Trong nước

Bổ nhiệm bất thường của hot girl xứ Thanh: Dư luận nghi ngờ có cơ sở

“Chưa có gì chứng minh cô “hot girl” xứ Thanh ngồi vào vị trí trưởng phòng là xứng đáng cả. Tôi cho rằng dư luận nghi ngờ là hoàn toàn có cơ sở”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: "Dư luận nghi ngờ đường quan lộ thần tốc của cô Quỳnh Anh là hoàn toàn có cơ sở". Ảnh: Đỗ Thơm

Liên quan đến con đường thăng tiến của “hot girl” Thanh Hóa - Trần Vũ Quỳnh Anh, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội về quan điểm của ông xung quanh vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.

Ông đánh giá ra sao về việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh (SN 1986), chỉ trong khoảng 7 năm từ nhân viên hợp đồng nhanh chóng được bổ nhiệm lên vị trí Trưởng phòng Quản lý nhà và bất động sản (sở Xây dựng Thanh Hóa). Đặc biệt có những khoảng thời gian bà đi học, nghỉ thai sản nhưng vẫn được bổ nhiệm?

Thực tế nếu cô Quỳnh Anh là một người tài thực sự, xuất chúng thì việc bổ nhiệm làm trưởng phòng hoặc giám đốc sở, thậm chí Bí thư tỉnh Thanh Hóa cũng được. Đảng và Nhà nước ta trọng dụng nhân tài nên nếu giỏi, có phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị thì kể cả bổ nhiệm thẳng làm giám đốc Sở cũng không sao. Sợ nhất là không có tài.

Tuy nhiên, dư luận đang cho rằng cô này không đủ phẩm chất đạo đức cũng như không đủ năng lực mà lại được đảm nhận chức trưởng phòng. Chỉ nói thời gian học hành, cống hiến, rèn luyện đã là không đủ. Quan trọng hơn là chưa có gì chứng minh cô này ngồi vào vị trí trưởng phòng là xứng đáng cả. Làm trưởng phòng một Sở có tính chuyên môn đặc thù, quan trọng như vậy, nhiều người phải phấn đấu vài chục năm cũng khó chứ đừng nói là vài năm. Tôi cho rằng dư luận nghi ngờ là hoàn toàn có cơ sở.

Hơn nữa, câu chuyện này không chỉ dừng lại ở chuyện bổ nhiệm nhân sự mà nó còn liên quan đến những lùm xùm khác về tài sản như báo chí đưa tin. Nếu đúng vậy thì cần phải điều tra làm rõ.

Và tôi nhớ trước đó, dư luận đã quan tâm tới việc này, lãnh đạo tỉnh đã nói giao cho công an làm rõ, vậy việc điều tra xác minh đến đâu. Không lẽ cứ để cho dư luận râm ran như vậy.

Câu chuyện này phải được giải mã bằng sự công khai trên công luận và phải có báo cáo giải trình cụ thể cho Trung ương, cho cấp ủy địa phương.

Các cơ quan quản lý trực tiếp (sở Xây dựng) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này nếu có vi phạm trong quá trình bổ nhiệm. Bởi vì họ là nơi sử dụng cán bộ, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân về việc tuyển dụng, xem xét, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Nếu các cơ quan này không lên tiếng, người ta có quyền đặt câu hỏi tại sao không lên tiếng? Và nếu không lên tiếng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Thực tế, câu chuyện con đường thăng tiến nhanh chóng của “hot girl” Thanh Hóa không phải là trường hợp duy nhất thời gian qua được bổ nhiệm nhanh chóng. Vụ việc Vụ phó 26 tuổi cũng từng ầm ĩ không kém. Mọi người chỉ biết đến họ là người trẻ có nhan sắc hoặc có quan hệ thay vì chứng minh được tài năng của mình. Vậy trách nhiệm trong các vụ việc tương tự thuộc về ai?

Trách nhiệm trực tiếp nếu có sai phạm trong việc bổ nhiệm của cô Quỳnh Anh là cấp ủy, chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là cấp tỉnh. Tiếp nữa là trách nhiệm của cấp ủy cơ quan mà cô này được tuyển dụng. Cuối cùng là cá nhân chính cô Quỳnh Anh trong việc tự khai báo tài sản. Bởi ở cấp trưởng, phó phòng là phải kê khai tài sản, vậy kê khai tài sản có đúng không.

Các cơ quan giám sát như HĐND, Mặt trận Tổ quốc… phải chịu trách nhiệm. Không chỉ với riêng trường hợp này mà công thức chung là phải như vậy. Bởi công tác cán bộ, nhân sự đòi hỏi sự chặt chẽ, đúng quy trình, trách nhiệm của từng chủ thể rất rõ ràng. Đã làm rõ là phải xử lý nếu có sai phạm ở bất cứ khâu nào.

Quy trình để bổ nhiệm cán bộ hiện nay được cho là vô cùng chặt chẽ nhưng tại sao “con voi lại chui lọt lỗ kim”, thưa ông?

“Con voi mà chui lọt lỗ kim” thì lỗi do quản tượng. Chúng ta phải kiểm tra lại xem tại sao quản tượng lại giỏi như thế. Có thể quản tượng đã thiết kế một con đường khác hoặc là cho voi phá rào. Quy trình không có lỗi và quy trình bổ nhiệm nhân sự đã được thiết kế, xây dựng rất rõ.

Công tác giám sát cũng chưa đến nơi đến chốn. Đặc biệt để xảy ra hiện tượng này, những người chịu trách nhiệm đã không công khai, minh bạch.

Tôi nhớ ở vụ Vụ phó 26 tuổi, khi vụ việc vỡ lở, một đồng chí nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ còn nói là không biết. Dù thời điểm nhận cậu này vào vị Phó ban kia còn đương chức. Có nghĩa là có đồng chí giấu nhẹm, không đề cập, báo cáo về việc bổ nhiệm. Không cung cấp thông tin, không minh bạch thì làm sao giám sát được. Vai trò người quản tượng, người đứng đầu là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, tôi cảm giác chúng ta đã nói nhiều nhưng chuyển biến rất chậm. Tính liêm sỉ, đạo đức cán bộ rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả bài viết: Đỗ Thơm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP