Xã hội

Bộ trưởng Công an: Nhiều tài liệu tuyệt mật, tối mật vẫn bị lộ

Từ năm 2001 đến nay, có hơn 840 vụ lộ bí mật nhà nước, trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Chiều 25/10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Tờ trình nêu rõ, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó có nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật.

So với Pháp lệnh trước đây, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có nhiều điểm mới, trong đó có việc xác định bí mật nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công khai, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Dự thảo Luật phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, Tối mật và Mật. Tuy nhiên, để việc xác lập danh mục bí mật nhà nước được bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất, dự thảo quy định tiêu chí phân loại bí mật nhà nước theo hướng kết hợp giữa lĩnh vực và hậu quả nếu bí mật nhà nước bị lộ, mất.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định việc xác định độ mật đối với văn bản của các cơ quan, tổ chức không thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước nếu sử dụng bí mật của các cơ quan, tổ chức khác; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết việc đóng dấu chỉ độ mật của bí mật nhà nước.

Quy định thống nhất việc mang bí mật nhà nước đi công tác trong nước và nước ngoài thành mang bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ. Dự thảo không quy định cán bộ đi công tác nước ngoài có mang bí mật nhà nước phải xuất trình văn bản xin phép có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan, tổ chức với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.

Dự thảo Luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó Tuyệt mật: 30 năm; Tối mật: 20 năm; Mật: 10 năm. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước được gia hạn nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, được ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ, một số ý kiến tán thành quy định về thời hạn và việc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến cho rằng, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn (có thể là 50 hoặc đến 60 năm) hoặc không nên xác định thời hạn giải mật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung loại bí mật nhà nước bảo vệ không thời hạn.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc giải mật, tiêu hủy bí mật nhà nước để bảo đảm việc đầu tư, sử dụng các nguồn lực bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu quả, không lãng phí. Ý kiến này cũng đề nghị việc tiêu hủy bí mật nhà nước cũng cần có tiêu chí cụ thể để làm căn cứ quyết định việc tiêu hủy bí mật nhà nước.

Mặt khác, việc tiêu hủy bí mật nhà nước chỉ phù hợp với các tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước, không phù hợp với bí mật nhà nước là thông tin. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu thiết kế lại khoản 1 Điều 23 để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn và có tính khả thi, đồng thời tránh việc tiêu hủy tùy tiện.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP