"Mối đe dọa từ Nga là có thực và đang gia tăng nên chúng ta phải thể hiện quyết tâm phòng thủ" - Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen tuyên bố.
Theo Reuters, đến năm 2023, chi tiêu quân sự của Đan Mạch sẽ cao hơn 20% so với mức hiện nay. Riêng với năm 2018, quốc hội Đan Mạch đã phê chuẩn khoản chi tiêu quân sự 22 tỉ crown.
Ngoài ra, theo thỏa thuận đề xuất hồi tháng 10-2017, quốc gia thành viên NATO này sẽ thành lập một lữ đoàn gồm 4.000 quân tập trung vào khu vực biển Baltic. Năm 2016, Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M và hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến Kaliningrad, phần lãnh thổ nằm giữa Ba Lan và Lithuania dọc theo bờ biển Baltic.
Đan Mạch gia tăng chi tiêu quân sự để đối phó với Nga Ảnh: AP |
Còn tại Phần Lan, bóng dáng nước Nga cũng ít nhiều hiện hữu trong kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 28-1. Đương kim Tổng thống Sauli Niinisto, 69 tuổi, đã tái đắc cử ngay tại vòng 1 với 62,7% phiếu bầu. Theo Reuters, kết quả này cho thấy cử tri ủng hộ lập trường của ông Niinisto trong việc cân bằng quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và NATO.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Niinisto đã nỗ lực duy trì quan hệ với Moscow, bất chấp Phần Lan ủng hộ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga và các vị đồng cấp ở khu vực Baltic thường xuyên lên tiếng chống lại Moscow.
"Khi quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đang căng thẳng, người dân cảm thấy hài lòng vì ông Niinisto có thể duy trì cuộc đối thoại thực tế và thiết thực với Nga" - ông Markku Jokisipila, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc hội thuộc Trường ĐH Turku (Phần Lan), nhận định.
Trong một diễn biến lạc quan khác trong quan hệ giữa Moscow với NATO và EU, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga và Ba Lan - quốc gia thành viên của cả 2 tổ chức này - đã tăng lên 25% trong năm 2017. Riêng xuất khẩu của Nga sang Ba Lan đạt gần 11 tỉ USD, theo đại diện Thương mại Nga tại Ba Lan Vladimir Nephedov.
Tác giả: Lục San
Nguồn tin: Báo Người lao động