Kinh tế

Bộ Tài chính: Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền là hợp lý

Bộ Tài chính khẳng định, trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Điều hành thuế xăng dầu: Loanh quanh lại về cơ chế cũ

(Ảnh minh hoạ).


Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến liên quan đến cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền đang áp dụng hiện nay.

Theo đó, có ý kiến cho rằng phương pháp tính thuế nhập khẩu theo bình quân gia quyền hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/2014, chưa đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới và có thời điểm giá xăng dầu trong nước có thể ngược chiều với giá thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác bỏ quan điểm này và cho rằng, việc dùng mức thuế suất ưu đãi, hay thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc thuế suất thông thường, hay bình quân gia quyền các mức thuế suất để tính giá cơ sở đều phù hợp với Nghị định 83.

Theo Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu chỉ là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở, mà mức thuế suất để tính thuế nhập khẩu ổn định theo quý (lấy quý trước tính cho quý sau) cũng tương tự như việc lấy theo bất kỳ một mức thuế nhập khẩu nào, ví dụ như thuế nhập khẩu ưu đãi hay thuế nhập khẩu đặc biệt. Đồng thời, cũng phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hạch toán theo phương pháp nhập trước - xuất trước.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cho biết, cũng có quan điểm cho rằng cách tính thuế bình quân gia quyền theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ gây dư luận là việc điều hành giá xăng dầu thiếu tính công khai, minh bạch vì số liệu cụ thể để tính toán ra các mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Đặc biệt, việc áp dụng mức thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu chưa giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính lại cho rằng nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi như thời gian trước thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà báo chí từng phản ánh.

Còn nếu thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

"Bởi vì không phải tất cả xăng dầu khi nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất. Nhất là sẽ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không muốn bị lỗ nên chỉ nhập xăng dầu từ nguồn được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất. Trong khi đó nguồn cung không đáp ứng đủ sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia", Bộ Tài chính cho biết.

Theo đó, Bộ Tài chính khẳng định, trong giai đoạn này, thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền là hợp lý nhất, giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Để xử lý triệt để tác động hội nhập đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho rằng, về lâu dài phương pháp điều hành dùng giá cơ sở căn cứ vào giá nhập khẩu là không còn phù hợp do đến năm 2017, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thương mại, nên cơ bản xăng dầu trong nước đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, mục đích của việc sử dụng giá cơ sở là để bình ổn giá vì vậy, trong quá trình điều hành giá cơ sở phải sử dụng công cụ ngoài thuế như trích quỹ bình ổn giá, chi phí định mức, lợi nhuận định mức… nên nhiều khi giá bán xăng dầu trong nước có chênh lệch thấp hơn các nước láng giềng, gây tình trạng buôn lậu nên lại phải tìm biện pháp hạn chế.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu sẽ không giải quyết được gốc vấn đề và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam cũng như các bên đàm phán, ký kết FTA. Theo đó, đề nghị Bộ Công thương phối hợp cùng nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp.

Tác giả bài viết: Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP