Cuộc sống

Bức thư của người chồng đứng giữa mẹ và vợ khiến ai cũng nể phục

Cuộc sống là vậy, là những khi em thấy thất vọng về những người xung quanh. Nhưng mẹ đã hi sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân để nuôi lớn chồng em. Một người phụ nữ xinh đẹp đã thay chồng gánh vác cả 'giang sơn' như mẹ giờ đã trở thành một “bà lão” mắt cập quèn, chân run run rò rẫm trong bếp em nên thương nhiều hơn là oán trách.

Đàn ông quan trọng nhất là sự nghiệp, cuộc sống bon chen, phức tạp khiến anh mệt mỏi. Mỗi khi về nhà anh mong muốn được trông thấy nụ cười của em, được nghe thấy giọng nói của mẹ. Thế nhưng hơn một năm nay ngày nào cũng vậy, mỗi khi rời bàn làm việc trở về nhà là đôi chân anh lại nặng trĩu. Anh sợ phải nghe những tiếng phàn nàn, oán trách của em về mẹ.

Cùng là phụ nữ, cùng phải chăm sóc con cái đáng lẽ em phải hiểu và thông cảm cho mẹ. Đằng này tất cả những khó khăn, hiểu lầm em đều oán trách mẹ. Anh không thể ngày ngày sống trong áp lực, ngày ngày cận kề bên em và mẹ để phân xử xem ai đúng ai sai. Mẹ đã từng nuôi lớn anh, mẹ hiểu nỗi vất vả của người phụ nữ. Còn em, em đã và đang làm mẹ, đứa con bé bỏng của mình cần được nghe nhiều hơn những tiếng cười nói, những lời cưng nịu chứ không phải ngày ngày khóc thét lên vì tiếng quát ầm ĩ của em.

Chỉ có những người phụ nữ từng nuôi con khôn lớn mới thấu hiểu hết nỗi lòng và sự vất vả của người mẹ. Em luôn phàn nàn với anh về mẹ, em trách anh không quan tâm em, trách mẹ không giúp đỡ em chăm nom cháu, trách mẹ không thể nấu nổi bữa cơm hàng ngày, em trách mẹ mỗi khi mẹ làm vỡ bát, hay cháy nồi. Nhưng em có thể hiểu được cảm giác của anh mỗi lần nghe em oán thán mẹ không?.

Không phải mẹ không chăm nổi cháu, mẹ đã nuôi chồng em khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay thì tại sao lại không chăm nổi cháu? Là vì mẹ đã quá vất vả, dầm mưa dãi nắng để nuôi lớn anh khi bố qua đời. Mẹ đã từng bạc đầu, sạm da vì gánh hàng dong. Đôi tay mẹ đã không còn nhanh nhẹn, mắt cũng đã mờ nên không thể nấu được một bữa cơm ngon. Ở vào cái tuổi 60 mẹ không thể làm gì hơn thế. Anh hiểu mẹ, và cũng hiểu em.

chong viet thu gui vo dspl
Ảnh minh họa.

Anh biết và anh hiểu em là người phụ nữ tốt. Em mệt mỏi vì phải sinh con thiếu tháng, em khó khăn khi đi lại, em chán nản vì không thể tự mình làm mọi chuyện, vì phải ngày ngày chứng kiến một “bà lão” mắt cập quèn, chân run run rò rẫm trong bếp, rồi giật mình thon thót mỗi lần nghe tiếng bát vỡ, mỗi lần ngửi thấy mùi cơm khét. Em trách anh không quan tâm em nhiều, trách anh “vì sao không ở nhà giúp em lúc này”. Nhưng công việc với gia đình ta bây giờ rất quan trọng, anh có thể nghỉ việc để chăm em, nhưng rồi tiền đâu mua sữa bỉm, tiền đâu chăm mẹ già, và tiền đâu chăm em. Với tấm bằng cao đẳng anh chẳng thể nào tự tin rời bỏ công việc này để tìm kiếm một công việc mới.

Chúng ta đến với nhau nghĩa là đã chấp nhận cùng nhau vượt qua mọi gian khổ. Anh yêu em bởi anh biết đằng sau những lời nói khó nghe của em là một trái tim nhân ái. Mẹ đã hi sinh nhiều hơn những gì em nghĩ em biết không. Mẹ chăm sóc em từ khi em mang bầu đến lúc em sinh bé. Có thể em luôn nghĩ mẹ chẳng làm được gì cả ngoài sự luống cuống và run rẩy. Nhưng sáng nào cũng vậy, mẹ dậy rất sớm để hầm xương nấu cháo cho em, tất thảy quần áo thay ra đều tay mẹ giặt, cơm mẹ nấu, và những lúc đêm hôm con khóc mẹ ru con ngủ… Tất cả những điều đó mẹ làm trong câm lặng.

Em đừng trách mẹ không làm được gì cho em, vì cả cuộc đời này mẹ đã hi sinh quá nhiều. Em hãy nhìn vào đôi bàn tay mẹ, đôi bàn tay thô ráp, gầy guộc ấy đã thay chồng gánh vác cả “giang sơn”. Hãy nhìn vào đôi mắt mẹ, đôi mắt hằn vết chân chim ấy đã khóc cạn tiếng khi bố anh qua đời. Hãy nhìn vào mẹ rồi em sẽ thấy mẹ đã hi sinh nhiều hơn em nghĩ đó.

Tác giả bài viết: Thanh Sơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP