Khi rơi vào tình huống nguy hiểm, tài xế cần bình tĩnh và nắm rõ những kỹ năng sống sót dưới đây. Độc giả click vào từng trường hợp để xem hướng dẫn.
Mất phanh
Đây là tình huống nguy hiểm vì nếu không bình tĩnh tài xế có thể khiến xe đâm vào xe khác hoặc vách núi. Đầu tiên, điều quan trọng nhất là tài xế phải giữ bình tĩnh để có thể nghĩ ra cách đối phó.
Giảm tốc bằng cách nhả chân ga, thử chân phanh bằng cách đạp nhả liên tục một vài lần, có thể phục hồi phanh do hệ thống dầu mất áp suất hoặc bó cứng.
Nếu thử chân phanh không hiệu quả, lập tức chuyển sang phanh động cơ kết hợp phanh tay. Phanh động cơ tức dùng số, lần lượt chuyển về các số thấp hơn. Với xe số tự động, chuyển cần số về D3, rồi D2, D1 tương ứng để động cơ hãm xe lại từ từ. Trên một số xe có thể là chế độ số tay M (+,-) hoặc số thể thao S (+,-), với kiểu ký hiệu này thì chuyển về (-) đến số thấp.
Bên cạnh đưa cần số về số thấp, tài xế kéo từ từ phanh tay để cảm nhận độ bám. Không giật mạnh phanh tay bởi xe đang chạy nhanh, mà phanh tay chỉ tác dụng vào hai phanh sau, có thể khiến xe khóa bánh, mất lái. Nếu sau khi kéo phanh tay mà xe có cảm giác trượt, mất lái, lập tức hạ phanh tay để lấy lái.
Tài xế không được tắt máy vì như thế sẽ mất hết những trợ lực, tăng quán tính xe trôi càng nhanh. Cuối cùng nếu đường quá dốc hoặc đông, hãy tìm vật cản đâm vào, vật cản mềm như bụi cây càng tốt để giảm chấn thương.
Kẹt ga
Kẹt ga thậm chí còn phức tạp hơn trường hợp mất phanh vì xe không từ từ giảm tốc mà ngày càng tăng. Đạp phanh thế nào cũng mất tác dụng. Vậy trong trường hợp này phải làm gì?
Trước tiên phải đạp thật mạnh chân phanh và giữ lực đều, không nhấp nhả đạp thốc nhiều lần có thể mất trợ lực của phanh.
Sau đó, nếu là số sàn hãy đạp lút côn để cắt truyền động, xe sẽ chạy theo quán tính. Về N, giữ đều phanh, cẩn thận cho xe đỗ vào lề, gọi cứu hộ.
Với xe số tự động thì về N ngay vì không cần đạp côn. Sau đó cũng đỗ sát lề đường và gọi cứu hộ.
Nổ lốp
Hãy giữ bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau. Đầu tiên đạp lút chân ga khoảng một vài giây (áp dụng cho xe chạy tốc độ không quá cao), việc này giúp xe có thể chạy thẳng mà không bị chuyển hướng.
Sau đó nhẹ nhàng từ từ thả chân ga để duy trì tốc độ. Quan trọng nhất phải giữ xe đi đúng làn đường, tránh xa chân phanh. Từ từ giảm tốc độ xuống mức an toàn và đánh lái vào sát lề đường để sửa chữa hoặc chờ cứu hộ.
Mất lái khi vào cua
Khi vào cua, mất bám bánh trước hoặc bánh sau đều khiến xe không đi đúng quỹ đạo và có thể gây tai nạn. Mất bám bánh trước (understeering) khiến xe chạy thẳng ra lề đường chứ không vào đúng cua. Ngược lại, mất bám bánh sau (oversteering) khiến xe quăng đuôi.
Understeering
Tình huống này nếu bình tĩnh thì xử lý khá đơn giản. Đầu tiên giảm tốc bằng cách bỏ chân ga chứ không đạp phanh dúi dụi. Bởi lẽ, khi đạp phanh gấp sẽ khiến bánh xe bị bó, càng khiến lốp trượt, mất độ bám trên đường. Ở những xe có ABS, tài xế có thể áp dụng phanh, nhưng chỉ là đạp nhẹ, chứ không đạp lút. Khi đạp nhẹ phanh, hệ thống ABS nhận biết trượt bánh kích hoạt để nhấp nhả phanh liên tục, áp dụng lực phanh lên bánh sau nhiều hơn giúp xe giảm tốc và bánh trước không bị trượt.
Trả lái đôi chút về hướng thẳng hoặc gần thẳng, giúp chiều lăn và trượt của lốp gần trùng nhau, nhờ đó lấy lại độ bám đường của lốp nhanh hơn.
Sau khi xe đã giảm tốc và nhận thấy độ bám đường phù hợp đã trở lại, tài xế đánh lái theo hướng vào cua để xe tiếp tục hành trình.
Oversteering
Khi đã xảy ra hiện tượng này, xe có xu hướng quay tròn, lúc này có giảm tốc cũng không thể đưa xe trở lại quỹ đạo.
Điều cần làm, không phải cố chống lại, mà phải xoay theo sự cố. Việc cần làm khi đó là không được nhìn theo hướng xe đang xoay, mà phải nhìn theo hướng muốn tới.
Khi đã xác định được hướng muốn tới, đánh lái ngược về phía hướng đó để chống lại hiện tượng xoay tròn của xe. Thực chất, hiện tượng này giống như việc các tay đua drift qua khúc cua. Để lấy lại độ bám cho bánh sau, có thể đạp mớm ga.
Một số tài xế thường cho rằng nếu xe đã có công nghệ cân bằng điện tử ESC (Electronic Stability Control) thì trường hợp này ít xảy ra. Thực chất, ESC chỉ làm việc hiệu quả khi những bộ phận hỗ trợ trên xe còn tốt như độ bám đường của lốp, hiệu quả phanh. Đồng thời, nếu tài xế vào cua ở con đường chỉ cho phép khoảng 60 km/h với tốc độ 80 km/h thì công nghệ cũng không thể giúp đỡ được gì vì mọi can thiệp không thể chống lại quán tính lớn.
Đổ đèo đường trơn trượt
Khi chạy xe trên đường núi, rất dễ gặp trường hợp đường nhỏ, dốc và trơn trượt. Khi đổ đèo ở những đoạn đường như thế này, nếu càng đạp phanh, xe càng trượt vì một lớp đất ướt bám vào bánh xe khiến bánh xe không còn ma sát với nền đường.
Điều cần làm lúc này là trả về số thấp, tốt nhất là số 1 ở cả số sàn và số tự động. Trên xe số tự động, có thể chọn chế độ bán tự động hoặc thể thao, đẩy cần số về (-) để xuống số thấp nhất, hoặc chọn D1 hay L trên một số xe.
Cẩn thận đi ở số thấp qua những đoạn đường trơn trượt. Hạn chế phanh vì sẽ khiến xe bị trượt. Nếu thường xuyên phải chạy đèo núi, chuẩn bị riêng loại lốp chuyên dụng.
Sa lầy
Sa lầy không có một công thức chung để áp dụng vì mỗi địa hình lại có sự khác biệt. Điều cần làm là tìm cách tạo ma sát cho bánh xe bám vào để thoát hố lầy.
Tài xế nên biết xe của mình dẫn động cầu trước, cầu sau hay bốn bánh để áp dụng. Thông thường dẫn động 4 bánh có thể giúp xe thoát lầy dễ dàng, nhưng nếu dẫn động một cầu sẽ khó hơn.
Xác định bánh chủ động, tìm bất cứ thứ gì như cành cây, lá cây, rơm rạ, bao bì... để lót vào đường lăn của bánh xe chủ động. Tài xế có thể phải tiến, lùi nhiều lần để lấy đà. Khi bị lầy, không cố đạp thốc ga vì càng thốc càng khiến bánh xe quay tít, tạo hố sâu hơn, gây khó khăn để cứu xe.
Nếu tất cả các cách đều không thể, hãy gọi cứu hộ càng nhanh càng tốt. Trên xe nên chuẩn bị dây cũng như xẻng nhỏ nếu phải thường xuyên đi tới nơi có địa hình lầy lội.
Tác giả bài viết: Đức Huy
Nguồn tin: