Thể thao

Bóng đá Thái Lan cho Việt Nam ‘ngửi khói’: Sự vượt trội của cả một hệ thống

Câu hỏi 'làm gì để đuổi kịp bóng đá Thái Lan' được đặt ra lần đầu tiên trên báo chí nước nhà sau khi đội tuyển Việt Nam trở về từ SEA Games 18, giải đấu đầu tiên mà tuyển Việt Nam thống nhất giành được huy chương khu vực.


Đội tuyển Thái Lan đang xếp đầu khu vực Đông Nam Á. Ảnh - AFP

Nhưng trận chung kết thua 0-4 trước chủ nhà Thái Lan đã gợi ra suy nghĩ: Liệu chúng ta có thể đuổi kịp và qua mặt Thái Lan – nền bóng đá số 1 của Đông Nam Á. Hơn 2 thập kỷ đã qua, vật đổi sao dời, và bóng đá Việt Nam vẫn cứ sau họ. Cùng với năm tháng, câu hỏi ngày xưa nay càng thêm khắc khoải...

Lóa mắt với ánh hào quang của chiến thắng tạm thời

Tại hội nghị chuẩn bị cho mùa giải bóng đá chuyên nghiệp thứ 17 (bao gồm các giải V-League, hạng Nhất và Cúp quốc gia 2017) mới đây, không ít nhà chuyên môn bóng đá Việt Nam đã rất phiền lòng khi nghe tin giải Hạng nhất sẽ chỉ còn số đội bằng đúng một nửa so với V-League. Tình trạng bất cập “đầu to chân bé” thế là không những tiếp tục “bị” duy trì, mà còn tệ hơn so với mùa trước (hạng Nhất được quy hoạch từ 8 thành 10 đội, nhưng rút cục chỉ còn... 7 đội mà thôi do 3 CLB xin rút lui).

Nhớ lại khi V-League được ra đời năm 2000, rồi được “cởi trói” về tài chính vào mùa giải 2003, trở thành “miền đất hứa” với rất nhiều ngoại binh từ các châu lục, giới mộ điệu bóng đá nước nhà từng phấn khởi cho rằng: Bóng đá Việt Nam đã sở hữu giải vô địch quốc gia “chất” nhất tại khu vực Đông Nam Á. Trong dòng ngoại binh đổ về với V-League ấy, có hàng chục tuyển thủ ngôi sao của Thái Lan nườm nượp đầu quân cho các CLB tại V-League, và cái tên nổi bật nhất chính là “Zico Thái” - Kiatisak Senamuang. Đội trưởng của đội tuyển xứ chùa Vàng chọn Việt Nam, cụ thể là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), với bản hợp đồng có giá trị kỷ lục ở thời điểm ấy, sau khi CLB của bầu Đức qua mặt các “đối thủ” của Malaysia và Singapore sau một cuộc “đấu thầu” ngầm.

Phải thừa nhận thời điểm V-League “nổi” thì cũng là lúc Thai-League bị “chìm”. Thông tin về V-League xuất hiện tràn ngập trên các trang báo thể thao. Chuyện lương thưởng của các “ngôi sao” cũng trở thành cuộc đua giữa nhiều CLB và nơi nào “hút” được nhiều tài năng hơn dễ gặt hái thành công hơn. Chất lượng của đội tuyển Việt Nam theo đó cũng được nâng lên với tấm vé vào tứ kết Asian Cup 2007 (Việt Nam là chủ nhà của 1 trong 4 bảng) và lần đầu tiên qua mặt Thái Lan để giành ngôi vô địch AFF Cup.

Nhưng mọi thứ đã đổi thay khi người Thái quyết tâm làm lại, đồng thời với việc hệ thống bóng đá mang tên chuyên nghiệp của Việt Nam bộc lộ vô vàn bất cập trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp khó khăn..

Khi người Thái quyết tâm khôi phục vị thế...

Trên thực tế, bóng đá Thái Lan từ lâu đã thuộc nhóm hàng đầu khu vực, thậm chí của châu lục. Họ từng 2 lần tham dự Olympic vào các năm 1956 và 1968, từng giành HCĐ châu Á vào năm 1972, hạng 4 tại Asiad các năm 1990 và 1998. Đội tuyển Thái Lan đã 5 lần vô địch AFF Cup (trong đó có 2 lần gần nhất), 9 lần vô địch SEA Games, sau đó lứa U.23 của họ tiếp tục giành HCV SEA Games nhiều kỳ sau đó cho tới giai đoạn khủng hoảng cuối những năm 2000...

Để đạt tới trình độ “ông trùm” Đông Nam Á những năm 90, Thái Lan đã trải qua một quá trình dài nâng chất, đặc biệt là tận dụng mối quan hệ quốc tế và túi tiền của nhiều ông bầu để liên tục mời các CLB mạnh hàng đầu thế giới đến thi đấu giao lưu. Đội tuyển Thái Lan có HLV ngoại đầu tiên (người Đức) từ năm 1968 và theo “trường phái” này tới năm 1981 với các HLV Đức khác nhằm xây dựng tính kỷ luật. Năm 1989, họ lần đầu tiên thay đổi khi mời HLV Carlos Alberto – cựu tuyển thủ Brazil thập niên 60. Họ bắt đầu học hỏi “trường phái Anh” từ 1998 với sự có mặt của Peter Withe, sau này là những tên tuổi như Peter Reid hay Bryan Robson...

Sau những thất bại liên tiếp của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup từ 2008 tới 2012 cũng như tuyển U.23 từ 2009 và 2011, Thái Lan đã quyết tâm khôi phục vị thế tại các đấu trường khu vực. Họ đã bỏ tư duy nuôi “gà nòi”, và lứa những tài năng của Datsakorn Thong lao trở thành những cầu thủ cuối cùng được đầu tư trực tiếp bởi Liên đoàn bóng đá quốc gia (FAT). Thay vào đó, trách nhiệm đào tạo trẻ được dồn cho các CLB và các trung tâm bóng đá.


Chanathip Songrasin (18) là thế hệ trẻ tài năng của bóng đá Thái Lan đương đại.Ảnh - AFP

Họ đã nâng chất các giải quốc gia (Thai League vừa kỷ niệm tròn 20 năm, ra đời năm 1996) từ năm 2009 và xây dựng thành một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp quy củ theo hình kim tự tháp với 3 cấp khác nhau. Tới mùa giải 2017, lần đầu tiên Thai League sẽ được phân thành 4 cấp (thêm giải Thai-League 4). Hệ thống CLB chuyên nghiệp Thái Lan hiện tại bao gồm: Thai-League với 18 đội, Thai-League 2 gồm 16 đội, Thai-League 3 với 32 đội và Thai-League 4 với 64 đội! Đây quả là sự khác biệt rất cơ bản khi so sánh với sự chông chênh của V-League và hạng Nhất (tức V-League 2) hiện tại.

Các quan chức bóng đá Thái đã tiếp tục phát huy các mối quan hệ của những vị tỷ phú đang đầu tư vào thể thao nói chung và bóng đá nói riêng trên thế giới, trước đó là cựu thủ tướng Thaksin với CLB Man City, và mới đây nhất là “ông bầu” của Leicester City - đương kim vô địch giải Ngoại hạng Anh - khi gửi 15 tài năng trẻ sang đó đào tạo chuyên sâu.

Tới đây xin nói thêm về hệ thống bóng đá trẻ của Thái Lan. Họ song song duy trì hệ thống các giải quốc gia (tương tự Việt Nam), ngoài ra còn hệ thống các giải đấu trường học cũng vô cùng chất lượng (thể thao học đường của Thái Lan rất phát triển và hầu hết các trường từ cấp 2 trở lên đều có sân bóng đá). Đây chính là nguồn phát hiện và bồi dưỡng tài năng gần như vô tận, với những cầu thủ được giáo dục song song cả “tài” lẫn “đức”!


HLV Kiatisak đã giúp bóng đá Thái thay đổi rất lớn. Ảnh - AFP

Trong vòng 3 năm qua, 2 đội tuyển quốc gia của Thái Lan (bao gồm đội tuyển A và U.23) được giao cho Kiatisak Senamuang dẫn dắt. Một sự thay đổi đáng kể về tư duy để tận dụng tối đa tài năng và uy tín của “Zico Thái”. Kết quả là sự thâu tóm trở lại các danh hiệu bóng đá khu vực với ngôi vô địch SEA Games 27, 28 và 2 kỳ AFF Cup liên tiếp các năm 2014 và 2016.

Khách quan mà nói thì Thái Lan đang hơn Việt Nam rất nhiều, từ một hệ thống bóng đá chuyên nghiệp gần như hoàn thiện và ổn định với 4 hạng khác nhau (Việt Nam chỉ có 2 hạng mà cũng đầy bất ổn). Dưới nữa, song song với chân đế - các giải nghiệp dư là hệ thống bóng đá trường học rất phát triển (VN cũng rất yếu ở mảng hoạt động này). Họ hơn chúng ta từ đầu vào (hệ thống tuyển chọn tài năng) lẫn đầu ra, nên không có gì lạ khi gần như luôn tỏ ra nhỉnh hơn các đội tuyển Việt Nam tại các giải đấu khu vực.

Tác giả bài viết: Hữu Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP