượng thật của con em chúng tôi”, ông Trần Đình Chiến (Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh) cởi mở.
Tác giả bài viết: Lê Văn Vỵ