Trong nước

Bổ nhiệm thần tốc tại Thanh Hóa: Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ

Dư luận còn chưa hết lo ngại về vụ bổ nhiệm thần tốc ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lại xuất hiện một vụ khác có dấu hiệu “thần tốc” tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hoá.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Hai vụ việc nêu trên đang được cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ. Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, thực tế đang có tình trạng bổ nhiệm tuỳ tiện.

Ông Lê Như Tiến nói: Gần đây, báo chí, cử tri và nhân dân cả nước rộ lên tình trạng một số người được thăng chức rất nhanh chóng, chỉ trong một thời gian ngắn đã được đề bạt hết cấp này đến cấp khác, hết chức vụ nọ đến chức vụ kia. Đó là một điều không bình thường, bởi trong công tác cán bộ cũng như trong cuộc đời con người, bao giờ cũng phải có thời gian mới trưởng thành và phải được thử thách qua công việc, qua thời gian.

Tôi đã từng đề cập, nhiều trường hợp bổ nhiệm không phải dùng người tài mà lại dùng người nhà. Rồi không phải bổ nhiệm do trí tuệ mà là quan hệ, tiền tệ, đồ đệ, rồi hậu duệ, ngoại lệ…còn trí tuệ bị xếp xuống hàng cuối cùng.

Trước thông tin “bổ nhiệm thần tốc” như vậy, theo ông cần làm rõ điều gì?

Khi dư luận cảnh báo, lên tiếng, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, xem việc bổ nhiệm có thực sự do tài năng, đức độ không, hay chỉ vì cái gì đó. Nếu không được thử thách qua thời gian, không được đồng nghiệp, đồng cấp đánh giá, mà lại chỉ bằng một cái thư tay, cú điện thoại, hay bằng một mệnh lệnh ở trên xuống, không thể có được một cán bộ đủ năng lực, đạo đức phẩm chất thực sự. Điều đó cho thấy công tác quản lý cán bộ của ta còn bất cập, lỏng lẻo.

Rõ ràng cần phải xem, tại sao trong số tất cả đội ngũ cán bộ công chức ở đó, người ta phấn đấu kiên trì, miệt mài bền bỉ hàng chục năm trời mà vẫn không lên được một cấp. Trong khi đó lại có những người chỉ trong một thời gian ngắn như vậy lại có thể lên đến ba bốn cấp? Để đến mức khi dư luận, báo chí lên tiếng, các cơ quan vào cuộc, tự mình cảm thấy không còn đủ uy tín, tín nhiệm nữa và phải xin ra khỏi các cơ quan dân cử như một số trường hợp trong thời gian qua?, ông Lê Như Tiến cho hay.

Khi giới thiệu một người vào ứng cử một vị trí nào đó thì phải kiểm tra, xem xét một cách rất kỹ lưỡng. Công tác cán bộ rất chặt chẽ, qua bao nhiêu vòng, thế mà vẫn để lọt thì phải xem lại, xem có phải có kẽ hở quy trình hay không? Hay lại làm đúng quy trình nhưng lại dùng quy trình để hợp thức hóa đầu vào của một số người không đủ tiêu chuẩn, tài năng, đức độ mà dư luận vẫn nói?

Vừa qua dư luận lo ngại tình trạng bổ nhiệm liên quan đến tình ái, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ngoài tiền thì tình cũng có thể chi phối trong bổ nhiệm cán bộ lắm chứ. Chỉ có điều, do không phát huy được sự tự kiểm soát lẫn nhau trong cơ quan, công sở, làm cho cấp dưới lại sợ lãnh đạo không dám tố cáo, vì sợ bị vùi dập, trả thù. Đó cũng là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như vai trò kiểm soát, dân chủ ở cơ sở.

Nếu không phát huy được tính dân chủ cơ sở, dễ xảy ra tình trạng người đứng đầu tác oai tác quái, tự lũng đoạn, hoành hành cả về tình lẫn tiền, rồi cả trong việc bổ nhiệm. Tôi được biết, có người đứng đầu cơ quan đơn vị còn nói rằng, nếu ai tố cáo thì người ấy tự biết rằng sẽ phải ra khỏi cơ quan. Từ đó dễ dẫn đến việc trong cơ quan ai cũng biết nhưng lại không dám tố giác.

Từ thực trạng ấy, liệu có cần quy định tội “hối lộ tình dục” không, thưa ông?

Nếu quy định được điều này thì rất tốt, tránh việc ở cơ quan thì cứ sếp là người đứng đầu có thể làm bất kỳ cái gì và nói gì cấp dưới cũng phải nghe. Vì thế nên nghiên cứu đưa vào Bộ luật Hình sự sửa đổi nội dung đó.

Việc bổ nhiệm vì tình, thực ra không phải ở ta mà các nước trên thế giới cũng đều có. Chẳng hạn sếp mà lại có nhân viên nữ đi cùng trong chuyến công tác, lại ở cùng khách sạn, rất dễ nảy sinh quan hệ này kia. Muốn ngăn chặn phải có giải pháp quyết liệt, chẳng hạn trong các cơ quan hành chính phải quy định, đi công tác xa phải bao nhiêu người, ở như thế nào? Hay người đứng đầu cơ quan là nam thì có nên có thư ký là nữ không?...

Cảm ơn ông.

Tác giả bài viết: Thành Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP