Chưa bàn đến tư tưởng, hay tình trạng có hay không chuyện ép đội này – bênh đội kia? – Chỉ nhìn vào phương pháp, khó chấp nhận cái sai của những trọng tài vừa nêu. Vòng 1, trọng tài Nguyễn Đức Vũ bảo rằng cho các cầu thủ thuộc CLB Hà Nội được hưởng quả phát bóng lên, nhưng động tác chỉ tay của ông thì chẳng khác nào chỉ vào chấm phạt đền.
Trên thế giới, tìm được trọng tài có động tác chỉ tay để tất cả những người có mặt trên sân (và những người theo dõi truyền hình nữa) hiểu lầm rằng ông bắt phạt đền, dù thực chất là ông ấy cho đội còn lại được hưởng quả phát bóng, như kiểu trọng tài Nguyễn Đức Vũ kể cũng hiếm.
Trọng tài Nguyễn Hiền Triết (thứ 2 từ trái sang) giơ biển báo bù giờ 2 lần ở hiệp 2 trận Long An - B.Bình Dương (ảnh: Duy Anh)
Trong khi đó, trọng tài Nguyễn Hiền Triết có thể sẽ nối gót trọng tài Nguyễn Đức Vũ nhận án phạt từ Ban trọng tài, cũng vì phương pháp giơ bảng báo bù giờ có một không hai.
Một trọng tài giơ bảng báo bù giờ đến 2 lần trong 1 hiệp trên bình diện bóng đá thế giới nghĩ cũng khó kiếm. Theo phân tích của dân chuyên môn trọng tài sau sự cố hy hữu trên, thường thì mỗi trận, trọng tài chỉ báo bù giờ 1 lần/hiệp.
Nếu trong thời gian trọng tài thứ 4 đã báo bù giờ, mà thời gian bóng ngoài cuộc vẫn vượt lố thời gian đã báo, thì trọng tài chính tự động cộng thêm thời gian, chứ chẳng ai đưa bảng báo bù giờ của... bù giờ cả.
Hành động đấy vừa thừa, vừa khiến người xem có cảm giác vị trọng tài giơ biển báo cố tình kéo dài trận đấu hơn mức cần thiết, hòng làm lợi hoặc gây bất lợi cho các đội tham gia trận đấu.
Thành ra, không lạ khi khán giả Long An phản ứng dữ dội tổ trọng tài. Riêng HLV Ngô Quang Sang của đội chủ nhà Long An thốt lên trong phòng họp báo, rằng ông không hiểu tại sao trọng tài Hiền Triết lại báo bù giờ đến 2 lần trong hiệp 2? – Bởi, trong sự nghiệp làm nghề của mình, HLV Ngô Quang Sang có lẽ chưa hề chứng kiến sự việc tương tự.
Điều đáng nói khác, cả 2 trọng tài sai phương pháp nặng ở 2 vòng đầu tiên tại V-League là các ông Nguyễn Đức Vũ và Nguyễn Hiền Triết đều là trọng tài FIFA, nói cho dễ hiểu thì đấy tạm gọi là những trọng tài tốt nhất của bóng đá Việt Nam bây giờ.
Và người xem có quyền thắc mắc tiếp, rằng trọng tài trong nhóm tốt nhất mà còn dính những lỗi như thế, không nắm vững phương pháp nghiệp vụ, trong những trận cầu chưa thể gọi là căng, thì phần còn lại như thế nào? Rồi đến giai đoạn căng thẳng hơn, trong những trận đấu căng thẳng hơn, sẽ ra sao?
Thành ra, với những nhà quản lý bóng đá, rõ ràng là không thể không xem lại công tác điều hành, tuyển chọn và bồi dưỡng trọng tài. Rằng công tác quản lý đội ngũ trọng tài hiện ra sao để nền bóng đá đang phải sử dụng những trọng tài yếu phương pháp như thế?
Rồi quy chuẩn tuyển chọn cũng như cho ra lò trọng tài hiện như thế nào, có đủ gắt gao hay không, để đến nỗi chúng ta hiện phải sử dụng không ít các trọng tài kém về mặt phương pháp như thế?
Tác giả bài viết: Kim Điền
Nguồn tin: