Giáo dục

Cách dạy con biết cảm thông của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Sự đồng cảm – hay là khả năng đọc cảm xúc của người khác – là một kỹ năng sống quan trọng. Nhiều người lo ngại rằng trẻ con ngày nay đang mất dần kỹ năng này và kết quả là trẻ sẽ ít hạnh phúc hơn khi lớn lên.


Một nghiên cứu của ĐH Michigan ở gần 14.000 sinh viên đại học cho thấy sinh viên ngày nay ít đồng cảm hơn sinh viên những năm 1980, 1990 khoảng 40%.

Michele Borba – nhà tâm lý học giáo dục, tác giả cuốn “Unselfie: Why Empathetic Kids Succeed in Our-All-About-Me World” cho rằng, tình trạng này chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới gần 1/3 sinh viên đại học chán nản, có vấn đề về tâm thần và con số này đang ngày càng tăng.

Đan Mạch – quốc gia hạnh phúc nhất thế giới – rất coi trọng sự đồng cảm. Mỗi tuần, học sinh ở đây đều có một giờ học về cách xây dựng kỹ năng đồng cảm và giờ học này nằm trong chương trình giảng dạy quốc gia, bắt buộc cho tất cả trẻ từ 6 tới 16 tuổi.

Ở lớp học này, học sinh sẽ bàn luận về các vấn đề của cá nhân hoặc của một nhóm. Có thể là việc ai đó đang bỏ rơi, bị bắt nạt hay có sự bất đồng không thể giải quyết được giữa một số học sinh.

“Cả lớp sẽ cùng nhau tôn trọng tất cả quan điểm và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết” – Iben Sandahlm – đồng tác giả cuốn “The Danish Way of Parenting” nói về cách mà quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nuôi dạy những đứa trẻ tự tin. Vấn đề của trẻ được lắng nghe và thừa nhận như một phần của một cộng đồng lớn hơn - bà nhận định. “Khi bạn được công nhận, bạn sẽ trở thành một ai đó”.

Sandalhm từng là một giáo viên. Bà cho biết các giờ học này luôn là điểm nhấn trong tuần của bà. Mục đích là để tạo một bầu không khí an toàn và ấm cúng – nơi mà các vấn đề được đưa ra và bọn trẻ học được cách đưa ra quan điểm của mình.

Thậm chí còn có một chiếc bánh mà bọn trẻ tự nướng theo công thức để cùng ăn với nhau trong khi nói chuyện, và quan trọng hơn là trong khi lắng nghe người khác nói.

Hoạt động này có từ những năm 1870 nhưng mới được hệ thống hóa trong luật giáo dục năm 1993 và được lan rộng từ đó. Việc này tốt cho cả giáo viên và học sinh.

“Là giáo viên, bạn có cơ hội suy ngẫm để tạo một môi trường học tập toàn diện mà học sinh muốn học tập và tham gia. Đó là cách để cộng đồng lớp học này phát triển” – bà nói.

Để đo lường hiệu quả của nó thì khá là khó. Đan Mạch nổi tiếng là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nhờ nhiều yếu tố, từ bình đẳng về thu nhập cho tới mức độ hào phóng của người dân, mặc dù có một số người hoài nghi rằng liệu danh hiệu này có được có phải do người dân Đan Mạch kỳ vọng thấp về hạnh phúc hay không.

Mạng lưới an toàn xã hội của đất nước này khiến người ta ít có lý do để không hạnh phúc, bởi vì họ biết họ đang có một chế độ chăm sóc sức khỏe tốt, hệ thống giáo dục tốt và dịch vụ chăm sóc người già cũng tuyệt vời.

Dù vậy, một nghiên cứu gần đây cho thấy 38% phụ nữ Đan Mạch và 32% đàn ông nước này phải điều trị chứng rối loạn tâm thần ở một số thời điểm trong cuộc sống – cao hơn mức trung bình toàn cầu và tất nhiên đây là mức cao đối với những người được cho là hạnh phúc nhất thế giới.

Hạnh phúc là một khái niệm phức tạp, vì thế có lẽ sự thành công của những lớp học đồng cảm chỉ đơn giản là nhận ra rằng đồng cảm là một kỹ năng, chứ không phải là một đặc tính cố hữu. Trẻ cần luyện tập nó giống như cách mà trẻ học toán hay học đá bóng.

Những lớp học đồng cảm này cũng cho các phụ huynh và giáo viên không phải người Đan Mạch một bài học hữu ích. Nếu chúng ta muốn con trẻ là người tử tế và biết nghĩ đến người khác, chúng ta cần làm gương và nghĩ về cách dạy trẻ kỹ năng này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP