Biết "cúi xuống" để nâng mình lên
"Cách đây rất lâu, có một chàng thanh niên người Na Uy đã vượt biển đến nước Pháp để ghi danh thi vào học viện âm nhạc Paris nổi tiếng.
Trong giờ thi, mặc dù anh ta đã cố gắng hết sức để thể hiện khả năng của mình với một trạng thái tốt nhất nhưng vẫn không được ban giám khảo tuyển chọn.
Chàng thanh niên không một đồng xu trong người, đi đến con phố phồn hoa cách học viện đó không xa, đứng dưới một thân cây, và tiếng vĩ cầm vang lên theo nhịp kéo của anh.
Anh chơi hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, thu hút rất đông người dừng chân lắng nghe. Cuối cùng, chàng nâng hộp đàn của mình lên, những người xem xung quanh xúm lại lấy tiền ra và bỏ vào hộp đàn.
Có một tên ngạo mạn khinh thường anh ta và ném những đồng tiền xuống dưới chân của người thanh niên. Người thanh niên nhìn kẻ ngạo mạn rồi cúi người xuống nhặt những đồng tiền trên mặt đất, đưa cho người đó và nói: "Thưa ngài, tiền của ông rơi xuống đất này".
Bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa đều không cách nào trụ vững nổi (Ảnh minh họa)
Người ngạo mạn cầm tiền rồi lại một lần nữa ném xuống dưới chân của người thanh niên và nói: "Tiền này đã là của ngươi rồi, ngươi phải nhận lấy".
Người thanh niên lại một lần nữa nhìn người ngạo mạn rồi cúi người thật sâu xuống cám ơn người ngạo mạn và nói:
"Thưa ngài, cảm ơn sự giúp đỡ của ngài, vừa rồi tiền của ngài rơi xuống mặt đất, tôi đã cúi người xuống nhặt lên, bây giờ tiền của tôi rơi xuống mặt đất, xin phiền ngài cũng nhặt lên giúp tôi".
Người ngạo mạn kinh ngạc trước hành vi của người thanh niên, nhưng cuối cùng cũng nhặt những đồng tiền trên mặt đất bỏ vào hộp đàn của người thanh niên, rồi bước đi với bộ mặt xám xịt.
Người ngạo mạn đó chính là vị giám khảo ban nãy. Cuối cùng vị giám khảo đó lại đưa chàng thanh niên về học tại học viện."
Khi chúng ta ở vào giây phút khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống, có thể gặp phải sự chà đạp nhân phẩm của người đời.
Phản kháng lại một cách gay gắt là bản năng của của chúng ta, nhưng thông thường sẽ khiến cho hành động của những người thiếu hiểu biết, thiếu đạo đức đó càng thêm tệ hại hơn.
Chúng ta không dùng lý trí để phản kháng, mà dùng tâm thái khoan dung độ lượng để đối đãi thì sẽ bảo vệ được danh dự của mình. Khi đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng, bất luận là người có dã tâm nào đi nữa, khi đứng trước chính nghĩa thì đều không cách nào trụ vững nổi.
Bài học từ hành động "cúi xuống nhặt lên"
Nhẫn nhịn là một bài học quan trọng, nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Cuộc sống này dù có càng ngày càng trở nên chật vật, hỗn loạn với vô vàn mối quan hệ ràng buộc phức tạp thì có được sự nhẫn nhịn càng khó, càng xa vời nhưng không vì thế mà chúng ta không thể làm được.
Nhẫn là nhịn, là dằn lòng xuống, là biểu hiện tâm lí tự làm chủ bản thân trước những áp lực bên ngoài. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng mình là ai, cần phải làm gì để cho cuộc sống này trở lên tốt hơn.
Đặc biệt, khi ta đang ở vị trí thấp trong xã hội, dễ dàng bị người khác xem thường, thậm chí chà đạp, thì càng phải học cách nhẫn nhịn.
Sống trong xã hội với nhiếu mối quan hệ phức tạp, nếu như chúng ta không biết nhẫn thì chính bản thân chúng ta sẽ chuốc lấy sự thiệt thòi và những hối hận mai sau. (Ảnh minh họa)
Khi bị xúc phạm, động đến cái tôi cá nhân điều tất yếu người ta thường phản kháng. Nhưng hãy tập tính kiên nhẫn bằng tấm lòng khoan dung độ lượng của mình.
Hãy nghĩ rằng cũng nên cảm ơn những người xúc phạm đến bản thân ta vì nhờ họ mình mới biết được mạnh-yếu ở đâu, cần phải sửa cái gì để hoàn thiện hơn.
Khi đứng trước cái đúng, cái sai cần phân biệt rạch ròi, hành động của chàng thanh niên cúi xuống nhặt tiền lên cho dù bị xúc phạm đã thể hiện phẩm chất nhẫn nhịn vô giá: Biết hạ mình mới là cao thủ và chỉ khi nào biết cúi xuống mới là trưởng thành.
Chàng thanh niên không cảm thấy e ngại khi cúi xuống nhặt những đồng tiền xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Không những thế, anh còn khiến kẻ ngạo mạn phải thay đổi suy nghĩ về mình.
Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng mong muốn được hưởng sự thoải mái, an yên. Tuy nhiên thực tế cuộc sống luôn có rất nhiều áp lực đến từ công việc, mọi người xùn quanh, làm ta bực bội khó chịu, nóng giận trong lòng.
Nếu không biết cách hóa giải, làm chủ cơn nóng giận, vô tình buông những lời nói hay có hành động tiêu cực, sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Bởi vậy, người xưa thường khuyên răn con cháu: "một sự nhịn, chín sự lành", hay " chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu"
Những người học được cách chịu đựng là những người gọi cả thế giới là anh em (Ảnh minh họa)
Nhẫn nhục là giữ thái độ hòa hiếu, hóa giải những phiền não do sự sân giận đem lại, và khi sân giận hầu như chỉ mang đến điều bất lợi cho ta, như người xưa từng nói "giận quá mất khôn".
Trong cuộc sống, có lúc ta phải làm ngơ trước những điều trái tai, gai mắt của những kẻ hung hăng, hiếu thắng. Có lúc bị "bắt nạt" một cách hồ đồ mà ta vẫn phải nén lòng nhẫn nhịn, chịu đựng, cho qua… có nên tranh luận, cãi lí với những kẻ nóng nảy, ăn nói hồ đồ, thậm chí vô lễ không?
Nhẫn nhịn là một đức tính đẹp của người biết làm chủ bản thân, tự kiềm chế mình trước hoàn cảnh bất thuận, bất lợi.
Nhẫn nhịn, nhẫn nhục không phải là sự nhu nhược đáng khinh. Trái lại, chính là biểu hiện của một phẩm cách tự tin, thể hiện ý chí vừa tự kiềm chế vừa kiên cường.
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: