Cách đây chừng 1 năm, dư luận thở phào trước việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải thu hồi quyết định cho phép điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận sau khi bị các nhà khoa học và dư luận phản ứng mạnh mẽ. Thế nhưng, mới đây, dư luận lại không khỏi bàng hoàng trước thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Bình vừa đồng ý chủ trương cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 bùn thải sau thi công cảng than của Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch. Điều đáng nói là khối lượng bùn thải lần này lớn gấp 2,5 lần khối lượng dự kiến nhận chìm của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cách đây 1 năm. Dư luận có quyền lo ngại về một tiền lệ xấu có nguy cơ biến biển thành bãi rác khổng lồ.
Vị trí nạo vét luồng hàng hải vũng quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Ảnh: Việt Quốc) |
Cách đây 1 năm, khi quyết định nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) được manh nha, các nhà khoa học biển đã thực sự lo ngại trước khối lượng lớn bùn thải đổ xuống vực đó. Quyết định đó nếu không bì dừng đúng lúc có thể khiến cho khu bảo tồn Hòn Cau bị xóa sổ và đó thực sự là một quyết định khó hiểu trong bối cảnh chúng ta đang chủ trương không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.
Thế nhưng, lần này, khi lượng bùn thải mà chủ doanh nghiệp xin phép nhận chìm lên tới 2,5 triệu m3 ở khu vực cách bờ hơn 3 hải lý thì dư luận “sốc” thực sự. Khá nhiều chuyên gia môi trường biển cho biết: trước đó không hề có thông tin và chỉ thực sự nghe tới dự án nhận chìm bùn thải này qua báo chí (!) Một chuyên gia Hải dương học hàng đầu khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV cho biết: không thể đưa ra ý kiến bình luận gì khi không hề được tham vấn ý kiến, rằng việc cấp phép cho Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch nhận chìm bùn thải là vì lợi ích của 1 nhà máy và đang khiến cho xã hội bị đặt vào câu chuyện đã rồi. Chính đơn vị cấp phép chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình!
Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo quy định: “Với các dự án nhận chìm ở biển, cơ quan cấp phép phải xin ý kiến các nhà khoa học và công khai để người dân được biết”. TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước ứng phó với biến đổi khí hậu đặt vấn đề: trong các dự án liên quan đến môi trường, công khai là việc làm hết sức cần thiết. Người dân cần được biết quyết định đó ảnh hưởng tới môi trường ở mức độ nào, vì sao dự án này phải dừng và dự án kia tiếp tục? Biết để tránh được những thảm họa thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như dự án thủy điện ở Attapu (Lào) vừa qua là bài học nhãn tiền: người dân không biết thông tin về sự cố nứt đập và khi thảm họa xảy ra thì hậu quả khó lòng đong đếm...
Có một điều mà các chuyên gia đa dạng sinh học quan tâm ở thời điểm này là liệu các cơ quan chức năng đã đánh giá mức chịu tải của môi trường biển khu vực Quảng Trạch, Quảng Bình khi đổ hàng triệu m3 chất thải xuống đó hay chưa? Liệu ngành Tài nguyên và Môi trường có dự đoán được lượng bùn thải tương tự phát sinh hàng năm để nhận chìm hay hoàn toàn bị động trước xu hướng doanh nghiệp “xếp hàng” xin nhận chìm chất thải sau khi nhà máy đã hoạt động được nhiều năm? Với hiệu ứng nhiệt điện mọc “như nấm sau mưa” tại các vùng ven biển hiện nay, việc cấp phép này sẽ tạo một tiền lệ cực xấu bởi nếu nhà máy nhiệt điện nào phát sinh bùn thải, chất thải sau thời gian hoạt động vài năm cũng xin nhận chìm chất thải thì chẳng mấy chốc biển sẽ thành bãi rác khổng lồ!
Rõ ràng một việc quan trọng như vậy cần được lấy ý kiến rộng rãi để các nhà chuyên môn phản biện và giám sát trước khi ra quyết định. Thế giới có nhận chìm bùn thải không? Có, nhưng rất hãn hữu. Có kiểm tra giám sát không? Có, nhưng bằng những cách làm có tính toán và mang tính khoa học như nhận chìm nguyên container để chất thải không loang ra toàn vùng biển.
Không thể nói Quảng Bình là vùng biển “nghèo” về đa dạng sinh học để dễ dàng chấp nhận việc nhận chìm bùn thải. Mỗi vùng biển có những giá trị sinh thái riêng và việc nhận chìm nếu không được giám sát chặt chẽ và có phương pháp khoa học sẽ làm mất đi sự hoàn chỉnh của cả dải bờ biển Việt Nam.
Biển là cái nôi của sự sống chứ không phải nơi chứa chất thải. Ở tầm quốc gia, cần phải có những nghiên cứu kỹ càng đâu là những vùng biển ít bị ảnh hưởng tới hệ sinh thái, có thể nhận chìm chất thải và đâu là những vùng rủi ro cao. Có đáng đánh đổi không khi chỉ vì lợi ích của những nhà máy công nghiệp mà bỏ qua lợi ích của địa phương, sinh kế của người dân và lợi ích quốc gia trong phát triển bền vững./.
Tác giả: Nguyễn Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo VOV