Chiều 12/7, trả lời phóng viên VOV.VN, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp- Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc này, trước đó cũng đã có nhiều trường hợp xảy ra. Việc trao nhầm con chắc chắn là do lỗi tắc trách của hộ lý, lỗi từ phía bệnh viện.
Việc này gây ảnh hưởng lớn đối với gia đình sản phụ. Bản thân những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng lớn trong việc phát triển tâm sinh lý cũng như tình cảm, gây tổn thất về mặt tinh thần cho nhiều người, đặc biệt là hai đứa bé. Bên cạnh đó cũng có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Việc trao nhầm con đã khiến chị Phùng Thị Hiền bị sốc thời gian dài và cháu Phùng Thanh H. bị ảnh hưởng tâm lý. |
“Có những gia đình thấy con lớn lên không giống cha, giống mẹ nên nghi ngờ dẫn đến vợ chồng phải ly tán. Đấy là những hậu quả thiệt hại rất nặng nề. Nếu để xác định giá trị thiệt hại về mặt vật chất là khó, tuy nhiên thiệt hại về tinh thần rất lớn. Trong việc này, khi có nghi ngờ con bị trao nhầm có thể liên hệ bệnh viện để kiểm tra, rà soát thông tin những đứa trẻ sinh ra cùng thời điểm đó tại cùng cơ sở đó. Nếu tìm được là tốt, không tìm được thì đó là nỗi đau đơn, dằn vặt có khi cả cuộc đời cha mẹ phải mang theo”- luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đã tiến hành kỷ luật 2 nữ hộ sinh gây ra sự việc trao nhầm con 6 năm trước. |
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ trao nhầm con ở Hà Nội, các gia đình có quyền yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Trong đó, thiệt hại vật chất là khi phải mất chi phí đi tìm con, các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan đến việc xác định gen… Đối với tổn thất về tinh thần, cha mẹ cũng có thể yêu cầu bệnh viện bồi thường.
“Về nguyên tắc, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không thỏa thuận được sẽ theo quy định của pháp luật”- luật sư Cường nói.
|
Trong vụ việc này, gia đình có nghi ngờ bị trao nhầm con có thể liên hệ với bệnh viện để yêu cầu hỗ trợ, phối hợp tìm kiếm đứa bé thực sự đang ở đâu; Đồng thời tính những chi phí tổn thất về việc tìm kiếm, chi phí về việc ảnh hưởng sức khỏe, chi phí về thu nhập bị mất, giảm sút trong quá trình thực hiện việc đó, tổn thất về tinh thần. Tất cả những khoản thiệt hại đó, cơ sở y tế phải bồi thường.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, các cán bộ, nhân viên y tế có liên quan đến sự việc đó tại bệnh viện, có vi phạm thì sẽ phải xử lý, nhẹ nhất là xử lý kỷ luật, mức độ nghiêm trọng hơn có thể xử phạt hành chính.
“Nếu là lỗi vô ý nhầm lẫn thì có thể xử phạt hành chính và kỷ luật. Trước hết, cơ sở y tế phải bồi thường thiệt hại cho người nhà sản phụ. Cán bộ nào vi phạm có thể bồi hoàn thiệt hại mà bệnh viện đã bồi thường”- luật sư Đặng Văn Cường cho biết./.
Tác giả: Thy Hạt
Nguồn tin: Báo VOV