Thế giới

Cái giá Trung Quốc phải trả khi hiện đại hóa không quân

Việc tăng khí tài, quân số, nhiệm vụ sẽ khiến không quân Trung Quốc chịu tai nạn nhiều hơn, nhưng cũng giúp họ cải thiện năng lực tác chiến.

Hiện trường vận tải cơ Trung Quốc gặp nạn ở Quý Châu. Ảnh: SCMP.

Vụ máy bay vận tải quân sự của không quân Trung Quốc (PLAAF) rơi trong khi huấn luyện tháng trước ở Quý Châu đã đặt ra câu hỏi về khả năng thực sự của lực lượng được coi là mũi nhọn này trong quá trình hiện đại hóa quân đội mạnh mẽ do Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy, theo StraitsTimes.

Một nguồn tin tiết lộ với tờ SCMP rằng vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 12 quân nhân này đã giáng một đòn rất mạnh vào tinh thần, sĩ khí của các thành viên PLAAF, bởi nó xảy ra chỉ vài tuần sau khi một tiêm kích hạm J-15 đâm xuống đất.

"Chúng tôi phải thừa nhận rằng ở Trung Quốc đang có một khoảng trống chết người giữa việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của không quân và quá trình phát triển máy bay thiếu hoàn thiện", nguồn tin nói.

Dù thiết kế cũng như động cơ của các loại tiêm kích, máy bay vận tải còn nhiều khiếm khuyết, các phi công Trung Quốc vẫn buộc phải lên máy bay "bởi họ gánh vác nhiệm vụ chính trị xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao", nguồn tin này giải thích.

Đây là trường hợp mới nhất trong ít nhất 7 vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay quân sự Trung Quốc trong hai năm qua, trong đó có vụ đâm máy bay hồi tháng 11/2017 khiến Yu Xu, một trong những nữ phi công quân sự đầu tiên của Trung Quốc, thiệt mạng.

Các chuyên gia quân sự cho rằng những vụ tai nạn này là cái giá mà không quân Trung Quốc phải trả trong quá trình hiện đại hóa cả về trang bị và con người. Thay vì bị suy giảm năng lực, PLAAF sẽ rút ra được những bài học quý giá để cải thiện sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu sau mỗi lần máy bay gặp nạn.

Vấn đề công nghệ và tham nhũng

Chương trình hiện đại hóa không quân của Trung Quốc gặp không ít thách thức, nhất là khi hầu hết các máy bay quân sự trong biên chế của họ hiện nay chỉ là các mẫu sao chép từ thiết kế nước ngoài.

Chẳng hạn như tiêm kích hạm J-15 được coi là bản nhái được Trung Quốc thiết kế, chế tạo dựa trên tiêm kích Su-33 của Nga. Tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 có hình dáng gần giống F-22 và F-35 của Mỹ, khiến các nghị sĩ Washington cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp thiết kế của nước này.

Dù sao chép được thiết kế và các trang thiết bị kỹ thuật của máy bay nước ngoài, Trung Quốc vẫn đang vật lộn với việc chế tạo động cơ công nghệ cao, vốn đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác cao và những kiến thức chuyên sâu về khoa học vật liệu, điều mà Trung Quốc đang thiếu, theo các nhà phân tích.

Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Việc PLAAF tiếp tục sử dụng những chiếc máy bay đời cũ, chẳng hạn như Tu-154 có từ thập niên 1990 để làm phi cơ do thám chủ chốt hoạt động tầm xa trên biển cho thấy Trung Quốc vẫn còn thiếu tự tin để triển khai các mẫu máy bay mới thực hiện các nhiệm vụ xa bờ, theo chuyên gia Wu Shang-Su thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam.

Một thách thức khác đối với PLAAF là tình trạng tham nhũng tràn lan trước đây ảnh hưởng đến chất lượng của các chương trình chế tạo chiến đấu cơ.

Thượng tướng Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, từng là người phụ trách cơ quan nghiên cứu và phát triển của quân đội nước này. Arthur Ding, chuyên gia tại Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cấp cao Trung Quốc tại Đài Loan cho biết có nhiều báo cáo cho thấy tướng Quách đã nhận "những khoản hối lộ khổng lồ" từ ngành công nghiệp quốc phòng. Quách Bá Hùng bị kết án chung thân năm 2016 với tội danh nhận hối lộ và tham nhũng.

"Nếu các báo cáo này là đúng, công nghệ và chất lượng của những khí tài như chiến đấu cơ có thể không đáp ứng yêu cầu của quân đội và điều này phần nào lý giải tỷ lệ tai nạn của không quân cao đến vậy", Ding nói.

Nhiệm vụ nhiều, rủi ro lớn

Theo các chuyên gia, công nghệ yếu kém và tham nhũng không phải là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vụ tai nạn liên tiếp của không quân Trung Quốc. Lý do cơ bản là PLAAF đang được giao thực hiện ngày càng nhiều nhiệm vụ với nhiều hình thức đa dạng hơn, bên cạnh việc gia tăng đáng kể khí tài và quân số.

Từ năm ngoái, không quân Trung Quốc bắt đầu thực hiện các chuyến tuần tra xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của cả chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và trinh sát cơ. Quân đội Trung Quốc khẳng định hoạt động tuần tra quy mô lớn này giờ đây đã trở thành "điều bình thường mới".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đưa tin Bắc Kinh đã thường xuyên triển khai các loại chiến đấu cơ xuống Biển Đông, trong đó có tiêm kích Su-35 vừa mua của Nga và tiêm kích tàng hình J-20 vừa được đưa vào sẵn sàng chiến đấu.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều với tầm hoạt động ngày càng xa, Trung Quốc đã tăng cường đáng kể khí tài cho không quân. Đến nay, PLAAF đã có trong biên chế hơn 700 tiêm kích thế hệ 4, so với chỉ 24 chiếc năm 1996, theo báo cáo của RAND. Quân đội Trung Quốc có tổng cộng gần 3.000 máy bay các loại, bằng số máy bay của cả Nhật và Hàn Quốc gộp lại, theo số liệu của Global FirePower.

Tiêm kích J-15 Trung Quốc hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Xinhua.

"Thêm máy bay, thêm quân số, thêm nhiệm vụ, huấn luyện nhiều hơn và đòi hỏi cao hơn, đây đều là những yếu tố có thể dẫn đến tỷ lệ tai nạn tăng cao", Jon Grevatt, chuyên gia phân tích quốc phòng của tạp chí IHS Janes, nhận định. "Một trong những hệ quả của việc gia tăng các nhân tố này là tai nạn nhiều hơn, nhưng đây là thực tế mà tất cả quân đội trên thế giới đều gặp phải".

Chuyên gia Ding nhận định rằng tỷ lệ tai nạn cao của PLAAF trong thời gian ngắn cho thấy nỗ lực của ông Tập nhằm thúc ép quân đội Trung Quốc thay đổi văn hóa của mình đã có kết quả. Kể từ khi nhậm chức, ông Tập đã tìm cách biến quân đội nước này thành một đội quân hiện đại "có khả năng chiến đấu và chiến thắng" trong một cuộc xung đột thế kỷ 21.

Theo ông Ding, trước đây, các chỉ huy không quân Trung Quốc thường tiến hành các cuộc diễn tập, tập trận đã được lên kịch bản kỹ càng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn chết người, bởi số vụ tai nạn như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thăng tiến của họ. Tuy nhiên, văn hóa này đã thay đổi dưới thời ông Tập, khi các cuộc diễn tập ngày nay phức tạp hơn, sát thực tế chiến đấu hơn, có sự tham gia của nhiều lực lượng hơn.

Trong tháng trước, Trung Quốc đã tiến hành một loạt hoạt động huấn luyện với sự tham gia của nhiều loại khí tài không quân, từ tiêm kích tàng hình J-20 mới biên chế cho tới oanh tạc cơ H-6K và máy bay vận tải Y-20.

"Tôi có cảm giác rằng ông Tập đã khuyến khích các tướng lĩnh chấp nhận thực tế rằng việc huấn luyện gắt gao sẽ dễ xảy ra tai nạn hơn và sự thay đổi tư duy này mang lại kết quả tích cực cho quân đội", Ding nói.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nước trong khu vực sắp phải đối phó với lực lượng không quân Trung Quốc tinh nhuệ hơn trong những năm tới, với những máy bay hoạt động ngày càng xa biên giới nước này hơn. "Đây chắc chắn không phải là tin tốt với các láng giềng của Trung Quốc, bởi về dài hạn, điều đó có nghĩa là khả năng tác chiến và năng lực chiến đấu thực tế của Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể", chuyên gia này nhận định.

Tác giả: Trí Dũng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP