Cuộc sống

Cãi nhau tới mức tóe lửa, chị đùng đùng bế con ra đường ngoắc taxi, mặc anh níu lại

Chị kết tội anh xem chị như giặc trong nhà. Cãi nhau tới mức tóe lửa, chị đùng đùng bế con ra đường ngoắc taxi, mặc anh níu lại. Chị quyết định ly hôn với anh.

Tối muộn, cả nhà sắp đi ngủ, bỗng má nghe điện thoại reo. Là chị Hai gọi, nói đang đứng trước cửa nhà, nhờ má ra mở cửa. Má giật mình, lập cập chạy lấy chìa khóa, bụng bán tín bán nghi, không biết chị xảy ra chuyện gì.

Nhìn chị Hai mắt đỏ hoe, bé Nhím đang ngủ gục trên tay mẹ mà vẫn còn thút thít, má hỏi dồn: “Chuyện gì vậy con? Vợ chồng cãi nhau à?”. Nỗi hoang mang, uất ức của chị dồn bí từ nãy, giờ được khơi ra, chị òa khóc. Bé Nhím giật mình, níu mẹ, khóc ré theo. Má ngăn: “Thôi thôi, chuyện gì cũng đợi con nhỏ ngủ rồi tính”.

Chị kể, tối nay vợ chồng bàn chuyện sửa nhà. Anh nói phải sửa liền đầu năm, thiếu tiền thì mượn thêm nhà nội. Chị ngán số tiền vay mượn quá lớn, nên bàn vài năm nữa hẵng tính. Nói tới nói lui một hồi, anh mới thú nhận bấy lâu có dành dụm riêng, gửi bà nội giữ giùm một số kha khá. Chị nổi điên, kết tội anh xem chị như giặc trong nhà. Cãi nhau tới mức tóe lửa, chị đùng đùng bế con ra đường ngoắc taxi, mặc anh níu lại. “Chuyến này con ly hôn. Ảnh dám qua mặt con, giấu nhẹm tiền nong để tư túi riêng. Vợ chồng không tin tưởng nhau, còn sống chung sao được”.


Nghe hết câu chuyện, má thở ra: “Chỉ vậy thôi sao?”. Chị chưng hửng: “Chuyện tày trời mà má nói “chỉ vậy” là sao?”. Má ôn tồn: “Chẳng phải tụi con bây giờ cái gì cũng phòng xa hết sao? Trước khi kết hôn thì đi làm thủ tục công nhận tài sản riêng, thỏa thuận tiền bạc chi tiêu, biếu xén, đóng góp thế nào… Con “phòng bị” chồng như phòng giặc, nó lo thủ là phải. Mà, nó gửi má nó giữ giùm, rồi cũng đưa ra xây nhà ở chung với vợ con chớ có cho ai đâu”. Chị đang tức anh ách, nên lời của má làm sao lọt tai. Chị dằn dỗi: “Má không bênh con mà đi bênh người ngoài. Ngược ngạo gì đâu”.

Biết tính con gái, má không can nữa, nhưng rầy qua chuyện khác. Vợ chồng sống với nhau đã mấy năm, trẻ người non dạ gì mà giận chồng là bỏ nhà đi. Phận đàn bà, đi thì dễ, về mới là chuyện khó. Má kể hồi xưa má giận ba, xách túi về nhà ngoại. Ông bà ngoại xanh mặt, phải quấy gì cũng phải sắm khay trầu rượu dắt má qua tạ lỗi với sui gia, cho con gái được vô nhà. Sau lần đó, má tởn tới già.

Đêm đầu tiên ở nhà má, chị bừng bừng khí thế tuyên bố mạnh miệng vậy thôi. Đêm thứ hai, dũng khí tụt xuống như chứng khoán rớt sàn. Đến đêm thứ ba, chị bắt đầu hoang mang, lo sợ vu vơ, băn khoăn khi nghĩ đến những ngày tháng dịu vợi sau này… Trằn trọc trở tới trở lui, chị biết má nói không sai. Lúc cần thiết, chồng thú nhận có quỹ đen, nghĩa là không phải rắp tâm giấu biệt. Chị nên tha thứ cho chồng mới phải. Mà, mắc dịch mắc gió gì, tới giờ này chả không qua rước mình, cũng không điện thoại xin lỗi. Kiểu này, chị muốn về nhà cũng không biết làm sao!

Chị muốn về nhà, bé Nhím còn đòi về quyết liệt hơn. Đêm, nó ỉ ôi đòi cái gối con vịt quen thuộc, đòi mẹ kể chuyện công chúa tóc mây, mà phải kể hay y chang ba nó, đòi chiếc bàn chải đánh răng mềm mại như bàn chải ở nhà… Chị đang rối bời, nghe con mè nheo, chị quát ầm ầm. Con bé khóc inh. Má cười cười, hỏi dò: “Muốn về nhà mà không biết cách nào về hả con? Má nói rồi, tại con không chịu nghe”. Chị im lặng.

Sáng hôm sau, chị đang ngồi ủ rũ thì nghe Nhím reo: “A, ba tới rồi. Chở con với mẹ về đi ba”. Chị nhìn ra, thấy chồng hai mắt thâm quầng, râu tua tủa. Chắc mấy hôm rày chồng cũng mất ngủ vì vợ con vắng nhà. Nước mắt chị nghèn nghẹn dâng lên, giận hờn dường như rơi đâu mất.

Giận thì đã nguôi, nhưng chị vẫn cố giữ thái độ khiêu chiến, chờ anh xuống nước. Anh đến trước má, lí nhí: “Con xin lỗi má, cho con rước vợ con về”. Quay sang chị, anh nhẹ giọng: “Về nhà đi em. Anh biết lỗi rồi”. Biết chị khó mở lời, má liền lên tiếng: “Vô dọn đồ về đi con, má không nuôi nữa đâu”. Nhờ câu đùa của má, không khí mới dịu lại. Bé Nhím lăng xăng kéo lê chiếc túi xách chạy ra chào bà ngoại rồi kéo mẹ ra xe.

Tác giả bài viết: Thùy Gương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP