Giáo dục

Cấm dạy thêm liệu có vi hiến

Sau rất nhiều tranh luận về vấn nạn dạy thêm, học thêm, độc giả tên Thanh ở TP HCM tiếp tục có bài chia sẻ, trong đó nhấn mạnh lệnh cấm dạy thêm trong trường không vi hiến mà chỉ lặp lại chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để thực hiện lời hứa là tạo diễn đàn tranh luận về vấn nạn dạy thêm học thêm, tôi xin trả lời một số ý kiến phản biện tiêu biểu như sau:

Lệnh cấm dạy thêm của Bí thư TP HCM là vi hiến, là áp đặt và đã tước đi quyền tự do hành nghề của giáo viên? Quý vị nói lệnh cấm là vi hiến thì hãy chỉ cụ thể lệnh cấm đã vi phạm điều khoản nào trong hiến pháp chứ không thể nói khơi khơi như vậy được. Lệnh cấm của Bí thư Thăng không phải là điều mới, chỉ là lặp lại lệnh cấm dạy thêm học thêm trước đây của Bộ Giáo dục mà thôi, chỉ có khác là lần này Bí thư Thăng làm thật quyết liệt.

Các cơ quan Nhà nước trước khi ban hành một văn bản pháp luật hay lệnh cấm nào đó sẽ phải đối chiếu kỹ lưỡng xem có trái với hiến pháp và luật pháp hiện hành hay không rồi mới ban hành. Nhưng bao nhiêu đó chưa đủ đâu, Bộ Tư pháp có một bộ phận chuyên kiểm tra xem các văn bản pháp luật ban hành ở Việt Nam có trái với hiến pháp và luật hiện hành hay không, nếu trái thì Bộ Tư pháp sẽ tuýt còi và yêu cầu cơ quan ban hành văn bản hay lệnh cấm đó phải thu hồi. Cho đến nay chưa có ai ở Bộ Tư pháp nói rằng lệnh cấm dạy thêm của Bộ Giáo dục và Bí thư Thăng là trái pháp luật.

Còn chuyện tước đi quyền tự do hành nghề thì không có. Bí thư Thăng chỉ cấm tự tổ chức dạy thêm tại nhà và yêu cầu giáo viên muốn dạy thêm tăng thu nhập thì hãy đến các trung tâm dạy thêm chuyên nghiệp mà đăng ký. Quý vị đừng có nhập nhằng chuyện này nữa. Nhà nước biết rằng vẫn có những giáo viên chân chính, dạy thêm là để phục vụ, sau đó mới là kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống chứ không phải chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền như các giáo viên dạy thêm tiêu cực. Nhà nước biết rằng vẫn còn đó những giáo viên chân chính và tâm huyết với nghề, nhưng Nhà nước không thể làm ra 2 bộ luật trong đó một bộ luật để quản lý việc dạy thêm của giáo viên chân chính và một bộ luật để quản lý việc dạy thêm của các giáo viên tiêu cực chỉ chăm chăm kiếm tiền.

Về việc đổ lỗi vì phụ huynh đòi hỏi con phải là học sinh giỏi nên giáo viên phải bày ra học thêm và chấm điểm cao dẫn đến lạm phát học sinh giỏi, tôi xin trả lời mong muốn con mình học giỏi là tự nhiên của tất cả phụ huynh và chẳng có gì sai cả. Quý vị có mong muốn con mình học giỏi và thi đậu vào cáctrường danh giá như Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong không? Quý vị đổ lỗi vì bị áp lực của phụ huynh mà tiêu cực, chấm điểm không trung thực thì nghe cũng buồn cười giống như các nhà sản xuất thực phẩm bẩn đổ lỗi vì người tiêu dùng muốn mua thực phẩm ngon giá rẻ nên họ phải sử dụng hóa chất độc hại tăng năng suất, hạ giá thành để đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng.

Nhiều độc giả đổ lỗi cho Bộ Giáo dục vì giáo trình quá nặng không thể chuyển tải hết trong một tiết 45 phút và áp đặt thành tích quá cao làm giáo viên bị áp lực nặng nề dẫn đến dạy thêm, học thêm.

Tôi không có cơ sở để khẳng định Bộ Giáo dục sai và cũng không có cơ sở khẳng định Bộ Giáo dục đúng mặc dù tôi cũng có đọc nhiều bài báo nói về sự bất cập của nền giáo dục của Việt Nam. Nếu tôi có khẳng định điều gì liên quan đến Bộ Giáo dục hay bất cứ ai thì tôi phải có trách nhiệm chứng minh cho sự khẳng định của mình. Nhưng khi quý vị đổ lỗi cho Bộ Giáo dục thì tôi có cơ sở chắc chắn và rõ ràng để bác lập luận của quý vị.

Này nhé tỷ lệ học sinh giỏi rất cao, như lớp con tôi 45 em thì 44 là giỏi, chuyện này rất phổ biến không phải là cá biệt đâu. Chứng tỏ giáo trình Bộ Giáo dục là vừa sức học sinh và học sinh đã tiếp thu tốt kiến thức. Rồi quý vị tìm hiểu kết quả đánh giá năng lực và thành tích của giáo viên xem. Ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và dạy giỏi cả. Như vậy nói rằng Bộ Giáo dục áp đặt thành tích gây ra áp lực nặng nề cho giáo viên là không đúng, quý vị vẫn hoàn thành tốt và được đánh giá là dạy giỏi đấy chứ. Một lớp sĩ số 45 mà hết 44 là giỏi thì chắc chắn là giáo viên dạy giỏi rồi. Vì sao tỷ lệ học sinh giỏi cao bất thường và giáo viên toàn là dạy giỏi thì tôi đã phân tích cặn kẽ trong bài “giáo viên đã lạm quyền khi dạy thêm’’ quý vị chịu khó đọc kỹ lại.

3 chủ thể của nền giáo dục là học sinh, giáo viên và Bộ Giáo dục đang ở trong vòng lẩn quẩn không lối thoát và cho dù có bất cứ điều gì xảy ra thì người luôn luôn gánh chịu hậu quả là học sinh. Các bậc phụ huynh phải nai lưng ra làm để đóng tiền học thêm cho con. Rất nhiều phụ huynh không có khả năng đóng học phí chính khóa chứ nói chi đóng tiền học thêm. Cuộc tranh cãi giữa giáo viên và Bộ Giáo dục là cuộc tranh cãi theo kiểu "con gà có trước hay cái trứng có trước’’. Các cuộc tranh cãi kiểu này chắc chắn sẽ không bao giờ có hồi kết.

Con tôi học ở một trường khang trang, sạch đẹp ở quận nội thành có khoảng 1.000 học sinh. Khu vực dân cư xung quanh rất khá giả cho nên tôi cứ đinh ninh rằng khả năng tài chính của phụ huynh chắc từ trung bình trở lên, cho nên tôi rất sửng sốt khi nghe thầy hiệu phó nói rằng tháng nào cũng có khoảng 200 học sinh nợ học phí thầy phải đi đôn đốc thu rất khổ sở. Như lớp con tôi chỉ còn 3 ngày hết hạn là cô giáo đã nhắc nhở rồi.

Có lần tôi quên đóng học phí nhưng vẫn còn trong hạn thế là cô giáo gặp con tôi dặn là về kêu ba mẹ đóng học phí, cô giáo cũng nói nhẹ nhàng thôi chứ không ầm ĩ gì. Quý vị giáo viên nào xem chuyện học sinh phải đi học thêm là chuyện đương nhiên thì hãy nghĩ đến những phụ huynh nghèo. Mặc dù học phí học thêm chỉ 400k thì cũng chưa chắc họ đã có. 200 em nợ học phí trên tổng số 1.000 em thì tỷ lệ phụ huynh nghèo không phải là nhỏ. Đi vay nợ thì không phải lúc nào cũng vay được.

Một số độc giả nói không phải là giáo viên thì biết gì mà nói về công việc của giáo viên, tôi xin giải thích việc dạy học ở trường công, trường tư thục hay dạy thêm thực chất là việc mua bán một loại dịch vụ gọi là dịch vụ giáo dục, các văn bản pháp luật cũng định nghĩa như thế. Nếu con tôi học trường công thì người cung cấp dịch vụ là Nhà nước, người thay mặt Nhà nước thực hiện dịch vụ là giáo viên, người sử dụng dịch vụ là học sinh, người đứng ra trả tiền mua dịch vụ là phụ huynh. Tương tự như vậy cho trường tư thục và người cung cấp dịch vụ giáo dục là người chủ của trường tư thục. Trong trường hợp giáo viên dạy thêm thì giáo viên là người trực tiếp bán dịch vụ giáo dục và phụ huynh là người trực tiếp mua. Khi các bậc phụ huynh mua một món hàng thì có quyền xem xét chất lượng có tốt không, giá cả có phù hợp không rồi mới mua.

Nếu như mua về mà món hàng kém chất lượng, hư hỏng thì người bán sẽ sửa chữa miễn phí, hoặc một đổi một và trong một số trường hợp thì bạn có thể trả hàng và đòi lại tiền. Nhưng dịch vụ giáo dục thì bạn phải luôn luôn trả tiền trước mà không biết chất lượng của nó ra sau và không trường nào cho học sinh học xong rồi mới đóng học phí cả. Và học phí thì không có trả giá nhé, chỉ có chấp nhận thì đóng thôi. Nếu như sau khi con bạn học xong, thấy chất lượng dịch vụ giáo dục kém, bạn có thể phản ảnh với nhà trường nhưng chắc chắn là phụ huynh sẽ không bao giờ đòi lại được học phí. Trường công lập vì uy tín của ngành giáo dục sẽ lắng nghe và cải thiện, trường tư thục vì uy tín thương hiệu cũng sẽ lắng nghe, giáo viên chân chính dạy thêm cũng sẽ tiếp thu phản ảnh của bạn. Còn giáo viên ép học sinh học thêm thì bạn hãy quên đi chuyện viển vông này đi nhé.

Với giáo viên chân chính thì ưu tiên ban đầu của họ là phục vụ kế tiếp mới là kiếm tiền. Giáo viên tiêu cực thì chỉ chăm chăm vô việc kiếm tiền. Bản chất dạy thêm là một hoạt động kinh doanh, việc giáo viên kinh doanh dạy thêm để kiếm tiền là không sai xét cả mặt đạo đức và luật pháp. Nhà nước khuyến khích, bảo vệ và tạo điều kiện để giáo viên phát triển kinh doanh dạy thêm. Nhưng quyền lợi luôn đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ.

Khi giáo viên tiêu cực dạy thêm thì họ không quan tâm gì đến chất lượng dịch vụ giáo dục của họ cả vì họ chỉ chăm chăm kiếm tiền và thu nhập của thường là hơn 9 triệu/tháng nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đóng thuế thu nhập cá nhân cả. Nhưng nếu họ dạy thêm ở trung tâm thì họ không thể trốn thuế được. Phụ huynh là người trả tiền mua dịch vụ của giáo viên nhưng dịch vụ của họ kém cỏi, họ làm ăn tiêu cực thì lại không cho phụ huynh được ý kiến, nhận xét với lập luận “không phải là giáo viên thì biết gì mà nói về công việc của giáo viên’’. Vậy thì trách nhiệm của họ ở đâu? Ai là người có quyền nói, có quyền giám sát họ? Chẳng lẽ họ muốn làm gì thì làm sao?

Để kết thúc phần trả lời các ý kiến phản biện, tôi có vài suy nghĩ chia sẻ với cộng đồng độc giả như sau:

Sự tiêu cực, biến tường trong chuyện dạy thêm và học thêm đã làm mất sự công bằng giữa các giáo viên. Giáo viên chân chính dạy thật, chấm điểm trung thực thì trong sĩ số 50 sẽ chỉ có khoảng 10 em giỏi còn lại là khá và trung bình. Giáo viên tiêu cực dạy qua loa, cho học tủ, chấm điểm cao vô tư thì sẽ có 49/50 em là giỏi. Nhìn vào kết quả đó Nhà nước sẽ đánh giá giáo viên tiêu cực là dạy giỏi hơn giáo viên chân chính. Giáo viên chân chính sẽ bị cắt thưởng, cắt thi đua thậm chí cắt hợp đồng. Sau một thời gian thì giáo viên tiêu cực được Nhà nước thăng chức và trở thành sếp của giáo viên chân chính.

Bình luận của độc giả là một phần quan trọng của bài viết, nhiều bình luận, chia sẻ rất chân thực, hài hước và thâm thúy. Bình luận của độc giả sẽ bổ sung rất nhiều ý kiến giá trị cho bài viết. Đa phần các bình luận liên quan đến bài viết của tôi đều ủng hộ lệnh cấm của Bí thư Thăng và khi xem kỹ tác giả của bình luận ủng hộ lệnh cấm thì tôi thấy họ gồm: các em đang và đã trải qua vấn nạn dạy thêm; phụ huynh học sinh, giáo viên đang đi dạy học có thâm niên lâu năm, các giáo viên đã đi dạy và bây giờ là cán bộ quản lý ngành giáo dục, các bậc lão thành ngành giáo dục đã có thời gian dạy học trước 1975 và bậc lão thành dạy học từ thời kháng chiến trong rừng sâu trước thời điểm 1954 cho đến khi nước nhà thống nhất 1975. Nếu quý vị giáo viên nào bác bỏ ý kiến của bài viết với lập luận "không là giáo viên thì đừng nhận xét về giáo viên" thì chịu khó đọc các bình luận của độc giả để xem các giáo viên cùng nghề quý vị nhận xét như thế nào về vấn nạn dạy thêm nhé.

Tuổi thơ của trẻ đã bị tước đoạt. Học sinh tiểu học bây giờ luôn quay cuồng trong việc học. Sáng 6h30 là phải ra khỏi nhà, học 2 buổi xong, ăn vội và đi học tiếp buổi tối. Buổi tối học về vội vả tắm rửa ăn uống và lại ngồi vào học bài chuẩn bị cho ngày mai cho đến 11h khuya. Cứ thế 6 ngày liên tục chủ nhật mới nghỉ. Người lớn như chúng ta đây cũng không thể chịu nỗi lịch học dày đặc như thế.

Bản chất sự khác nhau giữa tự tổ chức dạy thêm tại nhà và đăng ký dạy thêm ở các trung tâm

Giáo viên nếu đăng ký dạy thêm ở trung tâm thì sẽ bị quản lý chặt chẽ giờ giấc và chất lượng dạy học. Đi dạy đúng giờ và về đúng giờ, trong giờ dạy không được làm việc riêng. Dạy học phải hiệu quả, nếu kiểm tra giữa khóa, cuối khóa học sinh điểm kém, hoặc là bị học sinh và phụ huynh phản ảnh thì giáo viên có thể bị giảm lương, cắt hợp đồng. Cùng dạy một cấp lớp giáo viên nào dạy giỏi hơn thu hút được nhiều học sinh thì sẽ lãnh lương cao hơn. Tiền thu từ học phí học sinh sẽ được nhà trường trang trải tiền thuê mặt bằng, lương bộ phận quản lý, khấu hao bàn ghế máy móc, tiền điện nước điện thoại, văn phòng phẩm... Phần còn lại sau đó mới trả lương cho giáo viên, như vậy giáo viên sẽ chỉ nhận tối đa là 60% trên số tiền đóng học phí của học sinh.

Nếu như tổng tiền lương của giáo viên lớn hơn 9 triệu/tháng thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân chẳng thể trốn đi đâu được. Về phía phụ huynh và học sinh thì sẽ có nhiều chọn lựa hơn, có thể chọn trung tâm gần nhà tiện việc di chuyển, có thể chọn trung tâm có học phí phải chăng, có thể chọn trung tâm có uy tín hoặc nếu nghe nói trung tâm nào có nhiều giáo viên giỏi, tâm huyết thì cho con đến đó học…

Giáo viên nếu tự tổ chức dạy học thì sẽ hưởng trọn 100% học phí, không phải đóng thuế chỉ phải trả tiền điện nước, khấu hao bàn ghế. Không ai quản lý giờ giấc dạy trễ một chút, về sớm một chút chẳng ai dám phàn nàn. Trong giờ học trong khi học sinh đang giải bài thì có thể tranh thủ làm việc riêng. Chất lượng dạy, khối lượng dạy thì chẳng ai kiểm soát. Với các giáo viên có ý ép buộc học sinh học thêm mình thì học phí có cao mấy phụ huynh cũng phải cắn răng mà đóng thôi vì phụ huynh chẳng còn sự chọn lựa nào khác. Phụ huynh chỉ còn biết trông chờ vào lương tâm của giáo viên mà thôi.

Các bậc phụ huynh cứ thử đặt mình vào vị trí của giáo viên thì thích dạy theo kiểu nào, hãy tích cực cho nhận xét của mình trong phần bình luận nhé.

Để kết thúc bài viết tôi chân thành cảm ơn cộng đồng độc giả, tôi luôn đọc tất cả bình luận dù là ý kiến đồng ý hay phản biện. Tôi sẵng sàng dành thời gian để trả lời các ý kiến phản biện nhằm thuyết phục mọi người rằng lệnh cấm của Bí thư Thăng là đúng đắn và hợp thời. Cảm ơn và trân trọng kính chào.

Tác giả bài viết: Thanh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP