Đe dọa dân cư và vùng sản xuất
Những năm gần đây, bờ biển thuộc địa phận xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) thường xảy ra sạt lở, đe dọa đời sống khu dân cư. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ.
Trước tình trạng nước biển xâm thực, sạt lở bờ biển, gãy đổ công trình xảy ra hàng năm, nhiều phương án cũng đã được chính quyền địa phương tính đến, như: sơ tán người dân ở vùng sạt lở, xây dựng hệ thống đê biển...
Biển ngày càng tiến sát đất liền, uy hiếp nhà cửa của người dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). |
Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình trạng biển lấn sâu vào đất liền ngày càng phức tạp ở Cảnh Dương. Hơn 1km đường ven biển, qua các thôn Duyên Hải, Trung Vũ, Đông Cảng có nhiều điểm công trình bị tàn phá, nước biển xâm thực mạnh.
Ngư dân Nguyễn Văn Tú than thở: “Không chỉ mất đất, mất công trình, sinh kế của người dân cũng không còn, khu dân cư bị uy hiếp. Nguy cơ thiên nhiên xóa sổ làng biển Cảnh Dương đã là điều trước mắt. Đợt này biển lấn sâu khoảng 20m so với năm 2016.”
Ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Nhiều năm qua, vì không có kinh phí nên việc xây dựng tuyến đê biển chưa làm được. Nhưng, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý trích ngân sách để làm kè chắn sóng với kinh phí 9 tỷ đồng và sẽ triển khai trong năm 2018. Kè chắn sóng này sẽ hạn chế được tình trạng biển xâm thực, hạn chế thiệt hại và giảm bớt lo lắng cho nhân dân”.
Nghiêm trọng hơn là bờ biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) bị sạt lở lấn sâu vào khu dân cư, hàng quán. Điểm sạt lở nặng nề nhất là khu vực bãi tắm Nhật Lệ 2 với chiều dài khoảng 500m. Hàng quán, nhà dân dọc bãi tắm này bị sụt lún hư hỏng.
Ông Phạm Xuân Khánh (phường Hải Thành, TP. Đồng Hới) cho biết: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới thấy tình trạng sạt lở bờ biển bãi Nhật Lệ nghiêm trọng như hiện nay. Một số đoạn đã có bờ kè, nhưng sóng biển vẫn đánh vỡ bê-tông. Công trình kiên cố vẫn bị đánh hỏng”.
Nhiều công trình biển bị hư hại
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116km, vốn là lợi thế để phát triển kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, tình hình BĐKH diễn ra phức tạp, gia tăng thiên tai tiêu cực, nguy hại, như: biển xâm thực, nguy cơ đất nông nghiệp bị nhiễm mặn và trên hết là sụt lún, hư hỏng nhiều công trình biển.
Hiện, dư luận đang quan tâm đến sự cố hư hỏng nhiều tuyến kè biển chắn sóng tại các xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), xã Hải Trạch và Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) và tình trạng sạt lở bờ biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới)...
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, việc nhiều tuyến kè biển, bờ biển bị sạt lở gần đây tại địa phương do nhiều yếu tố. Nguyên nhân cơ bản là do sóng và gió biển quá lớn, trong khi thiết kế của công trình chỉ chịu được bão cấp 9.
Khi gặp cơn bão vượt cấp, gió giật mạnh sẽ tác động lớn đến sự ổn định của kè mái bằng. Mặt khác, tác động của các dòng hải lưu cũng gây sụt lún phần chân kè. Hư hại này có tính ngẫu nhiên, khó dự đoán...
Hàng quán dọc bãi tắm Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) bị sóng đánh gãy đổ. |
Tại Quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Theo tiêu chuẩn thiết kế tại Quảng Bình, hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường 5%, lũ 10%. Đối chiếu với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, các công trình đã không còn bảo đảm công năng.
Phương án tối ưu
Tổng hợp thiệt hại về đê, kè toàn tỉnh cho thấy, 8.100m đê hư hại; 2.770m2 kè hư hại; hư hỏng 8 cái cống trên đê; 15.000m kè bao hư hại. Hiện, toàn tỉnh có 2.526 ha lúa bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Diện tích này khó sản xuất được vụ đông-xuân nếu không đủ lượng nước ngọt để thực hiện thau chua, rửa mặn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai, bão biển cùng mưa lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn tỉnh.
Bão số 10 vừa qua có cường độ vượt tần suất thiết kế của tất cả các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, làm nhiều tuyến đê đã bị hư hỏng nặng nề, kể cả những tuyến vừa được nâng cấp, xây dựng trong thời gian gần đây. Hư hỏng các tuyến đê có nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Trước mắt, tỉnh cần được Trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng để gia cố kè biển, kè cửa sông. Về lâu dài, các giải pháp công trình như kè mỏ hàn, kè chữ T để tạo bồi, nuôi bãi cần được ứng dụng.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: baoquangbinh.vn