Kinh tế

Bong bóng nhà đất Đà Nẵng sắp… vỡ tung?

Tại một số nơi, giá đất tăng gấp 2-3 lần mức giá cũ, có trường hợp chỉ sau một đêm chủ đất tăng tới 100-200 triệu đồng!

Năm 2012, giá nhà đất Đà Nẵng rất ảm đạm và rất ít công ty, nhà môi giới còn trụ lại. Gần cuối năm 2014, một lô đất tại Khu sinh thái Hòa Xuân hay dự án Khu đô thị Phước Lý chỉ nằm ở mức 400 triệu đồng/nền.

Choáng váng

Nhưng đến cuối năm 2016 và đầu năm 2017 (thời điểm trước và sau Tết âm lịch), đất tại Đà Nẵng như “động kinh” tăng chóng mặt, nhất là đất ven biển. Giá trị tăng gấp 2-3 lần mức giá cũ, có trường hợp chỉ một đêm chủ đất tăng tới 100-200 triệu đồng!

Khu vực biển từ Tân Trà tới Đông Hải và các khu dân cư tại quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà giá chỉ 400-500 triệu đồng/nền bỗng nhiên tăng lên vài tỉ đồng khiến người mua choáng váng.

Anh H. Cường, kinh doanh BĐS tại khu vực phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, cho hay thời điểm đầu năm 2016, đất nền Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân chỉ có giá 600 triệu/lô, đến khoảng giữa năm tăng lên 800 triệu và đến tháng 1-2017 giá bán được “hét” tới trên 1,2 tỉ đồng.


Anh Cường cho biết đến cuối 2016 mới có hiện tượng chỉ cần bỏ vài trăm triệu mua sang tay đã lời 50-100 triệu đồng, thậm chí 200-300 triệu vào những ngày sốt đỉnh. Giai đoạn này mua bán rất nhanh nhưng chủ yếu cũng là các nhà đầu tư với nhau. Chính các nhà đầu tư tự làm giá với nhau nên “con cừu” nào sập bẩy là bị “lột da” ngay.

Thực tế, giá đất đã bị các nhà đầu tư lớn ở Đà Nẵng và đặc biệt là đến từ Hà Nội vào làm giá, lướt sóng kiếm lời rồi “chuồn” khỏi Đà Nẵng. Hậu quả, nhiều người mua đất dính bẫy không kịp cắt lỗ.

Thời điểm giá đất Đà Nẵng lên cơn sốt thì các nhà đầu tư thứ cấp không chỉ ở Đà Nẵng mà cả ở Hà Nội và TP.HCM đều lao vào. Người mua đất từ miền Bắc lùng sục hỏi mua đất từ đường lớn đến hang cùng ngõ hẻm. Các dự án đang được quy hoạch được ráo riết săn lùng.

Thậm chí, các chủ đầu tư chưa đầy đủ các giấy tờ pháp lý cũng nhanh tay huy động vốn bán giữ chỗ khi cơn sốt đang ở đỉnh điểm.

Thị trường BĐS Đà Nẵng bùng nổ thời gian qua đang lao dốc vì bị thổi giá. Ảnh: KIỀU VŨ

“Bong bóng” đang xẹp

Tuy nhiên, hiện nay thị trường BĐS Đà Nẵng đang trên đà lao dốc và nhiều người lỗ nặng. Đơn cử, ngay sau khi TP Đà Nẵng thông tin về việc xây dựng hầm chui qua sông Hàn, thị trường BĐS tại Sơn Trà đặc biệt ở khu vực phường Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc… tăng như “lên đồng”. Trị giá các lô đất tăng 200%-300% so với thực tế.

Nhưng khi thông tin hầm chui bị tạm dừng thì giá đất khu vực trên rớt không phanh. Nhiều nhà đầu tư, người dân hám lợi không kịp cắt lỗ. Nhiều người phải bán tháo, giá giảm từ 500-700 triệu đồng/nền vẫn không có người mua.

Anh Tuấn Anh, một nhà đầu tư Hà Nội, cho hay vào thời điểm giá đất Đà Nẵng đang lên anh mua bốn nền tại khu vực phường Mỹ An với giá từ 4,5-5 tỉ đồng/nền. Hiện tại phải chấp nhận bán với giá lỗ 3,5 tỉ đồng.

Tại Khu đô thị Tây Bắc Đà Nẵng, giai đoạn đầu được bán ra với mức tầm 500-600 triệu đồng/nền. Cách đây vài tháng giá đẩy lên từ 1,5 tỉ-trên 3 tỉ đồng/nền nhưng hiện tại giá cũng đang từ từ lao xuống.

Với một thị trường BĐS bị thổi giá đã có không ít người may mắn “hốt bạc”. Nhưng hiện tại quả bóng BĐS Đà Nẵng đã “xẹp" thì nhiều người đang lâm vào cảnh nợ đầm đìa.

Một góc của dự án Khu đô thị Tây Bắc Đà Nẵng. Ảnh: KIỀU VŨ

Theo ghi nhận của PV vào ngày 8-5, các điểm môi giới, sàn giao dịch, ký gửi BĐS… tại các dự án từng gây sốt hầu như không có người đến hỏi mua. Tình trạng này đã bắt đầu từ khoảng hai tháng trước. Tại các điểm giao dịch, người gác kiốt buồn thiu chống cằm xem điện thoại.

Bà Th. Hương, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, người đã có thâm niên khoảng 10 năm trong nghề BĐS tại Đà Nẵng, cho biết: “Thời điểm từ gần cuối 2016 đến sau Tết âm lịch gần như bỏ hết công việc, sang cả nhà hàng hải sản để dành thời gian lướt đất kiếm lời. Nhưng giờ thì thị trường nay đứng cứng ngắc rồi”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia BĐS cho hay dù BĐS ở Đà Nẵng đang được thổi nóng bằng các sự kiện lớn do TP tổ chức và APEC 2017 nhưng thực tế vẫn chưa kích thích được thị trường.

“Tôi dự đoán BĐS Đà Nẵng sẽ tiếp tục xuống. Với tình hình hiện nay, nếu ngân hàng tăng lãi suất và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chính sách cho vay thì thị trường càng thảm hại. Bởi thị trường BĐS ở Đà Nẵng không thật sự minh bạch, bị làm giá bởi một số ông lớn”, vị này nhận định.

Ông Phan Trường Hân, Giám đốc Trung tâm Bất động sản Kim Địa, TP Đà Nẵng, nói: “Thị trường BĐS Đà Nẵng nóng lên từ ba năm nay. Tuy nhiên, sự bùng nổ về giá thời gian gần đây là không đúng về quy luật cung cầu nên các cá nhân và các nhà đầu tư cần cẩn trọng”.

Không biết cầm cự được bao lâu

Anh H. Cường (kinh doanh BĐS tại Hòa Xuân) tiết lộ: “Đất nền ở Đà Nẵng hiện giờ 10 năm sau còn chưa sử dụng hết. Hiện giờ, nhiều nơi hô giá 1,2 tỉ đồng/nền nhưng trả 1 tỉ đồng họ cũng bán. Lãi suất ngân hàng vẫn đang thấp, nhà đầu tư có thể cầm cự được trong khoảng hai năm nhưng nếu có sự điều chỉnh tăng thì khó mà cầm cự. Vẫn chưa biết được thị trường sắp tới như thế nào”.

Cảnh báo người mua

Trước việc các chủ đầu tư và nhà đầu tư lướt sóng đang “múa” nên buộc UBND TP Đà Nẵng đã phải ra văn bản cảnh báo cho người dân về các chiêu trò này.

Ngày 23-3 vừa qua, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã phải ký văn bản cảnh báo, thị trường bất động sản trên địa bàn TP diễn ra khá sôi động. Lợi dụng thời cơ này, hiện tại có một số tổ chức, cá nhân (gọi tắt là nhà đầu tư) huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình thức khác nhau trong khi các dự án chưa hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất.

Đặc biệt hơn, một số dự án chưa được TP thống nhất về mặt chủ trương, chưa có phương án quy hoạch cụ thể nhưng vẫn rao bán. Theo đó, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng mới chỉ có 18 dự án đủ các điều kiện pháp lý.

Tác giả: Kiều Vũ

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP