Chiếc xe đâm thẳng vào những người biểu tình chống Phát xít, khiến 1 người thiệt mạng, 19 người bị thương. Ảnh: Getty Images. |
Cách đó vài bước, một thanh niên da trắng với kiểu tóc cắt trụi và đeo kính râm ra sức đẩy hàng rào. “Các người sẽ là những kẻ đầu tiên phải lên tàu về nhà”, anh ta hét vào mặt cô gái da màu, rồi quay sang cô gái da trắng: “Còn cô, cô sẽ đi thẳng xuống địa ngục”. Sau đó, anh ta làm dấu chào kiểu Phát xít Đức.
Kỳ thị chủng tộc
Đây là lần đầu tiên trong vài tháng qua, những người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc tập hợp ở Charlottesville, thủ phủ bang Virginia, để biểu tình chống lại kế hoạch xóa bỏ tượng đài Robert Lee, vị tướng chỉ huy lực lượng liên minh ở bắc Virginia trong cuộc nội chiến Mỹ từ năm 1862 cho đến khi đầu hàng năm 1865. Lần này, họ xuống đường với biểu ngữ được gọi là Alt-right (có nghĩa “cánh hữu khác”, mang tư tưởng cực hữu, chối bỏ dòng chính của chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ). Họ gồm một số quân nhân, những người mang tư tưởng kỳ thị chủng tộc, những người theo chủ nghĩa Phát xít mới và một số người nói rằng họ chỉ muốn bảo vệ lịch sử vùng đất phương nam của họ.
Họ tập trung từ sáng sớm tại công viên Emancipation (tên cũ là công viên Lee), nơi đặt tượng đài Robert Lee. Một số người mặc nguyên bộ quân phục và đeo cả súng trường, còn những người khác mặc áo phông đen, đội mũ bảo hiểm và đi giày cao cổ. Khi ùa vào công viên, họ dùng gậy và nắm đấm để gạt những người biểu tình chống phát xít.
Sau đó, họ dùng khiên chặn lối vào. Bên trong, David Duke, thành viên của Ku Klux Klan (viết tắt KKK - tên của nhiều hội kín lớn ngày xưa và ngày nay ở Mỹ với chủ trương đề cao thuyết Người da trắng thượng đẳng, theo đuổi chủ nghĩa bài Do Thái, bài Công giáo, chống Cộng sản, chống đồng tính luyến ái, chống di cư…) cười lớn và vẫy tay với đám đông gần như chỉ toàn đàn ông da trắng đang hò reo gọi tên ông ta và giang cánh tay làm kiểu chào Phát xít. Họ có lý do để cười, vì họ đang ở giữa cuộc tập hợp lực lượng lớn nhất của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Mỹ trong mấy chục năm qua.
Trong công viên, họ hô những khẩu hiệu chống nhập cư, chống Do Thái, phân biệt chủng tộc và đe dọa những phụ nữ da trắng biểu tình chống lại họ. Bên ngoài, những người biểu tình chống Phát xít ném chai lọ vào những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng và hô khẩu hiệu: “Biến khỏi những con phố của chúng tôi, những kẻ Phát xít cặn bã”. Hơi cay từ cả hai phe mù mịt trong không khí.
Cuối cùng, cảnh sát chống bạo động được điều đến công viên và các con phố xung quanh để ổn định tình hình. Thống đốc bang Virginia tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đám đông bị giải tán. Lực lượng vệ binh quốc gia bắt đầu phong tỏa khu vực, sau khi một tài xế lao vào đám đông người biểu tình chống Phát xít, khiến một phụ nữ trẻ thiệt mạng và 19 người bị thương.
24 giờ trước đó, bà Reverend Brenda Brown-Grooms chỉ biết nhắm mắt cầu nguyện. Ngồi trong Nhà thờ Thánh Paul, nơi những tình nguyện viên ở phòng bên cạnh đang huấn luyện cách kháng cự không bạo lực, bà Reverend cho biết bà đã chuẩn bị tâm lý cho “ngày phán xét” trên quê hương mình.
Thời điểm nguy hiểm
“Về cảnh quan thì nơi đây rất đẹp, luôn là mô hình thành phố kiểu mẫu. Nhưng tôi luôn hiểu rằng nơi đẹp đẽ này cũng khá xấu xí. Và bức tượng đã trở thành tâm điểm của sự xấu xí ấy”, bà nói. Bà Reverend sinh ra ở Charlottesville năm 1955. Bà lớn lên ở Vinegar Hill, khu dân cư của những người da màu trước khi bị phá hủy để phục vụ các chương trình tái phát triển, đẩy cộng đồng người da màu khỏi thành phố và vào các dự án nhà ở riêng biệt.
Lúc còn nhỏ, do sự tách biệt, Reverend không dám đặt chân vào khu của người da trắng, nơi có công viên Emancipation, hồi đó vẫn tên là công viên Lee. Và bà cũng chưa từng đến đó cho đến tháng 5 năm nay, khi nhóm KKK đến thành phố và đốt đuốc dưới chân tượng.
“Mùa hè này đúng là mùa cầu nguyện dài ở Charlottesville. Và hôm nay chúng tôi lại cầu nguyện Alt-right không khởi đầu điều gì tối nay, trước khi xảy ra vụ biểu tình”, bà nói. Nhưng vài giờ sau đó, khoảng 200 người da trắng tập hợp ở công viên Vô danh, ngay con đường gần nhà thờ nơi bà Reverend đang ngồi cầu nguyện, rồi tuần hành qua khuôn viên Đại học Virginia với đuốc trên tay và hô khẩu hiệu kỳ thị chủng tộc.
Tại trường đại học nơi đặt tượng đài Thomas Jefferson, họ va chạm với các sinh viên đã ngăn họ. Không khí nóng hừng hực vì những ngọn đuốc cháy và khói bốc lên. “Nhiệt độ ở đây chẳng là gì so với lúc các người bị đưa vào lò. Điều đó đang đến”, Robert Ray viết trên Daily Stormer, trang web của những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. “Trước khi những người kỳ thị chủng tộc cầm đuốc đi qua trường đại học, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ nhìn thấy cảnh đó ở nước Mỹ trong đời mình”, một người biểu tình nói.
Ngay bên kia đường vào tối hôm đó, hơn 500 người tập trung tại nhà thờ Thánh Paul để dự buổi cầu nguyện đa tôn giáo. Họ đọc Kinh thánh, kinh Koran, dàn hợp xướng hát thánh ca, và bài phát biểu của giáo sư đại học Harvard, TS Cornel West, thu hút mọi người.
“Thật buồn khi thấy cuộc tập hợp lớn nhất trong nhiều thập kỷ của những người mang tư tưởng phát xít mới, nhưng cũng thật vui khi chúng ta có thể chống lại nó, có thể làm chứng cho nó”, TS West nói sau buổi cầu nguyện. “Alt-right là mối nguy mới. Chúng ta thấy những người cánh hữu trong Nhà Trắng khuyến khích họ, cho họ thêm sức mạnh. Vì thế họ cảm thấy họ được phép thể hiện sự hận thù ở nơi công cộng, và thậm chí làm hại người khác. Chúng ta đang ở tại thời điểm nguy hiểm”, TS West nói.
Hầu hết những người tham gia cuộc tụ tập cuối tuần qua ở Charlottesville là đàn ông. Một trong số ít phụ nữ thường xuyên lên tiếng tại các sự kiện của những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng là Avialae Horton, 20 tuổi, biên tập viên của Revolutionary Conservative - trang báo điện tử cực hữu mang sứ mệnh “bảo vệ nền văn minh phương Tây”.
Horton cho rằng, những người tham gia phong trào này bị gắn mác “Phát xít mới” một cách không công bằng. “Muốn sống cùng những người cùng chủng tộc, cùng vì lợi ích chung của mình cũng là điều tự nhiên”, RS McCoy, một thành viên khác của Revolutionary Conservative, nói về tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Theo Trung tâm Luật Southern Poverty, hơn 60 tượng đài hoặc biểu tượng liên hiệp đã bị đập bỏ hoặc đổi tên sau vụ thảm sát 9 người da màu đi lễ nhà thờ ở Charleston, bang Nam Carolina, năm 2015, mà thủ phạm là Dylann Roof, một kẻ có tư tưởng da trắng thượng đẳng.
Tác giả: Bình Giang
Nguồn tin: Báo Tiền phong