Đền Ngài Nam Hải (hay còn gọi đền Cá Ông) ở thôn Hùng Thành, xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) được người dân trong vùng cho rằng rất linh thiêng.
Bên trong ngôi đền có một bộ xương cá voi khổng lồ, nặng hàng tấn.
Ông Lê Văn Táo, Trưởng ban Mặt trận thôn Hùng Thành cho biết khoảng giữa năm 2014, ngư dân địa phương đi biển nhìn thấy một vật thể lạ to như một chiếc tàu ngầm trôi dạt cách bờ khoảng 500 m. Tiến lại gần, đám ngư dân phát hiện một con cá voi xanh nặng ước chừng khoảng 20 tấn, dài gần 15 m đã chết. Họ nhanh chóng về làng báo tin. "Nghe thế, ai cũng mừng lắm. Bởi, người vùng biển tin rằng, cá voi là thần hộ mệnh trong những chuyến ra khơi đầy sóng gió. Cá voi dạt vào bờ biển này chắc là muốn nghỉ ngơi ở đây", ông Táo kể.
Các lão ngư trong làng liền bàn với nhau lưu giữ bộ hài cốt. Sau đó, tất cả thanh niên trai trẻ vội vã đắp bùn, dùng các tấm lưới vây dài cả trăm mét quấn quanh thân cá ở bãi vẹt. Hơn một năm sau, bờ biển Đa Lộc vui như trẩy hội. Dân khắp nơi đổ về xem ngư dân thôn Hùng Thành và Yên Lộc đưa bộ xương cá khổng lồ lên bờ. Họ làm vệ sinh sạch sẽ. Bộ xương còn khá nguyên vẹn, có cả thảy 24 chiếc xương sườn (mỗi chiếc dài chừng hơn 1 m).
Số xương sống thu được là 40 đốt, đều to tướng như chiếc đôn, chiếc ghế.
Bộ xương đầu rất to, có tấm nhìn như một chiếc quạt mo lớn, nặng vài người khiêng mới xuể. Theo chính quyền địa phương, đây là bộ xương được đánh giá là còn nguyên vẹn, lớn nhất miền Bắc.
Ban đầu, bộ xương được xếp khá hoàn chỉnh trên một bệ dài, đặt dưới mái lán fibro xi măng. Nhiều năm sau, bà con trong làng và con em đi làm ăn xa về quê thấy cảnh di cốt Cá Ông phải chịu cảnh sương gió nên bàn nhau góp tiền xây dựng một ngôi đền để thờ.
Đến năm 2012, ngôi đền ở trung tâm làng có tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng được hoàn thiện. Bộ xương cá được bảo quản trong lồng kính, ngày đêm làng cắt cử người trông coi, lo hương khói. Họ gọi di cốt cá voi với tên gọi kính trọng là Ông Nam Hải, Cá Ông.
Hiện nay, do ảnh hưởng của khí hậu nóng ẩm, một số khúc xương đã bị mốc. Các lão ngư trong làng đang kêu gọi con em làm ăn xa tiếp tục đóng góp để tìm cách bảo quản bộ xương tốt hơn.
Hùng Thành là địa phương có truyền thống đi biển từ xa xưa. Mỗi dịp tháng Giêng hàng năm, ngư dân làng Hùng Thành lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư ở đền thờ. "Đó là dịp để dân làng tỏ lòng biết ơn với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, tàu thuyền đi khơi về lộng an toàn", lão ngư Lê Văn Táo chia sẻ.
Tác giả bài viết: Nguyễn Dương
Nguồn tin: