Trong cuộc họp báo quý 3 của Bộ Quốc phòng tại Hà Nội hôm 9-10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết đã nhận được thông tin, dư luận về việc bộ phim Hậu duệ mặt trời do Đài truyền hình kỹ thuật số VTC phát sóng có những sai sót.
Đó là sai sót về lễ tiết, tác phong ăn mặc của quân nhân sai với điều lệnh, hình ảnh quân nhân trên phim cũng chưa sát với đời sống thực tế của bộ đội Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức cho biết, Bộ Quốc phòng đã đề nghị với đơn vị phát sóng là VTC tham khảo để chỉnh sửa những sai sót, đảm bảo hình ảnh tốt đẹp của người lính được phản ánh một cách chân thực, đầy đủ và chính xác nhất.
Trước sự việc nói trên, chúng tôi liên hệ với đại diện nhà sản xuất của bộ phim là Công ty BHD, nhưng đơn vị trên chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào.
Một cảnh trong Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt Nam |
Khi câu chuyện chưa ngã ngũ, Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt đang tạo nên luồng tranh cãi trái chiều trong dư luận. Một bộ phận khán giả khi xem phim cho rằng, ê kíp làm phim chưa thật sự chỉn chu, kỹ lưỡng từ quá trình xây dựng kịch bản cho đến khi phim hoàn thiện.
Họ cho rằng, người lính trong phim không thật sự gần gũi, có phần khiên cưỡng, xa lạ so với hình ảnh đẹp của bộ đội Cụ Hồ. Diễn xuất của dàn diễn viên cũng được đặt lên bàn cân so sánh so với phiên bản gốc và không nhận được đánh giá quá cao vì thành công quá lớn của hai ngôi sao Hàn Quốc đã tạo ra trước đó.
Trong khi đó, một bộ phận khán giả khác lại cho rằng, không nên so sánh hay có những áp đặt giữa hai phiên bản khác nhau.
Họ đưa ra những góp ý về các tiểu tiết của bộ phim, cách diễn xuất của diễn viên và đánh giá cao những nỗ lực của ê kíp khi trải qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt để có thể mang đến những hình ảnh đẹp mắt trên phim. Nhiều khán giả kêu gọi hãy ủng hộ bộ phim và nên có những nhìn nhận khách quan, đa chiều hơn.
Cần phải nhìn nhận, việc có những sai sót trong các dự án phim kể cả truyền hình và điện ảnh là điều không thể tránh khỏi ở thị trường Việt Nam hiện nay.
Giám đốc một đơn vị sản xuất phim truyền hình từng cho biết, với tình hình thực tế và kinh phí làm phim hiện nay ở Việt Nam, để đòi hỏi tác phẩm hoàn hảo là điều không thể. Đối với một tác phẩm làm lại (remake), áp lực càng lớn hơn bởi luôn nằm trong sự đối sánh so với phiên bản gốc.
Đặc biệt, với những bộ phim về người lính hay có hình ảnh người lính luôn là đề tài khó đối với bất cứ ê kíp sản xuất nào. Một số phim điện ảnh về người lính ra mắt gần nhất: Những người viết huyền thoại, Đường xuyên rừng, Người trở về... cũng từng bị khán giả “bóc mẽ” nhiều chi tiết chưa hợp lý.
Trong trường hợp của Hậu duệ mặt trời, trước câu hỏi có sai sót hay không, câu trả lời chắc chắn là có. Ê kíp thực hiện cần có cái nhìn thẳng thắn, ghi nhận góp ý của khán giả để có những điều chỉnh hợp lý trong quá trình ghi hình và phát sóng tiếp theo.
Đối với một bộ phim, ngoài câu chuyện chất lượng, điều quan trọng không kém là nó để lại thông điệp hay mang ý nghĩa tích cực nào cho cuộc sống. Hậu duệ mặt trời Việt chắc chắn không phải một bộ phim hoàn hảo, thậm chí còn nhiều thiếu sót.
Nhưng ê kíp thực hiện đã làm được hai điều: dám đương đầu với đề tài rất khó và truyền tải được tinh thần của những người trẻ, tinh thần tự hào dân tộc và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.
Trước đó, dù không tiết lộ con số chính thức nhưng ê kíp thực hiện cho biết, bộ phim được sản xuất với kinh phí đầu tư rất khủng so với mặt bằng các phim truyền hình dài tập tại Việt Nam hiện nay.
Phim cũng ghi hình và vừa được phát sóng song song như các dự án phim dài tập tại Hàn Quốc, cũng như theo kịp xu hướng sản xuất phim truyền hình và công nghệ hiện nay. Với hình thức sản xuất mới này, hy vọng, từ những góp ý của khán giả bộ phim sẽ ngày càng hoàn thiện.
Ở thời điểm hiện tại, làm phim từ remake những bộ phim đình đám nước ngoài đang trở thành một xu hướng trong làng phim Việt. Nhất là trong bối cảnh thiếu những kịch bản hay thuần Việt, người xem càng có thêm thời gian xem, so sánh và đánh giá những cái đạt - không đạt của dòng phim này.
Do vậy, để làm ra những bộ phim ít “sạn”, không chỉ cần tâm huyết mà còn là kiến thức, sự tiếp thu của những người làm phim.
Tác giả: MẠNH QUÂN
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng