Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế. Thủ tướng định hướng Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng đến Hoa Kỳ với lựa chọn ban đầu là một điểm tại bờ Tây nước Hoa Kỳ (San Francisco hoặc Los Angeles) vào năm 2018. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines về đường bay này.
Trong đề án vừa được Thủ tướng phê duyệt có định hướng Vietnam Airlines mở mới đường bay thẳng tới Hoa Kỳ vào năm 2018, đây là đường bay “ấp ủ” của Vietnam Airlines trong nhiều năm qua, ông có ý kiến gì về việc này?
Ông Dương Trí Thành: -Việc chuẩn bị cơ sở pháp lý để bay tới thị trường có hệ thống pháp luật chặt chẽ như Mỹ không hề đơn giản chút nào. Như quả Thanh Long và quả Vải của Việt Nam muốn bay vào Mỹ mà vô cùng khó khăn thì nói gì tới việc đưa cả cái máy bay chở bao nhiều thứ vào Mỹ.
Ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines |
Để mở được đường bay thẳng tới Mỹ có rất nhiều việc, trong đó có 3 điều kiện chính là Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1) đối với hàng không Việt Nam, Hãng hàng không được phê chuẩn và đặc biệt là các thủ tục an ninh của Mỹ.
Ở đây là vấn đề an ninh của Mỹ chứ không phải là an toàn hàng không. Phía Mỹ sẽ sang Việt Nam kiểm tra hệ thống an ninh của hàng không Việt Nam và của hãng hàng không, việc này có thể kéo dài 2-3 năm. Về phía hãng, nhà chức trách hàng không Mỹ đã làm việc nhiều lần với Vietnam Airlines và kết quả hãng đã đạt yêu cầu để bay tới Mỹ. Chúng tôi cũng hi vọng FAA sẽ phê chuẩn CAT1 trong năm 2018.
Theo phê duyệt định hướng nói trên, kế hoạch mở đường bay thẳng của Vietnam Airlines tới Mỹ sẽ là trong năm nay, thưa ông?
-Chúng tôi vẫn đang đẩy mạnh nghiên cứu dự án này, nhưng mở đường bay thẳng tới Mỹ trong năm 2018 là không thể. Mọi thứ vẫn là tương lai, chúng tôi hi vọng đến cuối 2019 hoặc sang năm 2020 sẽ bay được.
Theo ông, ngoài sự ngặt nghèo của pháp luật Mỹ, đâu là những áp lực mà Vietnam Airlines phải đối mặt khi thiết lập đường bay này?
-Theo tính toán trước đây, khi mở đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn và khả năng lỗ ước khoảng 30 triệu USD/năm. Bây giờ phải tìm cách “cắt” lỗ, giảm mức lỗ xuống dưới con số 30 triệu USD/năm.
Vietnam Airlines dự kiến cuối năm 2019, sang năm 2020 mới có thể mở đường bay tới Mỹ |
Đây là đường bay vô cùng cạnh tranh, giá vé thì rất thấp, chi phí lại cao, vì thế khả năng tiến tới hòa vốn và có lãi là rất dài. Để khắc phục được điều này thì phải có rất nhiều biện pháp mà mình phải làm tốt, phải tìm cách hợp tác với các hãng hàng không khác để phối hợp nguồn khách, nguồn hàng...
Về vấn đề máy bay, cho đến giờ Vietnam Airlines vẫn chưa có máy bay nào bay thẳng được tới Mỹ, vì thế mọi thứ hiện vẫn chưa khả thi.
Nói như vậy nghĩa là 2 dòng máy bay hiện đại nhất thế giới mà Vietnam Airlines đang sở hữu là Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB cũng không thể đáp ứng được việc bay thẳng tới Mỹ?
Đúng như vậy. Hai dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350-900 XWB Vietnam Airlines đang khai thác tuy là hàng đầu thế giới nhưng vẫn chưa thể bay thẳng tới Mỹ mà vẫn phải qua 1 điểm dừng. Trong vài năm tới, khi kỹ thuật máy bay phát triển hơn thì có thể sẽ khả thi hơn.
Khi mở đường bay tới Mỹ, tần suất khai thác của Vietnam Airlins như thế nào, giá vé khởi điểm đã được tính tới chưa thưa ông?
-Tần suất khai thác tối thiểu phải 3 - 4 chuyến/tuần, sau đó thì tăng dần lên. Các hãng hiện nay đang bay hàng ngày, nhưng Vietnam Airlines nếu bay hàng ngày thì lỗ lớn quá nên phải cân đối.
Hiện nay có mấy chục hãng hàng không cạnh tranh ở thị trường Mỹ và đều là các hãng lớn, có tên tuổi như Singapore Airlines, Japan Airlines, Cathay Pacific, China Airlines, ANA, Eva... Vì thế, giá vé khởi điểm khi bay thẳng Mỹ sẽ do thị trường quyết định.
Việc bay thẳng đòi hỏi rất ngặt nghèo từ phía Mỹ, nhưng hãng hàng không cũng lo lỗ trên đường bay này |
Ở thị trường có vài chục hãng hàng không lớn đang cạnh tranh, ông có lo ngại về nhận diện thương hiệu của hãng tại đây?
-Bay tới bờ Tây của nước Mỹ, khách Vietnam Airlines sẽ chủ yếu là Việt kiều, người Việt Nam đi làm ăn, du học sinh và chúng tôi cũng mong muốn một phần là khách du lịch Mỹ, giới đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đối tượng khách này cũng rất nhạy cảm với giá, họ sẽ tìm mọi cách để mua vé với giá rẻ nhất có thể.
Đối với việc nhận diện thương hiệu của hãng tại Mỹ, Vietnam Airlines đã mở văn phòng từ 20 năm nay để chuẩn bị và cũng đang hợp tác với các hãng hàng không để tham gia vào thị trường. Hiện Vietnam Airlines đã có hình ảnh và vị trí ở trong cộng đồng người Việt, còn thương hiệu đối với người Mỹ thì chúng tôi đang tiếp tục cố gắng xây dựng.
- Xin cảm ơn ông!
Năm 2001, giao dịch thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết sau Hiệp định Thương mại song phương là Vietnam Airlines mua 4 máy bay Boeing 777-200ER của Boeing. Năm 2003, Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, Hiệp định này cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa 2 nước. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã mở đường bay từ San Fransisco tới TPHCM của Việt Nam nhưng transit (quá cảnh) ở Hongkong. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là vì thị trường chưa tốt. Phía Việt Nam, từ năm 2004, Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khai thác và đã sẵn sàng bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên đến nay việc thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ vẫn chưa thể hiện thực hoá. Vietnam Airlines cũng đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ Giao thông Vận tải Mỹ. |
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí