Giới trẻ

Bôi nhọ uy tín người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm

Chỉ cần một dòng status, clip trên mạng xã hội có thể hủy hoại uy tín, phẩm chất của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo thống kê, ở nước ta hiện nay có trên 40 triệu người dùng internet và tham gia sử dụng các tính năng như: chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận.

Dùng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự của người khác có thể bị xử lý hình sự

Tuy nhiên, thay vì mục đích giao lưu và chia sẻ thông tin, mạng xã hội đang trở thành công cụ truyền thông bị nhiều cá nhân và doanh nghiệp lợi dụng cho mục đích kinh doanh phi pháp hoặc cố tình hạ thấp uy tín của cá nhân, tổ chức để trục lợi. Phổ biến nhất chính là chiêu trò “bôi nhọ doanh nghiệp trên facebook” đang rất hot trong thời gian gần đây.

Hậu quả của việc bôi nhọ danh dự cá nhân trên mạng xã hội đã được báo chí cảnh báo


Từ khi có facebook, việc “nói xấu” người khác chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng trên thực tế thì đây lại chính là sự thật ai ai cũng nhìn thấy được.

Đối tượng cố ý xuyên tạc và kích động người tiêu dùng tẩy chay Công ty bia Hà Nội đăng tin nhận lỗi


Theo thông tin ghi nhận từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, nhiều trường hợp bị bắt do tội danh cố ý “gièm pha” người khác trên facebook đa phần đều xuất phát từ mục đích trục lợi cho bản thân. Điển hình có thể kể đến như vụ nói xấu công ty bia trên facebook xảy ra ở Nghệ An được trang báo mạng nổi tiếng vnexpress.net đưa tin, đối tượng tên Trần Tuấn V. đã xuyên tạc và kích động người tiêu dùng tẩy chay một công ty bia vì muốn tăng thị phần cho hãng bia mà V. đang kinh doanh.

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ lo sợ bị tấn công mà ngay cả những “ông lớn” có thị phần kinh doanh vững mạnh tại Việt Nam cũng chẳng thoát khỏi “ma trảo” của những kẻ núp bóng người tiêu dùng. Đơn cử như việc Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (Bkis) liên tục bị kẻ xấu dùng những lời lẽ tục tĩu bôi nhọ phần mềm diệt virut BKAV và so sánh với phần mềm diệt virut khác của Việt Nam là CMC Antivirus. Điểm đáng nói ở đây là ngay khi thông tin trên xuất hiện đã gây ra nghi ngờ có động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa hai công ty chung ngành.

Thế nhưng qua tìm hiểu, chính Đại diện của Công ty CMC Infosec đơn vị phát triển phần mềm CMC Antivirus, ông Triệu Trần Đức đã phải lên tiếng khẳng định sự vụ trên không liên quan đến công ty mình và cho rằng không chỉ Bkis mà cả CMC cũng bị “vạ lây”.

Nhiều người có suy nghĩ rằng, nói xấu công khai người khác trên facebook là hành vi của những kẻ thiếu suy nghĩ và hạn hẹp về mặt trình độ. Thế nhưng thực tế nhiều đối tượng bị cảnh sát “sờ gáy” là những người có nghề nghiệp và chức vụ nhất định trong xã hội.

Các đối tượng sử dụng hình ảnh cắt ghép để đưa thông tin sai sự thật về một loại mỹ phẩm


Trong Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ 1-9-2013, đã quy định rất rõ những hành vi bị cấm.

Đối với các nạn nhân của những vụ việc bị bôi nhọ trên mạng xã hội, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thì hoàn toàn có thể thưa kiện để yêu cầu gỡ bỏ những cáo buộc vô căn cứ được lan truyền trên các trang truyền thông. Thay vì “bó tay chịu trận”, thái độ kiên quyết của mỗi cá nhân hay doanh nghiệp, tổ chức sẽ giúp hạn chế được phần nào tình trạng đáng báo động trên, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, dân chủ.

Cụ thể, các hành vi bị cấm khi sử dụng internet và thông tin trên mạng gồm:

1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên internet của tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam ".vn", hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

4. Sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet.

5. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, virus máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet.

Tác giả bài viết: PV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP