Trong nước

Bất ngờ chuyện ở nơi từng được xem là 'vùng đất chết'

Có một thời Đồng Lệnh được xem là vùng đất “chết”. Bởi, tiếng than khóc của những phận người nghiệt ngã mắc phải bệnh phong từ mọi nơi dồn về. Họ sống co cụm, chịu sự ghẻ lạnh của người đời. Nhưng hôm nay, đau thương chỉ còn là dĩ vãng. Đồng Lệnh giờ mang sự sống căng tròn với cánh đồng mía xanh bạt ngàn, những đứa trẻ khỏe mạnh, nô đùa khắp thôn, xóm.


Những đứa trẻ làng Đồng Lệnh

Ký ức đau thương

Vượt qua những con đường quanh co, uốn lượn men núi đồi, chúng tôi tìm về thôn Đồng Lệnh (xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang). Trong hình dung của mọi người, Đồng Lệnh là ngôi làng cô quạnh với những con người đau khổ, lầm lũi bởi căn bệnh phong. Nhưng không, tất chỉ còn là dĩ vãng.

Đồng Lệnh hôm nay, đã có đường bê tông dải khắp, bóng dáng ngôi nhà tầng xây dựng kiên cố đã xuất hiện. Cuộc sống rộn ràng niềm vui bởi những đứa trẻ lành lặn nô đùa dưới chân núi. Thấp thoáng trên cánh đồng mía xanh bạt ngàn là những người phụ nữ đang cần mẫn thu hoạch, từng bó mía được chất lên xe thành đống, cao ngất ngưởng.

Theo một số tài liệu của xã Tân Thành thì trại phong Đồng Lệnh được thành lập từ năm 1972, là nơi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân phong ở các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng... Người bệnh ở nhiều mức độ khác nhau, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đều gánh nỗi đau bệnh tật, bị mọi người xa

Những ngày đầu thành lập trại phong Đồng Lệnh, mọi cơ sở vật chất đều thiếu thốn, chỉ có mấy gian nhà tranh, vách nứa, nhà ăn tập thể, phòng y tế. Năm 1973, trại bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. Năm 1979, là thời điểm trại tiếp nhận nhiều người bệnh nhiều nhất (tới hơn 100 người) từ Trại phong Phú Bình (Thái Nguyên) và Trại phong Quỳnh Lưu (Nghệ An) chuyển về.

Sau này, một số ít người bệnh tự tìm về đây để tránh sự kỳ thị, dằn vặt của người đời. Trại phong Đồng Lệnh trở thành mái ấm, nơi mọi người đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau chống lại bệnh tật.

Qua hồi ức của cụ Trần Thị Chinh, dân tộc Cao Lan, quê gốc ở Lạng Sơn, bức tranh số phận của người dân Đồng Lệnh ngày đó hiện lên với bao đau thương. Khi mới 16 tuổi, cụ Chinh đã mắc bệnh phong. Dân làng sợ hãi bắt gia đình phải đóng bè chuối thả cô gái trôi sông.

“Hôm ấy là một ngày mưa giông to lắm, bố mẹ tôi chặt cây chuối làm bè, rồi làm hình nộm giả thả trôi sông. Còn tôi, trong đêm phải chạy trốn khỏi làng, bỏ cha mẹ người thân mà đi. Tôi cứ thế đi, đi thật xa, cho đến khi kiệt sức, không còn biết lối nào là về nhà mình. Sống vạ vật cho qua ngày. Rồi tôi được một số người chỉ dẫn lên trại phong Đồng Lệnh. Hồi đó, ở đây mọi thứ còn hoang vắng lắm, rừng núi hiểm trở, chỉ có những con đường mòn là lối đi duy nhất ra thế giới bên ngoài”, cụ Chinh nhớ lại.

Còn cụ Lương Thị Lám, ngoài 80 tuổi, kể: năm 18 tuổi, cụ về đất Tân Thành làm dâu, niềm vui chưa trọn thì căn bệnh phong ập đến. Gia đình chồng xa lánh, xua đuổi nên cụ phải lẩn tránh vào đây sinh sống. Trong những tháng đầu đến với Đồng Lệnh, nỗi đau luôn giằng xé từ thể xác đến tâm hồn. Nhất là khi cụ Lám biết trong mình đang mang thai.

Ngày ấy, không biết bao nhiêu lần cụ Lám định quyên sinh, nhưng tình thương của những con người đồng cảnh ngộ đã giúp cụ vượt qua. Sau một thời gian sinh sống trên mảnh đất Đồng Lệnh, cụ Lám hạ sinh đứa trẻ đầu tiên cho làng phong. Đứa trẻ ra đời đã làm thay đổi không khí của làng, mọi người vui vẻ, xoắn xuýt bên hai mẹ con. Và người làng phong mới vỡ lẽ rằng, bệnh phong là bệnh lây truyền chứ không phải là bệnh di truyền.

Từ đó, những người bệnh ở đây yên tâm đến nhau thành vợ, thành chồng, như ông Triệu Văn Hảo và bà Lương Thị Bông; ông Văn Tiến Thanh và bà Phan Thị Long... Thế hệ thứ hai của làng phong ra đời, lớn lên trong lành lặn, khỏe mạnh. Người làng phong lại có niềm tin vào sự hồi sinh.


Đồng Lệnh đang mùa thu hoạch mía.

Tình yêu “vượt biên”

Nhưng những người dân Đồng Lệnh vẫn phải sống trong cảnh “bế quan tỏa cảng”, việc lập gia đình ở Đồng Lệnh ngày đó chỉ là người làng phong lấy người làng phong, còn người bên ngoài vẫn xa lánh.

Sự biệt lập giữa Đồng Lệnh với bên ngoài bao năm cứ mãi thế, cho đến khi diễn ra những cuộc “vượt biên” tình yêu ra bên ngoài làng phong. Trong đó, phải kể đến các mối tình đầu tiên làm bước đệm cho việc phá bỏ rào cản định kiến là cặp đôi của Trịnh Văn Lô và Phạm Thị Miên; Trịnh Văn Hào và Triệu Thị Hiền...

Anh Lô vốn là người mắc bệnh phong đã được chữa khỏi nhưng vẫn bị người đời xa lánh. Vì thế anh từ Bắc Giang tìm về Đồng Lệnh để sinh sống. Trong những lần mang sắn xuống chợ bán, anh đã quen với chị Miên là người xã Thái Sơn. Vì cảm mến tấm chân tình của anh Lô, chị Miên bất chấp mọi ngăn cản của gia đình. Chị theo anh về làm dâu làng phong.

Còn cặp đôi anh Trịnh Văn Hào và chị Triệu Thị Hiền cũng đã trải qua bao sóng gió mới đến được với nhau. Bởi, anh Hào vốn là người ngoài làng phong nhưng vì thương cảm với một người bạn học cùng lớp ở làng phong bị bạn bè xa lánh nhưng anh Hào lại kết bạn, cùng sẻ chia những khó khăn của tuổi học trò. Sau khi tốt nghiệp, thi thoảng anh Hào vẫn ghé qua làng phong chơi với bạn bè rồi tiện thể mua măng, sắn mang ra chợ huyện bán giúp người dân làng phong.

Những tháng ngày gắn bó với Đồng Lệnh, anh Hào càng cảm thấy quý mến người dân nơi đây, nhất là khi anh đem lòng yêu thương chị Triệu Thị Hiền - con gái của hai cụ Triệu Văn Hảo và Lương Thị Bông. Dù cả bố và mẹ mắc bệnh phong nhưng chị Hiền hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, với định kiến của nhiều người, chị Hiền vẫn bị xa lánh. Vì tình yêu với Đồng Lệnh, anh Hào đã vượt qua mọi định kiến của gia đình và xã hội trở thành chàng rể của làng phong.

Từ ngày những cặp vợ chồng “vượt biên” khỏi làng đến với nhau, mọi thứ trong làng cũng dần thay đổi. Để hồi sinh sự sống trên mảnh đất bị lãng quên, các cặp vợ chồng của thế hệ thứ hai liên tục vận động người dân trong thôn tăng gia sản xuất, trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, nhất là cây mía để bán cho nhà máy đường. Đặc biệt, họ còn làm chiếc cầu nối giữa người dân thôn Đồng Lệnh với người dân ngoài thôn xích lại gần nhau hơn.

Thời gian tựa thoi đưa, thế hệ thứ ba của làng phong dần ra đời, những đứa con của hai cặp vợ chồng Lô - Miên; Hào - Hiền đều khỏe mạnh. Cuộc sống hạnh phúc của hai cặp vợ chồng này đã góp phần hóa giải “lời nguyền” của làng phong Đồng Lệnh. Những đám cưới giữa người làng phong và người bên ngoài ngày càng nhiều hơn…

Năm 2003, một đoàn y tế từ Hà Nội về thăm khám và kết luận Đồng Lệnh không còn bệnh phong. Bao nhiêu tủi nhục, đắng cay mà người Đồng Lệnh phải gánh chịu suốt mấy chục năm chính thức được trút bỏ, trại phong được giải thể.

Chàng rể đầu tiên của làng phong – Trịnh Văn Hào giờ đây nắm giữ cương vị trưởng thôn, anh nói: “Đồng Lệnh không còn là vùng “đất chết” nữa. Hiện tại thôn đã có 36 hộ dân với 108 nhân khẩu, cả làng chỉ còn có 16 người bị bệnh phong là do mới từ nơi khác chuyển đến đây sinh sống.

100% số trẻ trong thôn được đến trường đúng độ tuổi, hiện có hơn 35 em học ở cả ba cấp học. Tiêu biểu có Chẩu Văn Vương, tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên và trở về Đồng Lệnh làm việc, chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong thôn”.

Tác giả bài viết: Văn Hùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP